Cô gái Nhật Bản và ‘trái tim’ gửi lại Việt Nam

Trường Tiểu học Junko ra đời từ di nguyện của cô gái Nhật Bản vừa vinh dự được Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3.

07:00 11/12/2018

Chúng tôi ghé Trường Tiểu học Junko vào một trưa tháng 12, ngôi trường đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn quốc gia năm 1996-2000. Dưới những tán cây, từng tốp học sinh đang nô đùa, tiếng cười nói rộn rã vang khắp trường. Thấy người lạ, những gương mặt ngây ngô, hồn nhiên liền xúm lại tíu tít: “Cô là người Nhật Bản ạ?”, “Cô là bạn của cô Junko phải không?”, “Cô Junko xây ngôi trường này cho tụi con đó!”.

Trang nhật ký chan chứa tình yêu Việt Nam

Junko tên đầy đủ là Junko Takahashi, là con một gia đình khá giả tại Tokyo (Nhật Bản). Những ngày hè năm 1993, khi đang là sinh viên năm thứ ba chuyên ngành quan hệ quốc tế của Trường ĐH Minh Trị Thiên Hoàng, cô và những người bạn lên đường sang Việt Nam (VN) để tìm hiểu, nghiên cứu các tư liệu phục vụ cho bài luận văn.

Suốt những ngày sau đó là quãng thời gian cô gái trẻ trực tiếp trải nghiệm, xâm nhập vào cuộc sống lam lũ của người dân vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng. Biết bao lần Junko không giấu nổi ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến cái nghèo khó, cái nhọc nhằn “không thể tưởng tượng nổi” của người dân lao động nghèo. Thế nhưng trái tim cô luôn cảm thấy ấm áp bởi những tình cảm nồng ấm, mộc mạc mà chân thành của bà con nơi đây dành cho mình.

Phải làm gì để giúp đỡ VN? Phải làm gì để những em nhỏ VN được học tập ở những ngôi trường khang trang, đầy đủ? Tất cả trăn trở, suy tư ấy đều được cô gái trẻ ghi vào trong một cuốn nhật ký nhỏ. Ở một góc nào đó trong trang nhật ký, cô từng bày tỏ: “Sau khi ra trường, tôi sẽ đóng góp công sức cho VN”.

Trong cuốn luận văn nộp cho GS Ebashi, Junko cũng đã viết: “Tôi nghĩ cần phải tạo điều kiện thuận lợi để các bạn VN cũng như mọi người thuộc các nước đang phát triển được khỏe mạnh và được hưởng một nền giáo dục toàn diện, không chỉ bằng hình thức viện trợ tài chính mà còn hỗ trợ trên tất cả các mặt”.

Bao dự định vừa nhen nhóm thì Junko đột ngột qua đời sau một tai nạn giao thông trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè và thầy cô. Một ngày nọ, cha cô – ông Horotaro Takahashi vô tình lật giở cuốn nhật ký của con gái. Từng dòng, từng chữ Junko viết về một đất nước xa lạ như bóp nghẹt trái tim ông. Thương con, ông cùng vợ lặn lội đến VN thay con hoàn thành tâm nguyện.

Tháng 9-1995, ngôi trường hoàn thành với tám phòng học, một nhà thi đấu và một công trình vệ sinh. Dù gia đình không yêu cầu nhưng địa phương quyết định lấy tên của Junko đặt cho ngôi trường để tri ân người con gái Nhật Bản bạc mệnh.

Thầy Lê Quốc Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Junko, bên bàn thờ Junko. Trường Tiểu học Junko. Ảnh: V.KỲ

Thầy Lê Quốc Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Junko, bên bàn thờ Junko. Trường Tiểu học Junko. Ảnh: V.KỲ

Đưa Nhật Bản đến gần Việt Nam

Gần 1/4 thế kỷ trôi qua nhưng thầy Trần Công Trường, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Junko, vẫn chẳng thể nào quên được ký ức về buổi lễ khai giảng đầu tiên của ngôi trường đặc biệt này. Buổi lễ khai giảng được tổ chức trang trọng với sự tham dự của lãnh đạo VN, lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM, gia đình Junko và đông đảo bạn bè của cô. “Nhiều người không cầm được nước mắt khi nghe ba mẹ Junko chia sẻ tâm nguyện của con gái. Chị của Junko lặng lẽ cầm di ảnh của em đứng bên cạnh. Cho đến lúc đó tôi mới biết mặt Junko. Hai chị em cô đều thật đẹp”.

Theo thầy Trường, trước cái chết của Junko, một nhóm sinh viên Trường ĐH Minh Trị Thiên Hoàng đã thành lập một hiệp hội mang tên Junko. Họ quyên góp tiền, vật dụng cũ nhưng còn giá trị sử dụng để mang sang ngôi trường cha mẹ Junko xây dựng. Năm 2000, gia đình và hiệp hội quyên góp thêm được 200 triệu đồng để xây thêm năm phòng học khang trang, trong đó có nơi lưu giữ di ảnh của Junko.

“Sinh viên hiệp hội hằng năm vẫn sang thăm và giao lưu với nhà trường đều đặn 1-2 lần. Ngoài những suất học bổng, các bạn còn xin được ở cùng người dân địa phương để tìm hiểu văn hóa, nắm bắt tâm tư của họ, từ đó tìm cách giúp đỡ thiết thực hơn” – thầy Trường cho hay.

Thầy Lê Quốc Hà, Hiệu trưởng nhà trường, dẫn chúng tôi đến căn phòng lưu giữ di ảnh của cô gái xứ hoa anh đào. Đó là một căn phòng nhỏ nhưng được sắp xếp khá gọn gàng. Bức tường phía bên trái là nơi trưng bày hình ảnh về cha mẹ Junko và ngôi trường từ khi đặt viên gạch đầu tiên đến khi khánh thành. Phía bên phải là chi chít những bằng khen của Bộ và Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Nam. Chính giữa là bàn thờ Junko, nơi có di ảnh của cô. Trong ảnh là cô gái mặc chiếc kimono trắng, tóc búi cao, gương mặt thanh tú đang nở một nụ cười hiền hậu.

Trong không khí ngày truyền thống của nhà trường năm nay, thầy Hà lặng ngắm di ảnh Junko rồi bộc bạch: “Không chỉ tôi mà mỗi thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh và cả người dân địa phương đều rất cảm kích trước nghĩa cử của Junko. Thầy và trò nhà trường hứa ra sức thi đua dạy tốt, học tốt để đưa ngôi trường ngày càng vững mạnh”.

Lấy ngày mất của Junko làm ngày truyền thống 9-12

Để ghi ơn Junko, nhà trường đã chọn ngày mất của cô là ngày truyền thống, ngày 9-12. Hằng năm, cứ đến dịp này là các thầy cô giáo lại tổ chức một lễ giỗ nhỏ theo phong tục VN rồi cùng học sinh ôn lại câu chuyện về cô gái Nhật Bản. Do năm nay ngày 9 rơi vào nghỉ cuối tuần nên nhà trường làm lễ giỗ vào ngày 7-12 vừa qua.

Tinh thần Junko lan tỏa sang các quốc gia

Có một điều tuyệt vời là câu chuyện của Junko dường như đã vượt qua khỏi ranh giới của một quốc gia. Bằng chứng là Hiệp hội Junko không chỉ có ở Nhật Bản mà còn được thành lập ở Myanmar. Từ VN, tinh thần Junko đang được lan tỏa sang những quốc gia đang phát triển khác.

Thầy LÊ QUỐC HÀ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Junko

Nguồn: Pháp luật TPHCM

Tags:
Chiếc iPhone X bị mất tại Mỹ, 4 tuần sau tính năng Lost Mode của nó thông báo ‘thủ phạm’ ở Việt Nam

Chiếc iPhone X bị mất tại Mỹ, 4 tuần sau tính năng Lost Mode của nó thông báo ‘thủ phạm’ ở Việt Nam

Apple ra mắt tính năng Lost Mode trên iOS với hy vọng sẽ giúp người dùng có thể tìm lại những chiếc iPhone và iPad bị thất lạc. Tuy nhiên trong trường hợp của chàng trai Mỹ này thì tính năng Lost Mode cũng có vẻ như chẳng giúp được gì.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất