Dàn tiêm kích, trinh sát cơ giúp Nhật phô diễn sức mạnh

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản khoe những tiêm kích và máy bay trinh sát tối tân nhất trong ngày triển lãm trước công chúng.

07:00 14/11/2017

Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) tuần trước tổ chức ngày triển lãm tại căn cứ không quân Hamamatsu, miền đông nam nước này nhằm thể hiện tiềm lực quân sự trước công chúng, Livejournal đưa tin.

Các cuộc triển lãm của JASDF luôn có sự xuất hiện của đội bay biểu diễn Blue Impulse, thành lập từ năm 1960 và đang sử dụng máy bay phản lực hạng nhẹ Kawasaki T-4. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết không thuận lợi trong ngày triển lãm khiến Blue Impulse không thể cất cánh trình diễn.

Người dân có thể tiếp cận các khí tài tối tân của Nhật Bản ở khoảng cách rất gần.

Tiêm kích Mitsubishi F-2 được Nhật Bản phát triển và cải tiến từ mẫu F-16 của Mỹ. F-2 là một trong những tiêm kích đầu tiên trên thế giới trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), cho phép máy bay theo dõi và tấn công nhiều mục tiêu hơn so với các loại radar cơ khí đời cũ.

F-2 mang thiết kế cơ bản của tiêm kích F-16, nhưng có diện tích cánh lớn hơn 25%, giúp nó mang được nhiều vũ khí lớn và có khả năng cơ động tốt hơn. Tuy nhiên, điều này cũng làm khối lượng máy bay tăng thêm, ảnh hưởng tới khả năng tăng tốc, leo cao và tầm bay.

Với tải trọng vũ khí tới 8 tấn, tiêm kích F-2 có thể mang tên lửa đối không tầm ngắn AAM-3 và AAM-5 và tầm xa AAM-4. Dòng F-2 cũng có thể thực hiện các nhiệm vụ chống đổ bộ nhờ 4 tên lửa chống hạm ASM-2 có tầm bắn 170 km và bom thông minh. Hệ thống vũ khí của F-2 được hoàn thiện với một pháo M61 cỡ nòng 20 mm.

Tiêm kích chiếm ưu thế trên không F-4EJ Kai do Nhật Bản tự sản xuất và nâng cấp, dựa trên mẫu F-4E Phantom II được nhập từ Mỹ cuối thập niên 1960. JASDF hiện sở hữu 71 tiêm kích F-4EJ và phiên bản trinh sát RF-4EJ, với hệ thống điện tử hiện đại, có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ như đánh chặn, hộ tống, tấn công mục tiêu mặt đất, áp chế hệ thống phòng không đối phương.

F-4EJ mang được 8,4 tấn vũ khí trên 9 giá treo gồm các loại tên lửa đối không tầm ngắn AIM-9/AAM-3, tầm trung AIM-7, tên lửa dẫn đường đối đất AGM-65 Maverick, tên lửa chống radar AGM-88 HARM, bom thông minh GBU-10/12/15 và bom chùm CBU-87.

Máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) Boeing E-767 được phát triển từ khung thân phi cơ dân dụng Boeing 767-200R. Tokyo từng muốn mua phiên bản E-3 Sentry giống của Mỹ hồi năm 1991. Tuy nhiên, khung thân Boeing 707 cho mẫu E-3 khi đó đã ngừng sản xuất, buộc Boeing đưa ra giải pháp chế tạo dòng E-767 dành riêng cho Nhật Bản và được chấp thuận.

Hiện JASDF vận hành 4 chiếc, dùng để giám sát không phận quanh Nhật Bản, đặc biệt là những khu vực mà radar mặt đất không thể quan sát.

Nhật Bản đang sở hữu 13 máy bay cảnh báo sớm hạng nhẹ E-2C Hawkeye, còn được gọi là "mắt thần trên không" của hải quân Mỹ. JASDF lựa chọn loại máy bay này hồi cuối thập niên 1970 do Washington không kịp đáp ứng yêu cầu bán dòng E-3 Sentry, buộc Tokyo phải tìm giải pháp lấp chỗ trống trong lực lượng cảnh giới phòng không.

Máy bay tìm kiếm cứu nạn U-125A được phát triển từ dòng phi cơ dân dụng Hawker 800. Máy bay được lắp hai khoang cửa rộng trước cánh để quan sát bằng mắt thường, trang bị camera ảnh nhiệt và radar nhìn vòng để tìm cứu phương tiện hoặc người bị nạn trên biển.

Máy bay được trang bị hệ thống bắn pháo hiệu và phao đánh dấu trên biển, cùng thiết bị thả xuồng cứu sinh và trang bị cứu hộ khẩn cấp. Phiên bản U-125A còn được tăng cường khả năng chống nước biển ăn mòn.

Trực thăng vận tải UH-60J, phiên bản đặc biệt của dòng UH-60 Black Hawk được Nhật Bản sản xuất trong nước, tối ưu cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Mẫu UH-60J được lắp hệ thống tời để đưa người bị nạn từ bên dưới lên trực thăng, hai thùng dầu phụ và cần tiếp dầu trên không giúp tăng tầm bay và thời gian hoạt động liên tục. Trực thăng sử dụng hệ thống điện tử tiên tiến, trang bị radar thời tiết và cảm biến hồng ngoại tầm xa (FLIR).

Trực thăng vận tải hạng trung CH-47J do Nhật tự sản xuất theo giấy phép từ Mỹ, được trang bị cho cả JASDF và Lực lượng phòng vệ trên bộ Nhật Bản (JGSDF). Mỗi chiếc CH-47J có thể chở theo 10,8 tấn hàng hoặc 33-55 binh sĩ.

Trực thăng tấn công AH-1S được trang bị súng máy cỡ nòng 7,62 mm, rocket 70 mm và tên lửa chống tăng có điều khiển TOW.

Ngoài các loại máy bay, JASDF còn trưng bày nhiều hệ thống phòng không mặt đất với các tầm bắn khác nhau.

Nổi bật nhất vẫn là hệ thống phòng không tầm xa Patriot, lớp bảo vệ cuối cùng trong lá chắn tên lửa đạn đạo của Nhật Bản.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Những địa điểm bỏ hoang phía sau Nhật Bản hiện đại

Những địa điểm bỏ hoang phía sau Nhật Bản hiện đại

Trong cuốn sách "Haikyo: Những tàn tích hiện đại của Nhật Bản", nhiếp ảnh gia Shane Thoms đã ghi lại hình ảnh về một số khu vực từng sầm uất, nhộn nhịp nay đã bỏ hoang ở Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất