[ Góc chia sẻ ] Sự thật chỉ ai đã từng làm qua công ty Nhật mới thấu hiểu
Hôm nay có hơi tâm trạng một chút, với lại gần đây có nhiều bạn inbox quan tâm hỏi về văn hoá công ty, con người, xã hội …nhiều thứ liên quan đến Nhật Bản, nên nhân dịp này muốn mang những “tâm sự thầm kín” ra chia sẻ cùng mọi người, đặc biệt là với những ai đã, đang và sẽ đặt chân vào môi trường công ty Nhật.
10:00 11/08/2018
ảnh tham khảo Zócalo
Trước tiên có một lời khuyên chân thành là nếu ai có tham vọng lương cao chót vót, hết giờ làm về ngay, thăng tiến vùn vụt…thì tốt nhất là đừng bước chân vào công ty Nhật, nói như thế cho ngắn gọn. Vì tiêu chí đánh giá nhân viên của người Nhật chẳng phải là thông minh, nhanh nhẹn, hiệu quả…mà chính là:
– Cần cù, siêng năng : chậm một chút cũng được, miễn sao gặp việc khó không nản chí, miệt mài cố gắng trong vô vọng đến 10 -11 giờ đêm là sẽ được gthi nhận.
– Kế đến là trung thành : cái này thì khỏi phải nói, các bạn mà chuyển việc từ 1 công Nhật này sang 1 công ty Nhật khác thì gần như chắc chắn họ sẽ gọi điện liên lạc cho quản lý cũ để điều “lịch sử” của bạn như thế nào, thái độ trong công việc, tư cách tử tế trước khi nghỉ việc không…
ảnh tham khảo Dzogame
– Tiếp theo là lễ phép : Chào hỏi là phải cuối đầu, sáng đến chào, tối về cũng phải chào, chưa kể nhiều lần vâng ạ, dạ thưa mỗi lần chạm mặt.
– Phục tùng : Có lý thì phải nghe, mà vô lý cũng đừng có phùng mang trợn mắt mà cãi lại, nếu không muốn được ngồi “uống trà và tâm sự” với xếp hàng giờ liền sau đó.
– Sếp luôn luôn đúng : Với người Việt nếu ai chịu khó nhẫn nại chịu đựng một tí sẽ “có lợi về sau”.
Còn người Nhật với nhau thì không phải bàn về khoản này, tư tưởng của họ là phục tùng tuyệt đối, sếp gọi một phát chưa biết đúng sai thì hồn vía bay lên mây, đó là chưa kể hôm nào có ông sếp to hơn đến thì cả công ty náo loạn, Phó giám đốc thì đi kiểm tra nhà vệ sinh xem sạch sẽ thơm mát chưa, trưởng phòng thì cuối đầu dẫn đường từ ngoài cổng và đến nhà kho…nói chung là phục tùng vô điều kiện.
ảnh tham khảo HRKatha
– Sạch sẽ : phải theo cái tiêu chuẩn 5S mà nhiều người Việt hay gọi là qui tắc 5 sờ (Sờ trên, Sờ dưới Sờ trái, Sờ phải, Sờ trung tâm) cùng nhiều tiêu chí khắc khe khác.
– Ngoài ra công ty Nhật còn có truyền thống “sống lâu lên lão làng” kể cả chậm tiến như nào đi nữa mà đến một độ tuổi nhất định gọi là thâm niên thì cứ xác định và chuẩn bị tinh thần lên chức.
Điều này còn thể hiện rõ hơn qua việc, khi gặp đối tác kinh doanh mà cử người trẻ hơn (khoảng 10 tuổi trở lên) đàm phán thì xác định là sẽ bị xem thường, hoặc có khi còn bị từ chối với lý do đột xuất, nhưng thực chất là không muốn tiếp vì không cùng “đẳng cấp”.
Vì vậy ở các công ty Nhật rất hiếm thấy trường hợp từ cấp bậc trưởng phòng trở lên khi tuổi đời còn dưới 30, hoặc cho dù đôi khi có trường hợp đặc biệt được cất nhắc đi chăng nữa thì cũng chỉ “có tiếng mà không có miếng”, nghĩa là không được toàn quyền quyết định trong khả năng của mình.
ảnh tham khảo Automatic
– Tinh thần đoàn kết là một trong những đức tính đặc trưng của người Nhật, điển hình là ở Việt Nam họ thành lập những hiệp hội doanh nghiệp Nhật, trong đó phân chia rõ từng lĩnh vực, sản xuất, dịch vụ, thương mại, xây dựng… và tổ chức giao lưu định kỳ để tìm đối tác quan hệ, thống nhất chính sách về nhân sự, tiền lương…
Do vậy việc chênh lệch mức lương của nhân viên ở các công ty Nhật rất ít, nên việc hy vọng nhảy việc sang công ty Nhật khác với hy vọng lương cao vượt bậc dường như là bất khả thi.
ảnh tham khảo GLodeco
– Mặt khác, người Nhật có văn hoá làm ăn qua lại với các doanh nghiệp của họ, chẳng hạn logistics là cứ phải Dragon hay Logitem, xây dựng nhà xưởng là Vinata, sửa chữa máy móc lắp đặt điện nước là Vina Kinden hoặc Vina Shiroki, IT thì Fujisu, và truyền thông quảng cáo thì Dentsu hoặc Hakuhodo… họ thừa biết giá cả cực kỳ đắt so với các đối tác khác nhưng vẫn sẵn lòng chi trả (có qua có lại).
Vì thế những mối quan hệ làm ăn mờ ám, chung chi hoa hồng…như các công ty Việt là điều rất hiếm xảy ra tại các công ty Nhật.
ảnh tham khảo Seeking Alpha
Nói đi thì cũng phải nói lại, ông bà xưa có câu “Có khó khăn thì mới thành người”, làm chung với người Nhật cũng học hỏi được nhiều thứ lắm.
– Tính kiên nhẫn, chịu khó đi sớm về trễ, chào hỏi nghiêm túc, cẩn thận, xin lỗi, cảm ơn, làm việc theo kế hoạch rõ ràng… những cái này thời gian đầu ai cũng bỡ ngỡ, nhưng mỗi ngày làm riết rồi cũng thành thói quen thôi.
– Người Nhật ngoài giờ làm cũng cởi mở và giải trí tẹt ga, có điều trong lúc vui chơi, nhiều anh Nhật hay lộ ra biểu hiện khá khác thường và đôi khi quá trớn… nhất là những ông chú người Nhật có tuổi một chút thì thẳng thắng lộ liễu và không hề ngại ngùng gì cả.
ảnh tham khảo STBJ
– Doanh nghiệp Nhật có một điểm cộng nữa là họ không có truyền thống “bỏ của chạy lấy người”, điển hình nếu công ty họ bị phá sản vì lý do nào đó thì họ sẽ viết thư giới thiệu tử tế cho nhân viên đến làm các nơi khác (tất nhiên là cũng là Nhật). Tuy nhiên thường thì người Việt mới phong phanh nghe tin công ty sắp “tạch” là thu dọn tìm công việc mới, hiếm ai chờ đến cuối cùng để nhận thư giới thiệu ấy.
– Một nét văn hóa đẹp khác của người Nhật là mỗi lần đi công tác xa về đều có quà gói rất đẹp cho nhân viên, đồng nghiệp, mặc dù nhiều khi cái chất lượng bên trong lại không như bên ngoài.
ảnh tham khảo baomoi
Tóm lại, đâu cũng là cái duyên số, tính ra đến nay thì đã gần 10 năm làm việc và tiếp xúc với người Nhật, tất nhiên đó không phải là nhiều, cũng chẳng là gì ghê gớm, nhưng nó cho mình những kinh nghiệm và một vốn hiểu biết nhất định về văn hoá, con người cũng như môi trường trong công ty Nhật.
Vì vậy, qua bài viết này mình muốn chia sẻ cảm nghĩ với những bạn đã và đang làm trong công ty Nhật, ngoài ra cũng muốn gửi đến những ai đang và sẽ có ý định bước vào môi trường này thì tốt nhất là nên, xác định xem mình có phù hợp hay không? cần trang bị những gì? Nếu không có một định hướng rõ ràng mà cứ bước đi lan man thì chắc chắn các bạn sẽ chỉ mất thời gian một cách vô ích mà thôi.
Hải Âu
Bắt đầu học tiếng Nhật không thể bỏ qua 5 ứng dụng miễn phí này
Bài viết sẽ điểm danh 5 ứng dụng học tiếng Nhật miễn phí nhận được những đánh giá tốt nhất từ người học.