Góc khuất Nhật Bản: những mảnh đời trên chiếc xe ô tô
Bên cạnh sự giàu có của một bộ phận người dân, bất kì đất nước nào cũng có góc khuất về những người nghèo. Và ở Nhật còn có những người “sống trên xe ô tô”.
13:00 05/02/2020
Con gái bỏ thi thể mẹ trên ô tô
Cuối tháng 8 năm 2019, cảnh sát tỉnh Gunma phát hiện một vụ việc thương tâm. Một phụ nữ khoảng 50 tuổi đã để thi thể người mẹ 92 tuổi của mình trong xe ô tô và bỏ đi. Sau đó người phụ nữ đã bị bắt, điều tra cho thấy người này sống trong ô tô cùng với mẹ và con trai của mình trong khoảng 1 năm.
Đến ngày 9 tháng 9, người phụ nữ này đã không bị buộc tội, vụ việc chính thức khép lại và không ai biết chi tiết tại sao gia đình họ lại sống trên ô tô.
Trạm nghỉ trên đường
Trên các con đường lớn và đường cao tốc ở Nhật thường có những trạm nghỉ do chính phủ xây dựng để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của lái xe, khách du lịch, đồng thời quảng bá cho địa phương. Tại đây thường có bãi đậu xe rộng, căng tin bán đồ ăn, quầy bán đồ lưu niệm, nhà vệ sinh mở cửa 24/24.
Khu vực Kanto có tổng cộng 132 trạm nghỉ trên đường. Khoảng 36% số trạm nghỉ trả lời rằng “có người sống trên ô tô” và có ít nhất 9 người đã qua đời từng sống trên ô tô. Một nhân viên tại trạm nghỉ cho hay họ thường thấy có những cuộc cấp cứu mà biểu hiện giống như say nắng hoặc có người đột nhiên ngã xuống ở gần khu vực biển báo lối ra vào bãi đậu xe…
Tỉnh Gunma có 32 trạm nghỉ trên đường. Mặc dù nhân viên tại trạm nói rằng có người sống trên ô tô nhưng rất khó để liên lạc với họ vì chỗ họ đỗ xe thường là chỗ cho đỗ tự do, kính trên xe là loại kính chỉ có thể nhìn từ trong ra mà không thể nhìn từ ngoài vào, những người sống trên ô tô cũng không muốn tiếp xúc với người khác…
Cuối cùng một người đàn ông 66 tuổi sống trên ô tô đã nhận trả lời phỏng vấn. Ông đã sống trên ô tô được gần 1 năm. Khi mở cửa xe ra bên trong đầy các nhu yếu phẩm hàng ngày, có 1 chiếc bếp ở phía ghế sau và cả nắp nồi. Hàng ngày ông cũng ngủ trên băng ghế sau của ô tô và không thể duỗi thẳng chân. Từ một người nặng 70kg ông đã giảm còn 40kg khi sống trên ô tô. Khi được hỏi tại sao không nhận phúc lợi từ chính phủ, ông nói rằng chỉ cần ông đến nhận phúc lợi thì chiếc xe này sẽ bị tịch thu.
Theo quy định của chính phủ Nhật Bản thì sở hữu ô tô được tính là có tài sản cá nhân và sẽ không được nhận phúc lợi.
Lí do sống trên ô tô
Năm ngoái người đàn ông trên đã kết thúc công việc lái xe tải và cuộc sống bắt đầu trở nên khó khăn. Ông nghĩ rằng chiếc xe là điều cần thiết để tìm việc mới nên ông không thể bỏ nó. Hiện tại thu nhập hàng tháng của ông là 100.000 yên (khoảng 21 triệu). Nếu thuê nhà ở ông sẽ mất 40.000 yên, tính thêm tiền ăn và điện nước gas thì số tiền hàng tháng cần đến là 140.000 yên. Cuộc sống trên ô tô sẽ không mất tiền thuê nhà, tiền điện gas, tổng lại sẽ nằm trong mức thu nhập hàng tháng. Tuy nhiên vì không có tủ lạnh nên phải mua thực phẩm tươi sống, do đó mà chi tiêu bị thắt chặt.
Một phụ nữ 30 tuổi cùng chồng và 3 con hiện đang sống trong một căn hộ bằng trợ cấp của chính phủ. 3 năm trước gia đình cô đã sống trên ô tô, thời điểm đó con gái lớn 1 tuổi và cô đang mang thai con trai thứ. Vì bố mẹ của 2 người đều ở xa và có những rắc rối với người thân nên họ không thể sống cùng. Thu nhập của cả 2 là khoảng 100.000 yên mỗi tháng nên họ không đủ khả năng thuê nhà.
Theo điều tra trong vòng hơn 3 tháng, hiện toàn quốc có trên 50 người đang sống trên ô tô hoặc đã từng sống trên ô tô. Cuộc sống như thế này có thể gọi là “nghèo khổ” và có những khó khăn không thể giải quyết. Một nam thanh niên né tránh mọi người vì bị gia đình lạm dụng từ nhỏ, một người đàn ông 70 tuổi lo sợ người vợ mất trí sẽ làm phiền hàng xóm, những người có rắc rối với gia đình, thất nghiệp… tất cả họ đều đang chọn lựa cuộc sống trên ô tô để vì không thể tìm thấy vị trí của mình trong xã hội hiện đại.
Xã hội Nhật Bản: 10 nguyên nhân dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng
Theo NHK
Nhìn bức ảnh chụp não bộ của hai đứa trẻ: thường xuyên đọc sách và thường xuyên xem điện thoại, cha mẹ sẽ biết mình nên làm gì với con
Đây được xem là nghiên cứu đầu tiên cung cấp bằng chứng thần kinh sinh học so sánh những lợi ích của việc đọc sách và những bất lợi tiềm tàng khi trẻ xem điện thoại nhiều hơn 1 giờ mỗi ngày, tác động lên não bộ của trẻ như thế nào.