Ba toa tàu Metro Số 1 do Nhật sản xuất đã về tới TP Hồ Chí Minh
Ba toa tàu Metro Số 1 do Nhật sản xuất đã về tới TP Hồ Chí Minh lúc 8h sáng 8/10. Đây là 3 toa thuộc đoàn tàu đầu tiên trong số 51 toa của tuyến Metro Số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) về đến TP HCM sau hơn một tuần rời Nhật Bản.
06:00 09/10/2020
Đây là ba toa thuộc đoàn tàu đầu tiên trong số 51 toa của tuyến Metro Số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) về đến TP HCM sau hơn một tuần rời cảng Kasado (Nhật Bản). Quá trình vận chuyển bằng đường biển
Các toa tàu để trong thùng chuyên dụng, được tàu biển Bayani, dài 120 m, rộng 21 m, tải trọng 13.000 tấn, chở tới phao số 0 vùng biển Vũng Tàu rạng sáng nay. Sau đó tàu Bayani được Công ty TNHH Hoa tiêu Hàng hải khu vực I lai dắt theo luồng sông Lòng Tàu vào cảng Khánh Hội. Bên vận chuyển sẽ tháo dỡ và chuyển qua xe siêu trường đưa về depot Long Bình (nơi sửa, bảo trì tàu) ở quận 9.
Để chở các toa tàu, tổ hợp xe siêu trường gồm ôtô đầu kéo và cụm rơ-moóc thủy lực chuyên dụng 12 trục nối với nhau, 96 bánh, sức kéo 250 tấn, đã đậu sẵn ở cảng Khánh Hội để chuẩn bị công tác tháo dỡ.
Ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó tổng giám đốc Cảng Sài Gòn, cho biết đây là lần đầu tiên cảng thực hiện tháo dỡ thiết bị toa tàu metro nên công tác chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Hiện 30 công nhân Cảng Sài Gòn cùng với các cẩu chuyên dụng chuẩn bị đưa toa tàu xuống xe, dưới sự giám sát của 5 chuyên gia Nhật thuộc nhà thầu Hitachi. Tổng thời gian tháo dỡ, đưa xuống xe mất khoảng 6 tiếng.
Ông Đoàn Văn Tuyến, Giám đốc dự án thuộc Công ty cổ phần Gemadept, cho biết đặc thù các toa tàu tải trọng lớn và di chuyển qua một số tuyến đường nội đô TP HCM. Để tránh ảnh hưởng đến tình hình giao thông, công tác vận chuyển tàu metro về depot Long Bình lúc 23h đêm 9/10.
Từ cảng Khánh Hội, các toa tàu về depot Long Bình trên quãng đường dài hơn 25 km, theo các tuyến: Nguyễn Tất Thành – Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh – Nguyễn Cơ Thạch – Mai Chí Thọ – xa lộ Hà Nội – quốc lộ 1 – đường số 400 – Hoàng Hữu Nam – đường số 11.
Toa tàu Metro Số 1 dài 61,5 m, rộng gần 4 m, cao 3 m, chở được 930 khách (147 khách ngồi và 783 khách đứng). Tốc độ tối đa tàu là 110 km/h (đoạn trên cao) và 80 km/h (đoạn ngầm). Nội thất tàu thiết kế phù hợp cho khách sử dụng, dễ dàng vệ sinh, bảo dưỡng. Ghế ngồi của tàu màu xanh dương, có ghế cho người già, phụ nữ mang thai và các thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật (xe lăn).
Buồng lái được bố trí ở hai đầu đoàn tàu với chiều rộng bằng toa xe, có cửa thoát hiểm phía trước. Các công tắc trên bàn điều khiển thiết kế trong tầm tay người lái. Bộ ghi dữ liệu đặt ở mỗi buồng lái được dùng giám sát và ghi lại các hoạt động của đoàn tàu (tốc độ, cách thức điều khiển…), để kiểm tra khi có sự cố.
Trước đó kế hoạch đưa đoàn tàu đầu tiên về Việt Nam từ đầu tháng 4 phải hoãn do Covid-19 khiến các chuyên gia lắp đặt người Nhật Bản không thể nhập cảnh. Ở lần nhập tàu này, 6 chuyên gia Nhật đã vào TP HCM hôm 18/9, cách ly đủ 14 ngày, để chuẩn bị công tác lắp ráp, vận hành tàu.
Việc sản xuất các đoàn tàu, đường ray, thiết bị cơ điện… nằm trong gói thầu CP3 của dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên, hiện đạt 61% khối lượng và dự kiến nâng lên 80% vào cuối năm nay.
Ba gói thầu lớn còn lại gồm: CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố – quận 1), CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son – quận 1), CP2 (đoạn trên cao và depot), lần lượt đạt 76%, 88% và 86%. Dự án Metro Số 1 hiện đạt 77% và đặt mục tiêu đưa vào khai thác cuối năm 2021.
Theo VnExpress
Aeon Nhật Bản dự kiến đầu tư 2 tỷ USD vào Việt Nam
Tại sự kiện của AEON Mall diễn ra tại Hải Phòng cuối tuần trước, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã cho biết: “Dự kiến cho đến năm 2025, Aeon Mall sẽ khai trương 20 trung tâm thương mại, đầu tư hơn 2 tỷ USD vào Việt Nam”.