Hoàng hậu Nhật Bản có xuất thân thường dân: Chuyện tình 60 năm vẫn mãi yêu như thuở đầu
Hoàng hậu Michiko, vợ của Nhà vua Akihito có lẽ là vị hoàng hậu đặc biệt nhất trong lịch sử Nhật Bản. Bà là người đầu tiên có xuất thân thường dân trở thành con dâu của Hoàng gia, là người phá vỡ những nguyên tắc bao đời để tự tay nuôi dạy những hoàng tử, công chúa.
12:00 09/04/2019
Bà cũng là một trong những hoàng hậu hạnh phúc nhất khi có mối tình khắc cốt ghi tâm với người chồng mà mình yêu thương suốt cả cuộc đời.
Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản có xuất thân thường dân
Michiko Soda sinh ra trong một gia đình có gốc gác samurai tại Tokyo Nhật Bản. Cha của bà là chủ tịch danh dự của công ty xay bột Nisshin, vậy nên dù không thuộc dòng dõi quý tộc nhưng Michiko Soda cũng là một tiểu thư khuê các lá ngọc cành vàng. Không chỉ vậy, bà còn là một người phụ nữ thông minh, có thể nói tiếng Anh lưu loát, am tường địa lý và rất giỏi các môn khoa học. Bà đam mê các hoạt động tập thể, thích chơi thể thao và đặc biệt là quần vợt. Vào năm Michiko Soda 23 tuổi, lần đầu tiên bà gặp Hoàng Thái tử Akihito tại sân quần vợt dành riêng cho những công tử, tiểu thư thuộc tầng lớp quý tộc, thượng lưu.
(Ảnh: Pinterest)
Trong trận thi đấu giao hữu, mặc dù đã thua Michiko nhưng Hoàng Thái tử Akihito lại cảm thấy vô cùng sảng khoái, trong lòng ông dâng lên những cảm xúc khó tả. Bằng một lần tình cờ như thế, Hoàng Thái tử bắt đầu say đắm với mối tình vượt giai cấp của mình. Ông bày tỏ sự tôn trọng đối với cô gái Michiko xinh đẹp, thông minh và thường mời cô tới sân tennis hay những buổi khiêu vũ, những hoạt động thể thao của hoàng gia. Hai năm sau, năm 1959, Hoàng Thái tử đã bỏ qua nhiều cô gái thuộc tầng lớp quý tộc danh giá khác để chọn Michiko làm người bạn trăm năm của đời mình.
(Ảnh dẫn qua: bldaily.com)
Hoàng Thái tử Akihito là con trưởng của Nhật hoàng Showa. Với thân phận là người thừa kế của Hoàng gia Nhật, mọi hoạt động của Hoàng Thái tử đều được xem xét kỹ lưỡng và phải tuân theo những nguyên tắc của Hoàng gia. Chính vì vậy, việc Hoàng Thái tử lựa chọn một cô gái gặp trên sân tennis làm Thái tử phi là một việc không thể nào chấp nhận. Bởi mặc dù sinh ra trong một gia đình danh giá lại xinh đẹp, thông minh nhưng cô gái Michiko Soda vẫn chỉ là một thường dân và theo luật lệ của Hoàng gia, đây là điều cấm kỵ. Rất nhiều người đã phản đối việc này, nhưng sự chân thành và lòng quyết tâm của Akihito và Michiko cuối cùng đã nhận được sự đồng ý của Nhật hoàng.
(Ảnh: Pinterest)
Vào ngày 10/4/1959, đám cưới Hoàng tộc linh đình đã diễn ra, với hơn 530.000 người đã đổ ra đường để xem lễ rước dâu diễn ra trên lộ trình dài 9km dọc các con phố ở Tokyo. Ngoài ra, một phần nghi lễ trong đám cưới cũng được phát sóng trên truyền hình, thu hút tới 15 triệu lượt người xem.
Tuy nhiên, cuộc sống làm dâu hoàng tộc của Michiko gặp muôn vàn khó khăn. Bà phải thay đổi, phải học cách thích nghi với cuộc sống vương giả cùng các phép tắc, luật lệ. Bà càng phải nỗ lực nhiều hơn khi chính thức trở thành Hoàng hậu Nhật Bản khi vào năm 1989, Hoàng Thái tử Akihito lên ngôi Nhật hoàng. Trở thành Hoàng hậu của một dân tộc nổi tiếng với cách ứng xử văn minh, sự tử tế, lòng chính trực nên Michiko đã phải tuân theo những phép tắc, lễ nghi một cách nghiêm khắc.
(Ảnh: Pinterest)
Ví như muốn về thăm nhà, bà phải xin phép trước 14 ngày. Trong bất kỳ lần xuất hiện nào trước công chúng, bà cũng phải đi sau chồng 3 bước. Mỗi ngày Hoàng hậu phải thay kimono 3 lần và bà cũng không có tiền riêng. Kể từ khi bước chân vào Hoàng tộc, cô gái Michiko đã không ít lần cảm thấy khó khăn, mệt mỏi, buồn bã, nhưng có lẽ tình yêu sâu đậm của Nhật hoàng Akihito đã trở thành nguồn động lực lớn lao, để bà tiếp tục nỗ lực, vượt qua thử thách. Từ đầu tới cuối hành trình, bà vẫn để tình yêu làm chiếc la bàn chỉ đường cho mình. Bởi vì yêu thương, bởi vì duyên phận, Hoàng hậu Michiko đã vượt qua tất cả.
Hoàng hậu đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản tự tay nuôi dạy con
Không chỉ được biết đến là cô dâu Hoàng gia đầu tiên trong lịch sử nước Nhật có xuất thân thường dân, Hoàng hậu Michiko còn có cách dạy con rất xuất sắc. Theo truyền thống Hoàng gia Nhật, con cháu trong hoàng tộc sẽ được vú em chăm sóc riêng. Nhật hoàng Akihito đã được chăm sóc như vậy, từ nhỏ đã sống cách biệt với cha mẹ, trong một cung điện riêng biệt với bảo mẫu, bác sỹ và giáo viên riêng. Tuy nhiên, khi sinh con đầu lòng Naruhito vào năm 1960, hoàng hậu Michiko đã phá vỡ nguyên tắc này khi muốn tự tay nuôi dạy con. Vào thời điểm đó, việc làm của bà đã mang đến một làn gió mới vào đời sống Hoàng gia.
(Ảnh: kknews.com)
Bà cân bằng giữa công việc của một Hoàng hậu và một người mẹ. Bà nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, tự tay khâu quần áo và sửa đồ chơi hỏng cho con. Khi các con đến tuổi đi học, thay vì để các đầu bếp Hoàng gia chuẩn bị bữa cơm, bà dậy sớm và tự chuẩn bị hộp cơm cho các con mang tới trường. Bà xin phép nhà vua xây dựng một bếp ăn đặc biệt trong cung điện để có thể tự nấu ăn cho gia đình.
(Ảnh: Pinterest)
Và cũng giống như mẹ của mình, Hoàng hậu Michiko có thói quen ghi chép lại việc nuôi dạy, chăm sóc con cái. Những ghi chú được bà tập hợp lại thành một cuốn nhật ký có tên là Naruchan Kenpou, đặt theo tên con đầu lòng của bà. Trong cuốn sách, bà tự đề ra những nguyên tắc riêng cho việc chăm con. Bà hiểu từng thói quen, sở thích của các con và cuốn nhật ký sẽ được đưa lại cho bảo mẫu mỗi khi bà vắng nhà để đảm bảo các con của bà vẫn được giáo dục theo những nguyên tắc bà đã đề ra trước đó.
(Ảnh: Pinterest)
Ví dụ, khi hoàng tử Naruhito còn nhỏ, Hoàng hậu đã viết rất cẩn thận trong cuốn nhật ký để nhắc nhở những người giúp việc như sau: “Hãy ôm Naru thật chặt ít nhất một lần một ngày để thể hiện tình yêu. Hãy yêu cầu Hoàng tử tự nhặt lên bất cứ thứ gì con ném xuống. Hãy để con chơi với một thứ càng nhiều càng tốt”.
Khi hoàng tử lớn hơn, bà căn dặn: “Cho phép Hoàng tử được bày đồ chơi khắp phòng, nhưng sau khi chơi xong phải tự cất dọn. Hãy vỗ nhẹ vào lưng bé và bảo bé nhặt lại những gì bé đã bày ra…. Hãy cho Hoàng tử vào phòng sách của ta, cho tha hồ được mở các ngăn rút bàn ra tìm tòi khám phá. Khoảng thời gian được chơi một mình vào buổi sáng ngay sau khi thức giấc rất quan trọng, vì thế đừng quấy rầy Hoàng tử. Mọi người hãy cứ để bé tập trung đừng làm bé sao nhãng bởi một trò chơi khác. Hãy để bé được đắm mình vào thế giới tưởng tượng của riêng mình”. Những nguyên tắc này thể hiện tình thương yêu và sự nghiêm khắc của Hoàng hậu trong việc nuôi dạy các con.
Dù có xuất thân Hoàng gia nhưng ngay từ nhỏ, Hoàng hậu đã dạy các con sống tự lập. Bà để các con ngủ trong phòng riêng từ bé, và ngay cả khi Hoàng tử bé khóc mãi không chịu ngủ, bà cũng không thay đổi nguyên tắc của mình. Những khi đó, bà sẽ kiên nhẫn đứng sau cánh cửa, nhìn vào phòng con, chờ con ngủ rồi mới rời đi. Công chúa Sayako khi mới lên 9 tuổi đã có thể giúp đỡ mẹ chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Bà Michiko dạy con gái thành thạo mọi công việc mà một người phụ nữ trong gia đình cần làm, từ vo gạo, gọt khoai cho đến làm bánh.
Nhờ những nguyên tắc giáo dục vừa hiện đại mà lại rất truyền thống đó mà những người con của Nhật hoàng và Hoàng hậu Michiko đều trở thành những người tự lập, tài giỏi và biết tôn trọng người khác.
Bên nhau 60 năm cuộc đời, nghĩa tình sâu đậm đến đầu bạc răng long
60 năm trôi qua kể từ khi câu chuyện tình yêu của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko bắt đầu, đến nay, dù tuổi đã cao, mắt đã mờ, tóc đã bạc, họ vẫn sống bên nhau hạnh phúc. Mỗi sáng, Nhà vua và Hoàng hậu đều dậy sớm, đi bộ trong rừng và khu vườn của Hoàng gia. Họ cùng chia sẻ những sở thích như thơ ca, nghệ thuật, văn học, lịch sử… và đặc biệt vẫn cùng nhau so tài trong những trận tennis. Bên nhau hơn nửa cuộc đời, và với Nhà vua Akihito, ông muốn được bên Hoàng hậu của mình mãi mãi. Vậy nên ông hy vọng rằng sau khi băng hà, ông sẽ được chôn cất cùng người vợ mà mình yêu thương suốt cuộc đời này.
(Ảnh: Pinterest)
Tuy nhiên, trước sinh nhật lần thứ 81 của mình một vài ngày, Hoàng hậu Michiko đã từ chối được chôn cùng nhà vua. Bà nói: “Tôi xuất thân bình dân, thế nên khi chết đi cũng vẫn là một người dân thường. Tôi không cảm thấy được làm Hoàng hậu thì có gì vinh quang hơn người, cũng chưa từng nghĩ được gả vào gia đình Hoàng tộc thì sẽ trở nên khác biệt với những người bình thường. Tôi trước nay vẫn chỉ là vợ của Akihito mà thôi, có thể cùng ông ấy sống bên nhau đến đầu bạc răng long đã là phúc phận lớn nhất của cuộc đời tôi rồi”.
(Ảnh: cicero.de)
Hóa ra với Michiko, người bà yêu không phải là thái tử hay nhà vua mà là Akihito, người đàn ông có duyên phận với bà trong cuộc đời này, người đàn ông hiểu bà, yêu thương bà, trân trọng bà và nguyện gắn bó với bà mãi mãi. Hơn 60 năm, từ những giây phút gặp gỡ thuở đầu cho đến cùng nhau vượt qua khó khăn, từ những công tử tiểu thư yêu nhau say đắm cho đến đôi vợ chồng nghĩa nặng tình sâu, câu chuyện của nhà vua và hoàng hậu quả thật đã cảm động lòng người. Hy vọng mỗi chúng ta trong cuộc đời này đều sẽ tìm được cho mình một tri kỷ như vậy!
Theo: nguoivietonhat.com
Nữ sinh viên Nhật Bản bị qu.ấy r.ối tình d.ục khi tìm việc
Tình trạng qu.ấy r.ối thường diễn ra khi các nữ sinh viên gặp mặt các đàn anh từng học cùng trường để xin lời khuyên về việc làm.