“Học đại học mà thất nghiệp, đi du học Nhật Bản còn hơn”
Chứng kiến nhiều anh chị học đại học, cao đẳng ra trường thất nghiệp, Nguyệt Anh dự định thay vì thi đại học thì sẽ học tiếng Nhật để đi du học Nhật Bản.
12:42 26/10/2017
Là một giáo viên trẻ, luôn tận tâm, nhiệt huyết trong công tác giảng dạy, cô Nguyễn Thị Thanh Hà – giáo viên giảng dạy môn Sinh học tại trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc đã đọc và nghe nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ấy thế mà trong buổi hội thảo “Chuyên đề khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0” do Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tại Nhà trường vào ngày 23/10 vẫn khiến cô đăm chiêu lắng nghe từng từ, từng câu.
Bởi lẽ, tại buổi hội thảo ấy, các thầy cô giáo và các em học sinh của trường Ngô Gia Tự được nghe Giáo sư Nguyễn Lân Dũng – thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm thực tế của mình về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với thầy và trò trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự, Vĩnh Phúc (Ảnh: Thùy Linh)
Cùng đội ngũ giáo viên và toàn bộ học trò Nhà trường lắng nghe thầy Nguyễn Lân Dũng chia sẻ, cô Hà như tìm được sợi dây đồng cảm với chính mình qua những câu chuyện mà thầy kể.
Kết thúc buổi hội thảo, chia sẻ với phóng viên, cô Hà giãi bày:
“Qua buổi nói chuyện trực tiếp của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, tôi thấy bản thân hiểu thêm nhiều thông tin hơn và biết được sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đang diễn biến ra sao.
Tôi hi vọng những công nghệ đó sẽ được ứng dụng ở Việt Nam trong thời gian sớm”.
Được biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng với xu hướng chủ đạo là sự kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực tế, robot hóa sản xuất, vạn vật kết nối Internet và các hệ thống kết nối Internet.
Cuộc cách mạng này sẽ đặt ra nhiều cơ hội và thách thức về khởi nghiệp đối với thế hệ trẻ. Chính điều này đã khiến những người thầy, người cô trăn trở nhiều hơn tới tương lai của các thế hệ học trò thân yêu.
Nói đến chuyện mỗi năm có hàng trăm nghìn cử nhân thất nghiệp, cô Hà cho hay, xu hướng của học sinh bây giờ vẫn là làm sao để thi và đỗ đại học.
Tuy nhiên thông qua các tiết dạy trên lớp, đội ngũ giáo viên nhà trường cố gắng tìm hiểu thêm các thông tin nghề nghiệp để định hướng cho các em học sinh.
Bằng kinh nghiệm của một người đi trước và thông qua buổi nói chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đưa ra bí quyết khởi nghiệp và trở thành người thành công, cô Hà cho rằng:
Từ nay sẽ tăng cường định hướng cho cho học sinh hiểu được rằng “đại học không phải con đường duy nhất để thành công”, bản thân mỗi người trẻ có thể học bằng nhiều con đường khác nhau để lập thân, lập nghiệp và thành công.
Học trò trường Ngô Gia Tự tặng hoa thầy Nguyễn Lân Dũng khi thầy kể một vài tấm gương không học đại học mà vẫn lập thân, lập nghiệp thành công. (Ảnh:Thùy Linh)
Tại buổi hội thảo, nói chuyện với thầy và trò trường Ngô Gia Tự, thầy Nguyễn Lân Dũng đã kể một vài tấm gương lập thân, lập nghiệp thành công.
Chân dung người làm giàu đầu tiên được Giáo sư nhắc đến chính là nông dân Trịnh Xuân Mười (Mười Bơ) – một thanh niên trở thành tỷ phú từ bàn tay trắng. Anh đã giúp nhiều người dân thoát nghèo từ mô hình trồng bơ xen cà phê.
Anh Mười là con thứ 10 của một gia đình bần nông ở Nghệ An. Khi đang học dở cấp hai, anh bỏ nhà ra đi tìm cách thoát nghèo.
Khi tới vùng đất Tây Nguyên màu mỡ, Mười bắt đầu làm thuê tại vườn cà phê, rồi đi thu mua bơ cho thương lái.
Trong quá trình đó, anh nảy ra sáng kiến chiết cành tại bốn vườn có giống bơ sai quả và quả rất ngon.
Mười đến hỏi các nhà sinh học là làm sao để có được hàng triệu cây bơ giống tốt này để phủ bóng cho cà phê thay cho cây muồng. Khi đó thu hoạch từ bơ sẽ còn cao hơn cả từ cà phê.
Các nhà sinh học bày cho Mười nguyên lý “tính di truyền ở ngọn” và nhờ đó Mười đã nhân lên hàng chục vạn cây bơ từ các hạt bất kỳ có ghép với mắt của những giống bơ tốt. Cả Tây Nguyên đang nô nức trồng bơ…
Với những bạn trẻ có ước mơ làm giàu trên chính quê hương mình, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nói sẵn sàng giúp đỡ. Và ngay trong buổi hội thảo, vị giáo sư đưa ra bí quyết khởi nghiệp làm giàu với 10 triệu đồng trong tay.
Với ao sẵn có quê nhà, bạn bỏ ra 3 triệu đồng để mua máy ấp trứng, 3 triệu tiếp theo để mua vịt trời, còn lại 4 triệu dùng thức ăn.
Vịt trời có đặc tính đẻ nhiều, không bị bệnh, chủ yếu ăn ngô mầm, mang lại giá trị cao.
Đó là trường hợp anh Tô Quang Dần (Bắc Giang) được mệnh danh tỷ phú vịt trời…
Ngoài ra, tại hội thảo, các em học sinh của nhà trường còn được giao lưu với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về các vấn đề xoay quanh trong cuộc sống như cần có nghị lực, hoài bão và cởi mở để ước mơ trở thành hiện thực.
Kết thúc giao lưu, đối thoại Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã tặng mỗi em tham gia giao lưu 1 quyển sách do chính thầy viết.
Buổi hội thảo chuyên đề khởi nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 đã giúp các em học sinh trường Trung học phổ thông Ngô Gia Tự chuẩn bị được tâm thế sẵn sàng đón nhận và thích ứng với những chuyển đổi đang diễn ra dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng này.
Từ đó giúp các em sẽ chủ động hơn trong việc chọn nghề, chọn ngành học, chọn trường và hình thức phù hợp để trau dồi những kiến thức và kỹ năng cần thiết để vượt qua thách thức và tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Có dịp được trò chuyện cùng Nguyệt Anh (học sinh lớp 12A7), qua ánh mắt của cô học trò nhỏ, tôi thấy hiện lên niềm vui mừng khôn xiết khi được gặp thầy Lân Dũng – vị giáo sư mà em đã thần tượng lâu nay.
Qua buổi nói chuyện của thầy với nhiều thông tin bổ ích đã khiến Nguyệt Anh vững vàng hơn với định hướng trước đó của bản thân.
Được biết, chứng kiến nhiều anh chị học đại học, cao đẳng ra trường thất nghiệp, cô học trò này dự định thay vì thi đại học thì sẽ học tiếng Nhật để đi du học Nhật Bản.
Chứng kiến nhiều anh chị học đại học, cao đẳng ra trường thất nghiệp, Nguyệt Anh (bên phải) hiện đang là học sinh lớp 12 dự định thay vì thi đại học thì sẽ học tiếng Nhật để đi du học Nhật Bản. (Ảnh: Thùy Linh)
Cũng ý tưởng đó, cô bạn cùng lớp với Nguyệt Anh là Kim Ngân cho rằng, nếu bản thân các bạn trẻ đủ khả năng đi học đại học thì nên lựa chọn môi trường đại học.
Nhưng nếu thấy mình không đủ khả năng thì đừng cố, bởi lẽ có rất nhiều việc làm khác có thể đi tới thành công và làm giàu.
Thùy Linh
Du học Nhật Bản được gì và mất gì?
Du học là 1 trong những giải pháp tốt cho bất cứ ai muốn phát triển bản thân. Khi đi du học bạn đã chấp nhận thay đổi lối sống và môi trường sống của bản thân. Bạn phải tập nói 1 ngôn ngữ khác, giao tiếp trong nền văn hóa khác và sống xa gia đình. Du học Nhật Bản thậm chí sẽ còn tác động mạnh mẽ hơn nữa đến cuộc sống và con người của bạn. Vậy khi đi du học Nhật Bản chúng ta được những gì và mất những gì?