Vợ Việt chồng Mỹ qua Philippines mở quán ăn, khách tấp nập vì món gà chiên nước mắm quá ngon
Vợ Việt cưới anh chồng người Mỹ rồi chuyển đến Philippines sinh sống. Tại đây, hai vợ chồng mở quán ăn để quảng bá ẩm thực Việt và được nhiều người dân bản địa ủng hộ.
11:58 31/12/2022
Lập nghiệp đã khó, đã vậy lại còn ở đất khách quê người lại càng vất vả, thử thách muôn phần. Tuy nhiên, chị Nguyễn Len (31 tuổi) và chồng là anh Philip Veinott (37 tuổi, người Mỹ) đã có quyết định liều lĩnh là mở quán ăn Việt ở Philippines.
Chị Len sinh ra và lớn lên ở Philippine. Năm 18 tuổi, chị về lại Việt Nam và sinh sống ở quận 10 (TP.HCM). Chị gặp chồng tại Việt Nam. Anh Philip đã sống ở đây 14 năm nên khá sõi tiếng Việt. “Chồng tôi là người Mỹ nhưng anh đã có 14 năm ở VN nên rất giỏi tiếng Việt, am hiểu văn hóa và con người Việt”, chị Len cho biết.
Sau khi tình hình dịch bệnh ổn định, hai vợ chồng đã quyết định sang Philippines ở cùng ba mẹ cho đến nay. Sau hơn chục năm quay lại, chị Len bất ngờ khi thấy có nhiều người Việt đang sinh sống, làm việc ở Philippines. Sẵ nhớ không khí quán xá nhộn nhịp ở Việt Nam, chị Len bàn tính và liều lĩnh mở quán ăn ở đất khách nhằm giới thiệu ẩm thực Việt với người dân bản địa và đặc biệt là giúp nhiều người xa xứ có thể tìm về món ăn quê nhà.
“Tôi rất nhớ cảm giác ở VN, nhưng qua Manila tìm mãi không thấy nên mở quán 3 trong 1: nhà hàng kết hợp với quán nhậu, có karaoke gia đình, tạo cho anh chị em đồng hương, dân bản địa có một sân chơi thoải mái”, chị Len chia sẻ trên Thanh Niên.
Quán của chị Len được mở từ tháng 7 tới nay và được đông đảo người dân bản địa cũng như khách Việt ủng hộ rất nhiệt tình.
“Người Philippines cũng thích các món Việt, nhưng trước chủ yếu chỉ ăn phở, bún, nên tôi nghĩ đây là cơ hội quảng bá ẩm thực quê nhà tới họ. Mới đầu nghe món cánh gà chiên nước mắm họ bảo “hơi kinh”, nhưng khi thưởng thức thì ai nấy đều hỏi “làm sao mà ngon như vậy, lần đầu tiên được ăn món này”. Nhiều người thấy ngon rồi giới thiệu bạn bè tới. Tôi rất vui với sự ủng hộ của khách bản địa”, chị Len chia sẻ.
Ngoài công việc về chứng khoán, anh Philip rất chịu khó phụ vợ trông coi quán, chăm lo nhà cửa, trông nom con cái. Khi quán ăn Việt được người dân Philippines ủng hộ nhiệt tình, người đàn ông Mỹ không khỏi vui mừng và cảm thấy rất gần gũi như đang ở Việt Nam.
“Tôi sang Việt Nam sống 14 năm, giờ được khách ủng hộ, tôi tưởng tượng đang sống những tháng ngày ở quê vợ thay vì ở Manila. Gia đình cùng làm, cùng hỗ trợ lẫn nhau, người Việt sống ở đây rất nhiều nên không còn cảm giác xa lạ”, anh chồng người Mỹ của chị Len chia sẻ trên Thanh Niên.
Nhờ vào sự nhạy bén, nắm bắt được tâm lý của khách nên chị Len đã thành công với quán ăn Việt Nam. Không chỉ bán cho đồng hương xa xứ, quán của chị còn giới thiệu ẩm thực Việt đến người dân bản địa và bằng chứng là nhiều người khoái món cánh gà chiên nước mắm thay vì chỉ biết dồ ăn Việt là phở, bánh mì, cơm tấm…
Tuy bận bịu con cái, lại còn lập nghiệp xa xứ nhưng chị Len đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của khách bản địa. Điều may mắn của chị là được chồng ủng hộ, hết lòng hỗ trợ chăm con, quán xuyến nhà cửa nên có thể toàn tâm dành cho công việc.
Nhiều người Việt sống xa xứ rất giỏi, vì họ chịu khó, chăm chỉ làm lụng và nhanh nhạy nắm bắt tâm lý khách hàng là có thể gặt hái thành công dù sống ở bất cứ đâu. Trước đây, mình từng đọc được câu chuyện tương tự về cô gái 9X Tôn Thị Hồng Như đã mở hai nhà hàng tại Mỹ và được nhiều người ủng hộ.
Cô gái quê Đắk Lắk đã không ngừng nỗ lực để đưa nhà hàng của mình lọt Top 5 nhà hàng Việt tốt nhất ở New York và doanh thu tăng 40% sau đại dịch. Sang Mỹ với hai bàn tay trắng cùng muôn vàn khó khăn, đến nay Hồng Như đã thành bà chủ thành đạt, trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều người lập nghiệp xa xứ.
Khác biệt trong cuộc sống Việt Nam và phương Tây: Đi rồi mới biết đâu mới thực sự là thiên đường
Tại Canada, đàn ông dù kiếm được nhiều hay ít tiền đều phải có trách nhiệm chia sẻ với vợ việc gia đình. Tổng thống hay những người rất thành đạt, giàu có vẫn chui vào bếp như thường.