6 điều độc đáo chỉ có ở Nagoya mà bạn chưa biết
Nagoya là thành phố lớn ở tỉnh Aichi với nền kinh tế phát triển, xếp thứ 3 sau Tokyo và Osaka. Nằm ở giữa đất nước, một vị trí dễ bị ảnh hưởng bởi văn hóa phía Đông và phía Nam, nhưng văn hóa tại Nagoya lại rất “đặc biệt” đến mức nhiều người Nhật cho là “quái dị”.
12:00 02/05/2020
Trong bài viết này, các bạn hãy cùng tôi tìm hiểu về những điều đặc biệt ấy nhé!
1. Quy tắc giao thông theo “luật Nagoya”
Điều bất ngờ đầu tiên ở Nagoya là xe hơi chạy khá ẩu, nói nôm na thì họ chạy theo “luật Nagoya”. Vượt đèn đỏ, rẽ trái phải không bật xi nhan, đèn xanh là bắt đầu nổ máy… những kiểu chạy mà chỉ cần sai một li là sẽ gây tai nạn.
Nhưng người Nagoya không nghĩ đó là sai quy tắc. Ngược lại, nếu chạy đúng luật lại dễ gây tai nạn (?). Nghe thật khó tin đúng không? Nhưng đó là “luật Nagoya”, nơi mà nếu bạn không qua đường khi đèn xanh lại chính là tự bảo vệ mình.
2. “Cuồng” quán cà phê
Đối với người Nagoya, Kissaten – tức quán cafe, đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của họ. Khách đến thăm nhà, họ dẫn đến quán cafe nói chuyện. Gặp mặt đối tác kinh doanh cũng đến quán cafe.
Để chứng minh điều này, một cuộc khảo sát cho thấy lượng người tiêu tiền vào quán cafe nhiều nhất Nhật Bản là ở Nagoya. Và số lượng quán cafe nhiều nhất Nhật Bản cũng ở Nagoya.
Có một dịch vụ rất nổi tiếng ở Nagoya là “Morning” với suất ăn sáng kèm theo khi gọi nước uống ở quán cafe. Với người Nagoya, dịch vụ “Morning” lợi hơn nhiều so với nấu bữa ăn sáng tại nhà. Không chỉ vậy, khi bạn gọi nước uống ở bất kỳ quán cafe nào cũng được kèm theo bánh ăn.
Vào sáng sớm thứ 7, Chủ nhật, cả gia đình dắt nhau xếp thành hàng dài trước cửa quán cafe là một hình ảnh rất bình thường, nhưng sẽ là “bất thường” với những ai lần đầu đến Nagoya.
3. Chuộng Cao, To, Dày, Dài
Tiêu chuẩn đánh giá của người Nagoya là vẻ bề ngoài. So với hai ly rượu đắt tiền nhưng nhỏ, người Nagoya thích một cái chăn bông to hơn.
Khi dự đám cưới thì quà chúc mừng phải hội tụ đủ 3 điều kiện: dày, nhiều và hàng hiệu. Nhận quà càng to, càng thể hiện thành ý. Nên những ai đến Nagoya thăm bạn bè nhớ lưu ý cách chọn quà nhé!
Nguồn: http://plaza.rakuten.co.jp/ikuyzpku5/diary/200903220000/
4. Nagoya-meshi – một nền ẩm thực độc đáo
Bạn đã bao giờ ăn món Tonkatsu, thịt heo chiên xù kiểu Nhật dùng nước sốt miso đỏ bao giờ chưa? Đó là một trong những món ăn độc đáo của văn hóa ẩm thực Nagoya. Ngoài ra phải kể đến Misonikomi Udon, mì udon hầm với súp miso, khiến người ăn ngạc nhiên vì sợi mì rất cứng, hệt như nấu chưa chín vậy!
Với người Nagoya, hầm quá kỹ sẽ làm mất đi hương vị của mì. Nếu để sợi mì mềm nhũn thì không phải là món mì hầm với súp miso. Và cách ăn đúng của món này là bạn phải lấy nắp nồi thay cho chén, để nguội rồi ăn. Bởi vậy nắp nồi không có lỗ nhỏ để thoát khí.
Một nền ẩm thực độc đáo như vậy, nhưng có không ít người Nhật ở tỉnh khác lại cho là “dở tệ” và “quái lạ”.
5. “Tôi đến từ Nagoya”
Nagoya là một thành phố nằm ở tỉnh Aichi. Nhưng khi bạn hỏi người Nagoya “Quê bạn ở đâu?”, ai cũng sẽ trả lời rằng: “Quê tôi ở Nagoya”. Họ yêu và tự hào về thành phố nơi mình sống đến mức không ý thức được mình đang sống ở tỉnh Aichi.
Còn nếu trả lời “Quê tôi nằm gần Nagoya” thì họ là những người sống ở thành phố khác. Người Nagoya phân biệt rạch ròi giữa người trong và ngoài thành phố, giữa vùng quê và đô thị. Bằng cách hỏi nơi sinh, họ sẽ lập tức biết rằng đó có phải người Nagoya hay không.
6. Một thành phố chỉ có người Nagoya
Ở Tokyo, Osaka hay các thành phố khác, bạn sẽ dễ dàng gặp được nhiều người, đến từ khắp mọi miền đất nước Nhật Bản đang sinh sống và làm việc. Nhưng Nagoya chỉ có những người sinh ra tại đó, họ làm việc, kết hôn và sống hết phần đời của mình ngay quê nhà, chứ không đến vùng khác sống. Tất nhiên không kể đến du học sinh và người nước ngoài.
Trên đây là 6 điều độc đáo chỉ có ở Nagoya mà tôi muốn giới thiệu đến các bạn. Nếu có dịp ghé thăm Nagoya, hãy thử kiểm chứng những điều này xem có đúng không nhé!
Theo Japo
Nhật Bản đối mặt với nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng vì dịch COVID-19
COVID-19 đã làm nảy sinh một nguy cơ mới cho nền kinh tế Nhật Bản, đó là khả năng nguồn cung khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) bị gián đoạn, khiến nhiều khu vực Nhật Bản rơi vào tình trạng thiếu điện.