Các nhà khoa học Nhật Bản khẳng định ăn nhanh làm tăng nguy cơ béo phì
Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Nhật Bản cho biết, khi càng ăn nhanh thì con người dễ bị thừa cân béo phì hơn.
08:00 24/02/2018
Nghiên cứu được tiến hành trên 59.717 người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Qua những đợt kiểm tra định kỳ trong 6 năm, nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu về chỉ số béo phì, chu vi vòng eo, thói quen ăn uống và ngủ, lượng tiêu thụ rượu bia, dược phẩm và thuốc lá ở những đối tượng được nghiên cứu.
Dựa theo bảng trả lời khảo sát của những đối tượng được nghiên cứu về tốc độ ăn uống, nhóm nghiên cứu đã phân ra 3 nhóm người: ăn nhanh, ăn bình thường và ăn chậm.
Ảnh minh họa
Sau khi kiểm soát các yếu tố khác, nhóm nghiên cứu thấy rằng so với những người ăn chậm thì người ăn với tốc độ bình thường và ăn nhanh có khả năng bị béo phì nhiều hơn lần lượt là 29% và 42%.
Đi ngủ trong vòng 2 tiếng sau bữa tối, ăn vặt sau bữa tối cũng liên quan đến chứng béo phì, còn bỏ bữa sáng thì không.
Theo nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Sức khỏe cộng đồng BMJ Open, ăn nhanh và béo phì không phải mối quan hệ nhân quả. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thiết, lý do có thể là những người ăn nhanh có xu hướng tiếp tục ăn uống liên tục nên không có thời gian chờ, khoảng nghỉ để nhận ra rằng họ đã ăn đủ lượng. Trong khi những người ăn chậm có thể có thời gian để bắt đầu cảm thấy no, sau đó dừng ăn.
Điểm hạn chế của nghiên cứu này là các nhà nghiên cứu không có dữ liệu về việc vận động thể lực và tiêu thụ năng lượng của những đối tượng nghiên cứu – điều này có thể làm thay đổi kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, nghiên cứu chỉ thực hiện với những người đàn ông và phụ nữ Nhật Bản. Bởi thế, những phát hiện có thể không phù hợp và không thể áp dụng với các nhóm khu vực khác. Ngoài ra, nghiên cứu này còn phụ thuộc vào số liệu tự báo cáo của những đối tượng tham gia, nên có thể những phát hiện này không đáng tin cậy.
Một nghiên cứu trước đó được bắt đầu nghiên cứu từ năm 2008, cũng của các nhà khoa học Nhật Bản thì những người ăn nhanh gặp nguy cơ gia tăng mắc các bệnh chuyển hóa (béo phì, huyết áp cao, đường máu và cholesterol) cao gấp 5,5 lần so với những người ăn chậm. Tác giả nghiên cứu chính, TS. Takayuki Yamaji, bác sỹ tim mạch tại Đại học Hiroshima (Nhật Bản) còn cho biết ăn nhanh khiến glucose tăng tiết bất thường và có thể dẫn đến kháng insulin. Do đó, nhóm nghiên cứu tin rằng tốc độ ăn là yếu tố quan trọng có thể giúp ngăn ngừa mắc hội chứng chuyển hóa.
Nguồn: songmoi.vn
4 phát minh mới của Nhật Bản một lần nữa vinh danh ông trùm của thời đại khoa học kỹ thuật thế kỷ 21
Nhật Bản có tất cả mọi “đặc quyền” để có thể được xem là nước dẫn đầu về lĩnh vực kỹ thuật – điện tử.