Gục ngã ở thành phố nóng nhất nước Mỹ
Giữa trưa nắng, David Spell, 50 tuổi, gục xuống tại một bến xe buýt ở Phoenix, bang Arizona, khi nhiệt độ ngoài trời gần 43 độ C.
23:36 22/06/2022
Đó là một trong những ngày nóng nhất từ đầu năm tới nay ở Phoenix, hạt Maricopa, bang Arizona, miền tây nước Mỹ. Ông Spell đã cảm thấy nóng nực và mệt mỏi từ đầu ca làm việc khi phải lái chiếc Buick cũ không có điều hòa tại một cuộc đấu giá xe hơi.
Hết ca làm, ông mua ba lon bia, nhấm nháp chút cá thu đóng hộp khi tránh nắng tại bến xe buýt. Khi mở lon bia thứ ba, ông ngất đi dưới trời nắng nóng và không nhớ gì nữa, cho đến khi được nhân viên cấp cứu hồi sức. Họ xác định ông đã bị say nắng.
Do Spell không có nhà ở, nhân viên cấp cứu đưa ông tới một cơ sở hỗ trợ người vô gia cư có điều hòa. Đến đêm, ông đạp xe trở về chỗ nghỉ quen thuộc của mình, mái hiên trước cửa một nhà thờ, nơi không khí mát từ điều hòa bên trong lọt ra một ít qua khe cửa.
Khu vực miền tây nước Mỹ đang hứng chịu đợt "siêu hạn hán", khiến hàng chục bang ở Mỹ cảnh báo thời tiết nắng nóng cực đoan. Giữa cái nóng oi bức, giữ mát cơ thể là một trong những điều khó khăn nhất đối với ông Spell và nhiều người dân sống ở Phoenix, thành phố nóng nhất, khô nhất và ghi nhận nhiều người chết nhất vì sóng nhiệt ở Mỹ.
Năm 2020, thành phố này ghi nhận kỷ lục 53 ngày có nhiệt độ trên 43 độ C, khiến gần 200 người thiệt mạng vì nắng nóng.
Số ca tử vong do nắng nóng ở hạt Maricopa đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2016, trong đó khoảng 40% nạn nhân là người vô gia cư sống trên đường phố.
Hạt này có khoảng 5.000 người sống lang thang trên đường, không có nơi trú ngụ khi thời tiết nắng nóng. Các chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ gặp rủi ro y tế tăng lên nếu tiếp xúc nhiệt độ ngoài trời cao mà không có bóng râm và đủ nước để làm mát cơ thể.
"Phoenix đang ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu và khủng hoảng nhà ở, song mọi người hiểu rõ mối liên hệ giữa hai vấn đề này", Patricia Solis, tiến sĩ từ Đại học Bang Arizona, cho biết. "Việc người vô gia cư phải tiếp xúc với nhiệt ngoài trời quá lâu cho thấy vấn đề về khủng hoảng nhà ở".
Phoenix đã quen với khí hậu sa mạc nóng bức, song những ngày nắng nóng đã tăng lên do biến đổi khí hậu, kết hợp với quá trình đô thị hóa không kiểm soát, đã biến thành phố lớn thứ 5 của Mỹ thành một ốc đảo bê tông khổng lồ hấp thụ nhiệt.
Thành phố ghi nhận hơn 650 người chết do nắng nóng trong hai năm qua, mức cao nhất ở Mỹ. Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây, khi ngày càng nhiều người lâm vào cảnh vô gia cư do giá thuê nhà tăng mạnh, theo Guardian.
Tuần trước, lúc 4h sáng, thời điểm nhiệt độ khá dễ chịu, các phóng viên Guardian tiếp cận khu vực trung tâm thành phố, nơi tập trung nhiều nhà tạm trú và dịch vụ hỗ trợ người vô gia cư, cũng là nơi ma túy và bạo lực súng đạn ngày càng phổ biến.
"Tôi phát ốm với nơi này, thời tiết quá nóng", một phụ nữ trung niên da màu, xách theo ba túi đựng quần áo, nói, cầu xin được trợ giúp về nhà ở Dallas, bang Texas. Trong khi đó, một người đàn ông da trắng có tiền sử thần kinh đang la hét với nhóm nhân viên hỗ trợ, cáo buộc họ ăn cắp tiền của ông.
Tại khu vực toàn bê tông và đường nhựa này, vô số lều bạt, lán trại được dựng lên bằng xe đẩy hàng, vải bạt, thùng, ván gỗ hay quần áo cũ. Số người vô gia cư trú ngụ ở đây tuần trước là 806, gần gấp đôi so với 476 người vào tháng 12/2021.
Ban ngày, mặt trời cùng sức nóng tỏa ra từ sân bê tông và đường nhựa thiêu đốt da thịt. Nhân viên chính quyền thành phố, các tổ chức phi chính phủ và tình nguyện viên phát nước và chăn làm mát cho người vô gia cư vào những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ mặt đường có thể lên tới 71 độ C.
Tình hình ở khu lều trại này chỉ là một phần trong cuộc khủng hoảng lớn hơn. Rất nhiều người vô gia cư khác đang lang thang trong công viên, bãi đậu xe, trên vỉa hè khắp thành phố nhưng chưa được thống kê đầy đủ. Nhiều người cũng phải vạ vật trên xe hơi sau khi các gói hỗ trợ thuê nhà của chính phủ liên bang hết hạn.
Giá nhà trung bình ở Phoenix đã tăng gần gấp đôi trong 6 năm qua, một trong những yếu tố khiến tỷ lệ lạm phát của thành phố lên tới 11%, mức cao nhất ở Mỹ. Giá thuê nhà cũng tăng mạnh, trong khi Maricopa là hạt phát triển nhanh nhất Mỹ, với khoảng 5.000 người tới đây định cư mỗi tháng.
Khi nhiệt độ trong ngày lên tới 46 độ C, Clayton Hatfield, 69 tuổi, quyết định đến tránh nóng tại một rạp chiếu phim tại trung tâm Justa, nơi trang bị điều hòa dành cho những người vô gia cư lớn tuổi trong khu vực. Một số người còn ngồi trên xe buýt cả ngày, tận dụng điều hòa trên xe để giải nhiệt giữa trời nắng nóng.
Hatfield đã sống trong lều bạt kể từ khi chuyển từ Idaho tới Phoenix 6 tháng trước để tìm việc. Trợ cấp của ông không đủ để trả tiền thuê nhà, trong khi sức khỏe đang suy yếu do bệnh hen suyễn, viêm khớp. "Những quyết định tồi đã xô đẩy tôi tới đây", Hatfield nói.
1/4 người vô gia cư tại Phoenix trên 55 tuổi. Đây là nhóm tăng nhanh nhất trong những người vô gia cư tại Mỹ, nhiều người phải lần đầu ra đường do không đủ tiền thuê nhà, nợ y tế, việc làm không ổn định, gia đình rạn nứt.
Dân số vô gia cư cao tuổi ở Mỹ có thể tăng gấp ba vào năm 2030, theo nghiên cứu năm 2019 từ 6 đại học Mỹ và một trung tâm dữ liệu ở New York.
"Đây là một cú sốc ở độ tuổi này, tôi chưa bao giờ cảm thấy nóng đến vậy", ông Hatfield cho biết.
Khó ai có thể thích nghi được với cái nóng ở Phoenix, đặc biệt là những người cao tuổi không có một mái nhà để nương náu. "Tôi đã quá mệt mỏi với cuộc sống trên đường phố, cơ thể tôi quá già cho việc này. Tôi không muốn gục chết ở đây", Spell nói trước bậc thềm nhà thờ, nơi trú ngụ của ông suốt 17 năm qua.
Chủ tiệm nail Việt ở Mỹ,một lần về Việt Nam ăn tết hết cả năm tiết kiệm làm nail, giờ sợ và ngại về quê
Tết lại về rồi – một năm nữa lại trôi qua. Em là một người Việt đang sinh sống ở Mỹ luôn luôn muốn về quê đón tết cùng gia đình.