Bán chuối sang Nhật Bản, người dân huyện nghèo Lâm Đồng lãi 600 triệu đồng/ha
Nhật Bản là một thị trường khó tính nên quy trình trồng “chuối tiến vua” Laba xuất khẩu sang thị trường này phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe. Tuy nhiên, bù lại chuối Laba có giá bán cao và ổn định, giúp người trồng lãi 500-600 triệu đồng/ha/năm.
08:00 20/09/2018
Tháng 7/2018, lô chuối Laba đầu tiên của người dân huyện Ðam Rông, tỉnh Lâm Đồng được xuất sang Nhật Bản với số lượng 8 tấn, mở ra cơ hội mới nhiều tiềm năng cho thương hiệu chuối nổi tiếng lâu nay.
Theo Tiền Phong, những ngày này, các chuyên gia Nhật Bản đang đến xã Đạ K’Nàng, xã vùng sâu vùng xa của huyện nghèo Ðam Rông, để kiểm tra chất lượng, chuẩn bị cho lô chuối Laba thứ 4 xuất khẩu sang Nhật.
Anh Phương ở xã Đạ K’Nàng cho biết trước đây anh chủ yếu trồng cà phê và buôn bán nông sản. Tuy nhiên, sau nhiều năm cà phê mất mùa và giá cả bấp bênh, từ tháng 4/2017, anh Phương quyết định cùng 3 hộ khác trong xã chuyển đổi 5 ha trồng cà phê sang trồng chuối Laba với số lượng 10.000 cây.
Đây là loại chuối lâu đời và nổi tiếng của Lâm Đồng, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền. Chuối Laba có hình dáng đẹp, thon dài và hơi cong, thịt chuối màu vàng sánh, dẻo và có hương thơm đặc trưng, từng được cung tiến cho vua triều Nguyễn nên còn có tên là “chuối tiến vua”.
Cũng theo anh Phương, trồng chuối xuất sang Nhật Bản phải đảm bảo những yêu cầu rất khắt khe về lượng thuốc bảo vệ thực vật, kích thước trái, thời gian cắt, nhưng bù lại giá bán khá cao và ổn định từ 8.000-9.000 đồng/kg. Sau khi trừ đi chi phí khoảng 200 triệu đồng/ha, người trồng chuối Laba xuất khẩu có thể lãi 500-600 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với trồng cà phê.
Đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản đã mua hơn 40 tấn chuối Laba ở Đạ K’Nàng và tiếp tục đặt hàng từ 20-30 tấn chuối/tuần.
Để đảm bảo nguồn cung cho đối tác, anh Phương liên kết với một số hộ dân xuống giống thêm 10 ha chuối và dự kiến đạt quy mô diện tích 20 ha trong thời gian tới. Từ khi xuống giống đến khi chuối cho thu hoạch chỉ mất một năm.
Theo lãnh đạo xã Đạ K’nàng, chuối Laba là cây ngắn ngày đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng chuối Laba xuất khẩu sang Nhật Bản thành công ở xã Đạ K’nàng đã mở ra cơ hội cho người dân huyện Ðam Rông chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả để thoát nghèo, tăng thu nhập trong thời gian tới.
Với tỷ lệ đồng bào dân tộc lên đến gần 80% và tỷ lệ hộ nghèo trên 35%, Đam Rông là huyện duy nhất của tỉnh Lâm Đồng hưởng chính sách từ chương trình 30a của Chính phủ dành cho 64 huyện nghèo nhất cả nước.
Tuy nhiên, Nhật Bản là một thị trường khó tính, có nhiều đòi hỏi khắt khe trong quá trình trồng chuối nên người dân không nên trồng ồ ạt mà phải trồng theo quy hoạch để tránh tình trạng chuối Laba bị mất giá.
Hơn nữa, theo chuyên gia Nhật Bản, khí hậu ở Ðạ K’Nàng rất khác so với các vùng mà vị chuyên gia này từng khảo sát. Chuối Laba ở đây có hương vị thơm ngon đặc biệt và phù hợp với khẩu vị của người Nhật.
Theo: nguoivietonhat.com
Động lực đi làm hàng ngày, xua tan mệt mỏi của thanh niên lao động Nhật là đây chứ đâu, đến ảnh cuối thì bất ngờ luôn!!
Ở Nhật Bản tàu điện ngầm là phương tiện di chuyển chủ yếu. Khi sử dụng phương tiện công cộng này bạn sẽ gặp phải những chuyện dở khóc, dở cười… Và việc gặp được những cô gái xinh đẹp cũng không ngoại lệ.