Điều dưỡng, hộ lý của Việt Nam được Nhật Bản đánh giá cao
Các ứng viên điều dưỡng và hộ lý của Việt Nam được đánh giá cao về khả năng ngoại ngữ và tinh thần làm việc, khẳng định được năng lực vượt trội so với ứng viên của các nước khác trong kỳ thi chứng chỉ quốc gia hằng năm của Nhật Bản.
16:00 30/11/2019
Chiều 25/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo thông tin về Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản khóa 8 năm 2019.
Ứng viên điều dưỡng và hộ lý của Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao
Triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), từ năm 2012 đến nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật cho 7 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý, tổng số 1.440 người. Đến nay, 1.109 điều dưỡng, hộ lý đã được sang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Việt Nam là nước thứ 3 sau Indonesia và Philippines có thỏa thuận đưa điều dưỡng và hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản. Các ứng viên điều dưỡng và hộ lý của Việt Nam đã khẳng định được năng lực vượt trội so với các ứng viên của các nước khác trong kỳ thi chứng chỉ quốc gia hằng năm của Nhật Bản. Tính đến nay, có 48/69 ứng viên điều dưỡng thi đỗ chứng chỉ quốc gia, đạt tỉ lệ 69,5%; 89/95 ứng viên hộ lý đạt chứng chỉ quốc gia đạt tỉ lệ 93,7% (ứng viên các nước khác chỉ đạt tỉ lệ đỗ khoảng 10% điều dưỡng và 30% hộ lý).
Hiện, Nhật Bản đang có nhu cầu tiếp nhận số lượng lớn điều dưỡng, hộ lý làm việc tại các bệnh viện, cơ sở dưỡng lão của Nhật Bản do tốc độ già hóa dân số nhanh và thiếu hụt lớn nhân sự ở ngành nghề này. Dự báo, nhu cầu cho ngành nghề này, từ nay đến năm 2020 khoảng gần 400.000 vị trí.
Chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản tiếp tục tuyển chọn khóa 8 năm 2019. Theo đó, các ứng viên đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định nếu được tuyển chọn sẽ tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật miễn phí 12 tháng tại cơ sở đào tạo do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản tổ chức. Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3.
Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với đơn vị đầu mối phía Nhật Bản sẽ giới thiệu những người đạt được cấp độ N3 kỳ thi năng lực tiếng Nhật cho các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe của Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng ứng viên điều dưỡng và hộ lý để lựa chọn.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa 3 năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa 4 năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp Chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ 4. Nếu đỗ, các ứng viên sẽ được cấp Chứng chỉ quốc gia điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn tại Nhật Bản.
Mức lương của ứng viên điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản sẽ theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Tuy nhiên, mức lương thông thường với ứng viên điều dưỡng là 130.000-140.000 yên/tháng, ứng viên hộ lý là 140.000-150.000 yên/tháng. Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ được nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, Cục sẽ tiếp nhận hồ sơ ứng viên từ ngày 1/10/2019 đến ngày 18/10/2019. Kỳ thi tuyển sẽ được tổ chức tại 2 điểm Hà Nội (ngày 7/11 và 8/11) và TPHCM (ngày 11/11 và 12/11).
Theo: baochinhphu.vn
100 từ vựng Facebook trong tiếng Nhật bạn đã biết chưa?
Tại sao phải biết 100 từ vựng Facebook trong tiếng Nhật? Học có khó không? Cách đổi tên Facebook bằng tiếng Nhật như thế nào để vừa hay vừa ý nghĩa? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau đây, bạn nhớ chú ý theo dõi nhé!