Công ty Nhật Bản xin lỗi vì nhân viên dành 3 phút đi mua đồ ăn trưa
Đại diện một công ty cung cấp nước ở Nhật Bản đã lên sóng truyền hình cúi đầu nhận lỗi vì một nhân viên của cơ quan này đã dành 3 phút trong thời gian làm việc mỗi ngày đi mua đồ ăn trưa 26 lần trong vòng 7 tháng qua.
08:00 22/06/2018
Theo Dailymail, câu chuyện xảy ra tại công ty nước máy thành phố Kobe, ngoại ô Osaka, Nhật Bản. Một nhân viên 64 tuổi của cơ quan này đã có 26 lần ra ngoài mua đồ ăn trưa trong khoảng thời gian từ 9/2017 tới tháng 3/2018. Thời gian di chuyển từ công ty tới cửa tiệm đồ ăn là 3 phút, và đây vẫn là khoảng thời gian tính trong giờ làm việc, vì vậy, theo nhà máy, nhân viên này đã “lãng phí” tổng cộng 78 phút trong vòng hơn nửa năm.
Nhân viên trên đã bị phát hiện khi cấp trên của ông chứng kiến ông băng qua đường để mua hộp cơm ăn trưa.
Đại diện công ty sau đó đã lên truyền hình xin lỗi các khách hàng về việc sử dụng thời gian sai mục đích, đồng thời phạt nhân viên 64 tuổi một nửa ngày lương.
“Thật sự rất đáng tiếc khi những sự cố như thế này lại xảy ra và chúng tôi muốn chân thành gửi lới xin lỗi tới quý vị”, đại diện công ty phát biểu trên sóng truyền hình.
Tuy nhiên, cư dân mạng Nhật Bản đã phản ứng không mấy tích cực khi thông tin trên được công bố. Họ cho rằng, hình phạt của công ty dành cho nhân viên 64 tuổi là nghiêm trọng hóa vấn đề.
“Hình phạt như thế này thật quá đáng. Ông ấy rời văn phòng 26 lần trong vòng nửa năm, có nghĩa là chỉ khoảng 1 tuần 1 lần và mỗi lần chỉ 3 phút”, một người dùng Twitter nói.
“Họ (công ty) sắp xếp lên truyền hình để gửi lời xin lỗi còn tốn nhiều thời gian hơn là 3 phút mà nhân viên kia bỏ ra để đi mua đồ ăn trưa”, một cư dân mạng khác bình luận.
Sự việc này cho thấy một lát cắt của văn hóa làm việc tại Nhật Bản khi nhân viên luôn làm việc tận tụy và chăm chỉ nhiều giờ mỗi ngày và hiếm khi sử dụng ngày nghỉ phép.
Nguồn: Dantri.com.vn
Trong khi nhiều công ty Việt Nam buộc nhân viên chấm công, Nhật Bản đang nỗ lực b.ắt người làm rời công sở
Nhật Bản tiếp tục nằm trong số những quốc gia mà người dân làm việc nhiều nhất thế giới, điều khiến đất nước này đang phải nỗ lực để thay đổi.