3 năm ở Nhật, vợ chồng tôi có cuộc sống ‘trong sợ, ngoài thèm’
Bỏ nghề giáo theo chồng sang Nhật, chị Trang có lúc hối hận khi thấy anh làm việc tới kiệt sức, còn mình phải một tay lo nội trợ, chăm con.
17:00 09/07/2020
Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Thu Trang, 32 tuổi, ở Tokyo, Nhật cùng chồng và con trai 5 tuổi về cuộc sống ở xứ mặt trời mọc mà nhiều người mơ ước.
Chồng tôi là kỹ sư ngành công nghệ. Ở trong nước, anh làm nhân viên một công ty nhỏ, lương đều đều mỗi tháng mười mấy triệu. Hai vợ chồng đều người tỉnh lẻ, gom góp suốt 4 năm sau kết hôn chưa được bao nhiêu nên khi chồng nhận quyết định sang Nhật làm việc, cả gia đình tôi đều vui mừng khôn tả.
Sang đó nghĩa là cơ hội tăng thu nhập lên nhiều lần, được sống ở một nước nổi tiếng về cảnh đẹp, sự văn minh, tiện nghi và các sản phẩm chất lượng. Chúng tôi tìm hiểu và cũng biết cường độ làm việc ở Nhật khá cao nhưng nghĩ rằng như vậy thì càng có cơ hội làm thêm, tăng lương.
Lúc quyết định theo chồng sang đó, bản thân tôi có chút do dự. Đang làm giáo viên, nếu sang kia, tôi sẽ ở nhà nội trợ, bắt đầu lại từ số 0. Nhưng nghĩ vợ chồng không thể mỗi người một nơi, lại muốn con được trải nghiệm nền giáo dục ai ai cũng ca ngợi, tôi vẫn đi.
Sau thời gian đầu thăm thú xung quanh, thuê nhà, làm quen với cuộc sống mới, gia đình tôi nhanh chóng nhập vào guồng cuộc sống hối hả ở Tokyo. Buổi sáng, tôi dậy nấu cơm, chồng ăn xong là đi bộ ra tàu điện ngầm đến cơ quan. Mỗi ngày, anh mất hơn 2 tiếng đi lại, làm việc 8 tiếng nhưng hầu như tháng nào cũng có tuần làm thêm, chuyện 10h-11h đêm mới về là bình thường. Có những hôm, về nhà rồi, anh lại tiếp tục phải làm việc tới 2-3h sáng. Chồng tôi kể, ở cơ quan, sếp luôn thích những người dốc sức với công việc nhưng chồng tôi sức khỏe kém nên phải tự cân bằng để làm vừa phải.
Ngay dưới tầng chúng tôi sống là đồng nghiệp người Nhật của anh. Anh ấy có khi cả tuần hôm nào cũng về chuyến tàu muộn nhất – 12h đêm – rồi sáng hôm sau lại tất tả đi sớm. Có lần sắp đến dịp bàn giao dự án, anh ấy thức trắng 3 đêm liền, người rộc đi, phờ phạc, tôi nhìn cũng thấy xót xa.
Con trai chị Thu Trang hồi gần 4 tuổi tại Tokyo, Nhật. Ảnh: NVCC.
Thời gian đầu sang, tôi thực sự bị sốc khi tự dưng rơi vào cảnh suốt ngày lui cui nội trợ, đợi chồng từ sáng tới đêm, ngôn ngữ không biết tí gì. Nhật Bản luôn khuyến khích mẹ ở nhà chăm con nhưng tôi thấy kéo dài cảnh này thì mình héo mòn, con cũng buồn. Nhưng việc cho con đi mẫu giáo rất khó khăn. Trường tư thì ít mà rất đắt đỏ, trường công quá tải và mẹ phải có xác nhận đi làm thì con mới được duyệt đi học.
Bài toán đặt ra là không ai trông con thì đi làm thế nào để xin giấy xác nhận được? Cuối cùng, tôi hỏi han các mẹ khác thì được chỉ cho cách: nhờ chồng tranh thủ trông con vào tối và một số ngày cuối tuần để đi làm, sau đó xin xác nhận ở chỗ làm rồi gửi con và “giải phóng” cho chồng.
Đi làm một thời gian, tôi quyết định phải học bằng được tiếng Nhật. Không biết tiếng, tôi đi họp phụ huynh không biết nói gì, ngày nào cô cũng ghi nhận xét về con trong sổ, mẹ chẳng đọc được, chưa kể những lúc con ốm đau cần đưa đi khám.
Bây giờ, tôi cứ đưa con đi học xong thì đến lớp học tiếng tới 13h, sau đó làm thêm tại siêu thị 14-17h, xong về đón con, lo cơm nước. Tối đợi con ngủ rồi mẹ lại tranh thủ dậy học. Các mẹ Việt ở Nhật hầu như ai cũng gầy vì nhịp sống này.
Chồng tôi đi làm hầu như chưa bao giờ nghỉ trọn vẹn một ngày – vì anh nói tất cả đồng nghiệp nam trong cơ quan đều như vậy. Có đợt, con tôi bị viêm phổi phải đi viện cả tuần, mỗi ngày anh chỉ tranh thủ vào được một tiếng buổi tối, còn đâu là hai mẹ con. May là ở bên đó người nhà không cần lo gì cho bệnh nhân, mọi việc đều có y tá.
Ở đây, thu nhập rất tốt nhưng chi tiêu cũng khá tốn kém. Hồi mới sang, lương chồng tôi tính ra tiền Việt được khoảng 50 triệu, nay tăng lên hơn 70 triệu đồng. Tuy nhiên, riêng tiền thuê nhà và điện nước tốn khoảng 16 triệu, cộng thêm gần 20 triệu cho ăn uống, mua đồ, các khoản lặt vặt. Đó là gia đình tôi khá tiết kiệm, nếu nhà ai chăm đi ăn hàng thì chắc không để ra được khoản nào.
Nhật Bản là môi trường tuyệt vời cho sự phát triển của trẻ. Công viên, viện bảo tàng và các khu vui chơi miễn phí có ở khắp nơi. Con rất thích đến trường và được học đủ các kỹ năng ở đó. Tôi cũng hay tìm cơ hội đi uống cà phê, trò chuyện với các phụ huynh khác để tạo thiện cảm, học hỏi từ họ và giúp con dễ kết bạn, đỡ bị bắt nạt.
Ngoài ra, sống ở đây tuy áp lực cao và vất vả nhưng gia đình nhỏ gắn kết hơn. Bố mẹ ngoài thời gian đi làm là chăm và chơi với con, cuối tuần rảnh sẽ đưa con đi bảo tàng hay công viên, không có chuyện cánh đàn ông tụ tập với nhau, bỏ mặc gia đình.
Tất cả bạn bè, người quen luôn thể hiện sự ngưỡng mộ cuộc sống vợ chồng tôi đang có. Ít ai biết được những nhọc nhằn đằng sau đó. Thực lòng, cũng nhiều lần tôi có ý nghĩ muốn bỏ quách xứ này để trở về quê nhà. Đó là khi học mãi mà không nhớ nổi chữ nào, chồng thì làm việc vất vả đêm ngày, rồi khi con ốm, mẹ ốm mà chỉ hai mẹ con lủi thủi với nhau… Những lúc đó tôi thấy cuộc sống thực sự quá mệt mỏi.
Điều mất mát không gì bù đắp được là sự nghiệp của chính mình. Nếu mẹ có cố học hành giỏi giang, đi làm toàn thời gian được thì cũng lại vào guồng đi sớm, về muộn, con không ai chăm. Ngược lại, mẹ đành chấp nhận làm thêm tuần không quá 28 tiếng để được về đón và chơi cùng con sớm hơn.
Hiện tại, chúng tôi chưa có kế hoạch trở về, mặc dù cũng không biết mình có thể bám trụ ở đây đến bao lâu.
Chị Minh Nguyệt, người sang Nhật theo chồng đi xuất khẩu lao động từ 5 năm trước cho biết, điều chị ghét nhất ở đây là gánh nặng trụ cột bị “quàng” hết lên vai người đàn ông, thời gian làm việc kéo dài, dồn mọi việc chăm sóc cửa nhà, con cái cho vợ. Là kỹ sư thiết kế làm việc trong công ty sản xuất ôtô ở Tokyo, chồng chị Nguyệt có những thời điểm cả tháng đi làm tới 10h đêm mới về, hôm nào tới nhà con đều đã ngủ.
“Chồng mình nói sếp chưa đứng dậy thì đố nhân viên nào dám đi về, nên lúc nào cũng phải cố”, chị kể. Nhiều lần chứng kiến cảnh chồng cứ 2-3h sáng mới về đến nhà, người như robot, chị dần dần hiểu vì sao có nhiều người Nhật tự tử đến vậy, nhất là khi họ không có gia đình, người thân để chia sẻ.
Dù vậy, chị Nguyệt cho biết chị không hề thấy hối hận khi cả gia đình sang đây. “Nhiều bạn bè tôi là bác sĩ, sếp ở công ty, đã có nhà cửa đàng hoàng, bỏ hết lại đi theo chồng, sang đây làm thêm việc tay chân, ở nhà nội trợ nên tiếc nuối. Tôi thì xác định, chồng dù nửa đêm mới về nhưng là chăm chỉ làm việc, còn hơn ở trong nước về muộn đều là đi nhậu nhẹt, tụ tập. Nếu cuộc sống là cuộc vật lộn, thì ở xứ này, vẫn nhiều cơ hội để kiếm tiền hơn, trong khi con cái lại được hưởng môi trường, giáo dục tốt. Cứ coi như hy sinh đời mình, để con được đi du học sớm”, chị Nguyệt nói.
Theo thống kê năm 2016 do bộ Lao động Nhật công bố, nước này có khoảng 150 vụ chết do làm việc quá sức. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết, con số thực cao hơn ít nhất 10 lần. Còn theo Bộ Tư pháp Nhật Bản, số người Việt ở nước này đã tăng gấp 7 lần, từ hơn 36.000 người năm 2007 lên hơn 260.000 người vào năm 2017.
Tờ Asahi Shimbun mới đây đưa tin, trong ngôi chùa Nisshinkutsu ở Tokyo, có bài vị của 81 người Việt trẻ tuổi, qua đời từ năm 2012 đến cuối tháng 7 năm nay. Họ đột tử vì nhiều lý do khác nhau hoặc do tự sát.
Theo: hanoi24h
Cảnh đổ nát tại Nhật Bản sau thảm họa mưa lũ khiến 50 người chết
Ít nhất 50 người đã thiệt mạng trong khi hàng chục nghìn nhân viên cứu hộ vẫn đang làm việc để tìm kiếm những người mất tích khi lũ lụt càn quét khu vực phía tây nam Nhật Bản.