Việt kiều Úc say đắm món ăn “quốc hồn quốc tuý”, bay về nước để thi tài nấu ăn
“Nói về phở, tôi có thể nói chuyện cả ngày được”, đó là câu nói anh Nguyễn Ngọc Châu, một đầu bếp Việt kiều đang sinh sống tại Úc lặp đi lặp lại nhiều lần trong câu chuyện chớp nhoáng sau cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon.
10:11 05/12/2022
Vốn sinh ra ở Hà Nội, sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh Nguyễn Ngọc Châu đã có cơ hội sang Úc du học về ngành quản trị khách sạn nhà hàng. Tại nơi xứ người, anh tình cờ gặp được mẹ nuôi – là một nghệ nhân ẩm thực người gốc Mỹ Tho.
“Mẹ tôi mất sớm, nên khi gặp được mẹ nuôi, người đã dạy tôi nấu ăn, cho tôi một mái nhà nữa ở nơi xứ người, tôi vô cùng biết ơn”, anh Châu kể lại. Chính người mẹ nuôi đã truyền thêm cho tôi niềm đam mê ẩm thực.
Ở Australia, anh Châu cùng gia đình mẹ nuôi đã mở một nhà hàng tại Mosman Sydney. Nhà hàng kinh doanh đa dạng món ăn truyền thống của nhiều nước, từ Thái Lan, Singapore, Hong Kong và tất nhiên là các món ăn Việt Nam để phục vụ thị hiếu của người dân sở tại. Tuy nhiên, trong số các món ăn ấy, anh Châu dành niềm đam mê lớn nhất cho phở.
Với anh Châu, phở là món ăn “quốc hồn quốc túy”, đã gắn liền với tuổi thơ của anh và rất nhiều người. “Tôi bị ám ảnh bởi mùi phở. Tôi có thể nói về phở cả ngày không hết chuyện. Đó là món ăn gắn liền với tuổi thơ của mỗi người thuộc thế hệ của tôi. Ký ức của tôi là những bát phở thơm ngào ngạt mà chỉ khi bị ốm mới được ăn. Cả nhà còn trộm cơm nguội ăn cùng chút nước phở. Mỗi khi đi học ngang qua hàng phở, tôi đều phải đứng lại hít hà hương vị đặc biệt ấy. Đó là những ký ức tôi không bao giờ quên. Và chắc hẳn nhiều người cũng thế. Chứ không như bây giờ, phở đã trở thành món ăn sáng quen thuộc, bạn có thể ăn phở bất kỳ lúc nào bạn muốn”
Khi biết tới cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon, anh Ngọc Châu đã mong muốn được tham gia để thử trổ hết tài năng của mình và được học hỏi thêm từ các nghệ nhân, các bạn thi cùng.
“Lần về nước lần này, tôi muốn thử tay nghề nấu phở và muốn đem “bí kíp” mà tôi học được ở khắp các quán phở ngon nức tiếng cả ở Việt Nam và ở Úc vào cuộc thi”, anh Châu chia sẻ.
Và trong vòng sơ khảo cuộc thi, anh Châu đã trở thành 1 trong 5 thí sinh đạt điểm số cao nhất và tiếp tục đi vào vòng chung kết. “Tôi may mắn được đi tiếp vào vòng trong, nhưng người đoạt giải ở cuộc thi này cũng không hẳn là người nấu phở ngon nhất. Bởi còn rất nhiều tài năng ẩm thực ở ngoài kia, chưa có cơ hội tham gia cuộc thi”.
Hạnh phúc khi khách hàng ăn hết sạch cả nước phở
“Tôi có thể ăn phở 365 ngày trong năm và nói chuyện về phở cả ngày. Người thầy Úc dạy tôi nấu đồ Âu có nói với tôi rằng: muốn trở thành đầu bếp quốc tế, thì trước tiên phải nấu được món ăn của đất nước mình, đạt đến độ tinh đã”.
Theo anh Châu, một đầu bếp giỏi không thể chỉ nắm sơ qua về ẩm thực của nơi mình sinh ra. Cùng một công thức nhưng mỗi người sẽ nấu phở cho ra một thành phẩm khác nhau. Tôi luôn chắt chiu, học hỏi từ rất nhiều người thầy, người đồng nghiệp. Luôn luôn phải có tính sáng tạo, học hỏi những cái mới.
Anh Châu đánh giá, để có một bát phở ngon, nước dùng là quan trọng nhất, sau đó đến bánh phở rồi mới tới thịt. Để nấu ngon, đầu bếp phải có tâm với nghề.
Anh Châu là 1 trong 5 người chiến thắng ở vòng thi sơ khảo phía Bắc, cuộc thi Đi tìm người nấu phở ngon năm 2022.
“Ở nước Úc, tôi may mắn khi sống ở khu vực có rất đông người Việt. Hơn nữa, tôi có thể tìm tòi để thay thế một số gia vị của Thái, của Trung Quốc cho những gia vị khó tìm của Việt Nam. Tôi đã cùng gia đình mở cửa hàng từ cách đây hơn 20 năm. Đứng bếp chính cho quán ăn của gia đình, tôi luôn dành tâm huyết cho những món ăn mình nấu, luôn nỗ lực để hôm nay nấu ngon hơn hôm qua.
Khách hàng của tôi rất nhiều, cả người Việt và những người Úc từng tới Việt Nam. Họ là những người yêu Việt Nam và luôn nhớ những hương vị đặc trưng của đất Việt.
Điều hạnh phúc nhất khi nấu phở của tôi là chứng kiến bạn bè, khách hàng của mình thưởng thức một tô phở một cách ngon miệng, ăn hết cả nước phở. Đó là động lực để tôi yêu mến nghề nấu ăn”.
Trong tương lai, anh Ngọc Châu dự định sẽ trở về Hà Nội mở một quán phở để được sống hết mình với món ăn đã trở thành niềm đam mê cháy bỏng như dòng máu đang chảy trong huyết quản của anh.
Say nữ phi công Việt xinh đẹp, giám đốc Pháp bay sang Mỹ nấu cơm, rửa bát
Ở tuổi 27, Diệu Thúy gom hết tiền tiết kiệm suốt 5 năm đi làm để qua Mỹ học phi công, với suy nghĩ, thành công thì tốt, thất bại thì xem như là một trải nghiệm.