Báo Nhật: 'Việt Nam chống Covid-19 tốt, gây kinh ngạc với thế giới'

'Việt Nam là một trong những quốc gia hiếm hoi chống Covid-19 thành công bởi cho đến nay chưa có một ca tử vong nào', tờ Asahi Shimbun nhận định.

14:00 28/05/2020

"Sự bùng phát của Covid-19 trên toàn cầu cách đây gần 4 tháng gần như không ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam, dù nước này là láng giềng của Trung Quốc - nơi được cho là khởi nguồn của dịch bệnh", cây bút Kosuke So của tờ Asahi Shimbun nhận định trong bài viết đăng tải hôm 27/5. Kosuke là phóng viên thường trú của Asahi tại Việt Nam. Anh đã đi tìm lời giải đáp cho việc tại sao Việt Nam vẫn chưa có ca tử vong vì nCoV và liệu Nhật có thể học hỏi được gì. 

"Tôi từng nhắc về việc Việt Nam có rất ít ca nhiễm mới và các biện pháp cứng rắn của chính phủ để chống Covid-19, nhưng một số người Nhật không tin. Tôi quyết định đi tìm hiểu và tự hỏi Nhật Bản sẽ học được gì từ Việt Nam. Đất nước này đã áp dụng những biện pháp cách ly nghiêm ngặt ngay từ đầu để đối phó với đại dịch", anh viết.  

Đường phố Hà Nội hôm 23/4. Ảnh: Reuters.

Đường phố Hà Nội hôm 23/4. Ảnh: Reuters.

Việt Nam ghi nhận 327 ca nhiễm trên tổng số hơn 96 triệu dân, và không có ca nhiễm mới nào được xác nhận trong khoảng thời gian từ 16/4 đến 23/4. Trong số đó, 278 bệnh nhân đã hồi phục và không có ca tử vong nào. Việt Nam ghi nhận ca nhiễm đầu tiên liên quan đến hai cha con đến từ Vũ Hán, Trung Quốc. Còn Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề với 16.623 ca nhiễm, trong đó 846 người chết, tính đến 27/5. 

Theo tờ Asahi, tính đến 13-14/2, tình hình dịch bệnh ở Nhật Bản và Việt Nam không có nhiều khác biệt. Ngày 13/2, Việt Nam ghi nhận 16 ca nhiễm, trong khi con số đó ở Nhật Bản hôm 14/2 là 41 người (ngoại trừ trường hợp trên du thuyền Diamond Princess do các ca này không đưa vào thống kê).

"Một người Nhật Bản thạo tin nói rằng chính phủ Việt Nam đã cung cấp số liệu chính xác để người dân hiểu về khủng hoảng" bài viết trích dẫn.

Dù tỷ lệ lây nhiễm thấp, chính phủ vẫn áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt, bài báo chỉ rõ. "Vào 1/2, Việt Nam tạm ngừng các chuyến bay thương mại đến và đi Trung Quốc. Đến 5/2, nước này cấm nhập cảnh đối với công dân từng đến Trung Quốc trong vòng hai tuần trước đó. Trong khi đó, Nhật Bản bắt đầu ban lệnh cấm nhập cảnh với người thuộc diện này vào ngày 5/3, tức là chậm hơn một tháng so với Việt Nam", bài báo viết. 

Tờ báo Nhật cho hay, Việt Nam cũng quyết định không để học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết và nhiều lần trì hoãn việc mở cửa trường học.

"Tôi không thấy tình trạng số bệnh nhân viêm phổi gia tăng tại các cơ sở y tế. Tôi nghĩ chính phủ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt từ đầu tháng 2 và cho thấy hiệu quả", từ báo dẫn lời Hiroshi Chiba, bác sĩ 46 tuổi người Nhật đang làm tại phòng khám tư ở Hà Nội.

Bài báo phân tích, số ca nhiễm ở Việt Nam chỉ bắt đầu tăng nhanh hơn sau khi bệnh nhân số 17 được xác nhận dương tinh vào 6/3, nhưng tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức thấp. Kể từ 21/3, những người trở về từ sân bay đều phải tự cách ly và việc cấm nhập cảnh người nước ngoài lập tức có hiệu lực. Từ 1/4, việc hạn chế ra đường được áp dụng ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM. Khi số ca nhiễm ở châu Âu tăng mạnh, Việt Nam ráo riết cách ly ca nhiễm cũng như những người có khả năng phơi nhiễm tại khu cơ sở quân sự. 

Ký giả Kosuke So cho biết: "Là một người nước ngoài, tôi cảm thấy ngạc nhiên khi Việt Nam có thể thực hiện biện pháp khẩn cấp mạnh mẽ như vậy. Bởi trong suy nghĩ của người Nhật, việc buộc những người không có triệu chứng phải đi cách ly dường như rất khó thực hiện".  

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến 2016, Nhật Bản có 24,1 bác sĩ trên 10.000 dân, trong khi con số đó ở Việt Nam chỉ có 8,3. 

Bài báo cũng đề cập, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tuyên bố khống chế được dịch SARS năm 2003 khi thực hiện những biện pháp tương tự. Chính phủ cũng thực hiện gói biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ người dân.

Kosuke So ca ngợi "thái độ không dựa dẫm vào hỗ trợ của nhà nước để vượt qua đại dịch" của người Việt Nam. "Điều này phản ánh thực tế rằng mọi người kiên cường, thể hiện đúng tinh thần dân tộc khi mọi thứ trở nên khó khăn", anh viết. 

Huyền Anh (Theo Asahi Shimbun)

Tags:
Nhật Bản kêu gọi người dân thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”

Nhật Bản kêu gọi người dân thích nghi với cuộc sống “bình thường mới”

Ông kêu gọi người dân Nhật Bản thay đổi các thói quen trong cuộc sống thường nhật, thích nghi với khái niệm “bình thường mới” và tiếp tục đeo khẩu trang, duy trì dãn cách xã hội và làm việc tại nhà khi mà các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo nguy cơ về làn sóng lây nhiễm mới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất