Giải mã niên hiệu các đời Nhật hoàng
Chỉ bao gồm 2 từ nhưng niên hiệu của các hoàng đế Nhật Bản luôn hàm chứa nhiều tầng lớp ý nghĩa sâu xa, thể hiện ước vọng về vận mệnh quốc gia.
15:00 08/04/2019
Nhật hoàng sắp thoái vị Akihito (phải) và thái tử Naruhito - ẢNH: REUTERS
Đầu tuần trước, Nhật Bản công bố niên hiệu cho triều đại mới là Reiwa (Lệnh Hòa, 令和), sẽ chính thức được áp dụng từ ngày 1.5.2019, thời điểm thái tử Naruhito chính thức đăng cơ kế vị vua cha Akihito.
Hiện nước Nhật vẫn giữ truyền thống quân chủ Á Đông là các vị vua sẽ mang niên hiệu, dùng để gọi thời kỳ giữ ngôi, đồng thời thể hiện ý chí, mục tiêu của nhà nước. Niên hiệu, gồm 2 từ kanji (Hán tự), được lựa chọn cực kỳ gắt gao, từ thời cận đại đến nay luôn song hành với những bước phát triển của Nhật Bản.
“Sáng suốt” và “bình yên”
Trong hơn 150 năm qua, niên hiệu được nhiều người biết đến nhất của Nhật Bản chính là Meiji (Minh Trị, 明治), chỉ thời kỳ cai trị của Nhật hoàng Mutsuhito từ 1868 - 1912. Từ Minh Trị được trích từ Kinh Thư, cụ thể là câu “Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ hướng minh nhi trị (聖人南面而聽天下. 嚮明而治), tạm dịch: “Bậc thánh nhân quay mặt về phương Nam lắng nghe thiên hạ, hướng về chỗ sáng mà cai trị”.
Theo quan niệm cổ điển, hướng Bắc tượng trưng cho hoàng đế, còn hướng Nam thuộc về quẻ Ly trong Kinh Dịch, tượng trưng cho lửa, ánh sáng... Vì thế, vua ngồi ở hướng Bắc, quay mặt về hướng Nam, tức nhìn về chỗ sáng để cai trị. Niên hiệu Minh Trị vừa khẳng định Nhật hoàng đã giành lại thực quyền từ tay các shogun gia tộc Tokugawa, vừa có nghĩa là “cai trị sáng suốt”. Quả nhiên, niên hiệu này gắn liền với cuộc cải cách mở cửa, đẩy mạnh học tập phương Tây, bước đầu đưa đất nước trở thành một cường quốc trên thế giới nhưng đồng thời cũng củng cố “địa vị thần thánh” của Nhật hoàng, tạo tiền đề cho tham vọng áp đặt ảnh hưởng trong khu vực.
Năm 1912, Nhật hoàng Meiji băng hà, thái tử Yoshihito lên ngôi và lấy hiệu Taisho (Đại Chính, 大正), rút gọn từ câu “đại hanh dĩ chính, thiên chi đạo dã” (大亨以 正,天之道也), xuất phát từ Địa Trạch Lâm, quẻ thứ 19 trong Kinh Dịch. Câu này đại ý gặp thời cơ hanh thông, nhưng người quân tử vẫn phải giữ vững chính nghĩa, mới đúng đạo trời. Niên hiệu Đại Chính do đó hàm ý vẫn đề cao “chính nghĩa”, kế tục thành quả của thời Minh Trị. Trong thời Đại Chính, Nhật Bản thuộc phe thắng lợi sau Thế chiến 1, gầy dựng uy tín lớn trên trường quốc tế nhưng cũng tiếp tục tăng cường và củng cố ách cai trị thuộc địa ở Trung Quốc lẫn bán đảo Triều Tiên.
Sau khi Nhật hoàng Hirohito lên ngôi năm 1926, Nhật chuyển hẳn theo con đường chủ nghĩa quân phiệt đế quốc với đỉnh điểm là Thế chiến 2. Tham vọng thống trị khu vực được thể hiện qua niên hiệu Showa (Chiêu Hòa, 昭和), trích từ câu “bách tính chiêu minh, hiệp hòa vạn bang” (百姓昭明,協和萬邦) trong Kinh Thư, đại ý “trăm họ hướng về một nguồn sáng, tất cả cùng hòa hợp”. Ngoài ra, chữ Hòa ở đây còn chỉ Nhật Bản, có nguồn gốc từ quốc hiệu Đại Hòa (Yamato) trong thời cổ đại, và thể hiện tinh thần dân tộc. Hiện những gì của riêng nước Nhật vẫn gắn với “hòa” như wafuku (hòa phục, quần áo truyền thống Nhật), washoku (hòa thực, thức ăn Nhật) hay wagyu (hòa ngưu, thịt bò Nhật). Vì thế, niên hiệu Chiêu Hòa càng hàm ý tham vọng nước Nhật (Hòa) sẽ khiến xung quanh phải hướng về (Chiêu). Tuy nhiên, Chiêu Hòa còn có thể hiểu theo nghĩa “mời gọi hòa bình” và sau thất bại ở Thế chiến 2, cũng trong thời Showa, Nhật Bản đưa ra hiến pháp mới, từ bỏ con đường quân sự và quy định ngôi vị hoàng đế chỉ mang ý nghĩa “biểu tượng quốc gia”, không còn mang quyền lực chính trị. Nhật hoàng Hirohito chứng kiến đất nước tiến hành công cuộc tái thiết với những thành quả phát triển vượt bậc về kinh tế, công nghiệp và khoa học kỹ thuật.
Sau khi Nhật hoàng Hirohito qua đời năm 1989, thái tử Akihito lên kế vị, lấy niên hiệu Heisei (Bình Thành, 平成). Từ này có nguồn gốc từ Sử ký Tư Mã Thiên (Nội bình ngoại thành, 内平外成) lẫn Kinh Thư (Địa bình thiên thành, 地平天成). Cả hai đều thể hiện mong muốn đất nước và cả thế giới cùng hòa bình, yên ổn để phát triển sau cơn binh lửa Thế chiến 2 và giai đoạn Chiến tranh lạnh căng thẳng. Năm 2018 được tính là năm Heisei thứ 30, tức năm trị vì thứ 30 của Nhật hoàng Akihito và từ ngày 1.5.2019 sẽ bắt đầu năm Reiwa thứ nhất.
“Tươi đẹp” hay “mệnh lệnh”?
Trong lễ công bố niên hiệu mới Reiwa hôm 1.4, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho hay lần đầu tiên trong lịch sử, niên hiệu của Nhật hoàng không có nguồn gốc từ thư tịch cổ Trung Quốc. Lệnh Hòa được chọn từ câu “sơ xuân lệnh nguyệt, khí thục phong hòa” (初春令月氣淑風和,tạm dịch: tháng lành đầu xuân, khí mát gió hòa), thuộc lời tựa cho nhóm 32 bài thơ nằm trong quyển 5 của Manyoshu (Vạn diệp tập), tuyển tập thơ cổ nhất ở Nhật còn lưu giữ đến ngày nay. Tờ The Japan Times dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nhật khẳng định niên hiệu mới mang nghĩa “sự hài hòa, tươi đẹp”.
Tuy nhiên, ngoài nghĩa “tươi đẹp, tốt lành”, từ Rei (Lệnh,令) thường được hiểu một cách phổ biến là “mệnh lệnh, trật tự”, và Wa (Hòa,和) còn hàm ý chỉ Nhật Bản như đã đề cập. Vì thế, có ý kiến diễn giải “nghĩa ẩn” của niên hiệu mới là “nước Nhật trật tự”. Việc sử dụng Manyoshu, tập thơ thuần Nhật có lịch sử hơn 1.200 năm, cũng được xem là động thái biểu thị tinh thần tự hào dân tộc, Reuters dẫn lời nhận định của Giáo sư Masaharu Mizukami thuộc Đại học Chuo ở Tokyo. Tất cả phần nào phù hợp với mục tiêu của chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe là đưa đất nước phát triển cường thịnh, ổn định, tái diễn giải Hiến pháp 1946 theo hướng gỡ bỏ một số hạn chế về mặt an ninh quốc phòng và gây dựng vai trò tích cực hơn nữa trên trường quốc tế để ứng phó những biến động địa chiến lược trong khu vực. Giới hữu trách Nhật không bình luận về những ý kiến này nhưng một quan chức thuộc Văn phòng nội các nói với The Japan Times: “Chúng tôi không nói “sự hài hòa, tươi đẹp” là cách dịch duy nhất của niên hiệu mới”.
Theo: thanhnien.vn
Nếu thấy con vật trong bức hình này, bạn đã thuộc về 1% số người sở hữu đôi mắt hiếm hoi
Sự “đánh lừa thị giác” chính là tạo ra những hình ảnh đánh lừa hoặc gây sự hiểu nhầm tới bộ não của chúng ta bằng màu sắc, ánh sáng hay họa tiết, khiến não nhận thức sai so với thực tế.