Học sinh giỏi đi du học Nhật, bố mẹ tiễn con trong vui mừng, đón về trong nước mắt

9 tháng sau ngày vui mừng tiễn con lên đường du học, bố mẹ đón con về trong sự ngậm ngùi, chi tiền tỷ chữa trị cho con.

22:23 23/10/2022

Hôm trước ngồi quán cà phê, nghe mọi người xung quanh tám chuyện thời sự. Họ bảo bọn trẻ bây giờ mong manh dễ vỡ lắm. Hở tí ra là bị áp lực, bị trầm cảm, rồi cứ dọa bố mẹ bỏ nhà đi, bỏ học, nghĩ đến chuyện dại khờ. Trong khi ngày xưa khó khăn hơn bây giờ nhiều, có thấy đứa trẻ nào trầm cảm đâu.

Em thấy họ nói cũng đúng nhưng chỉ đúng một phần. Trẻ con bây giờ quả thật rất nhạy cảm nhưng cũng vì sức ép đổ lên các con quá nhiều. Xưa đúng là khó khăn, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng bù lại trẻ con được vui chơi thỏa thích. Còn bây giờ, trẻ con mở mắt ra đã phải học, đến đêm vẫn chong đèn ngồi học.

Hết học ở trường thì đến học kèm, học ngoại khóa, học năng khiếu. Bố mẹ thì bận bịu với cuộc sống, lo kiếm tiền đầu tư cho con, đăng ký đủ thứ lớp học cho con. Nhưng mà quên mất trẻ nhỏ cần bố mẹ ở bên, cũng không thể học quá nhiều.

Bố mẹ cố gắng làm việc vì con và yêu cầu con học thật giỏi để bố mẹ vui lòng. Đến khi con học giỏi nhưng tâm lý có trở ngại, bố mẹ nhận ra thì đã quá muộn màng. Sự việc nam sinh từng học xuất sắc, đi du học Nhật rồi về nhà trên chiếc xe lăn khiến em cứ nghĩ mãi.

hình ảnh

TS. BS Trần Thị Hồng Thu thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Vietnamnet

Ai cũng ngỡ ngàng vì sao nam sinh lúc đi, gia đình tràn ngập niềm vui mà 9 tháng sau trở về lại toàn là nước mắt. Từ một thiếu niên khỏe mạnh, giỏi giang, em trở về trong ánh mắt vô hồn, không còn nhận ra người thân của mình. Nhưng tất cả đều có lý do đó mọi người.

Câu chuyện về nam sinh này em đọc được trên Vietnamnet, qua lời kể của bác sĩ Trần Thị Hồng Thu ở Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương. Bác sĩ bảo giờ chứng lo âu, trầm cảm ở người trẻ đang tăng lên. Nhưng hơn 80% là gia đình không chú ý hoặc không nghĩ đó là triệu chứng nguy hiểm.

Bác sĩ kể về trường hợp nam sinh học xuất sắc, từng tham gia kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Em trầm tính, ít nói, không chơi game, không giao du với bạn bè. Học ở lớp xong, về nhà em nghiền ngẫm bài vở. Môn giải trí duy nhất là cờ tướng trên máy tính.

Ở nhà em không có anh chị em vì là con một, chủ yếu ở với người giúp việc nên rất ít nói. Bố mẹ có công ty riêng nên đi vắng cả ngày. Bố mẹ cũng rất yên tâm, tin tưởng vào đứa con giỏi giang, trầm tĩnh của mình. Đâu có ngờ, lối sống hướng nội của con tiềm ẩn nhiều vấn đề.

Tất cả bắt đầu từ lúc nam sinh đi du học Nhật Bản theo định hướng gia đình sau lớp 12. Trầm tính, ít nói, khép kín nên em càng cô đơn ở nơi đất khách quê người. Em chỉ nói chuyện với người duy nhất là mẹ, qua điện thoại. Em từng kể khó khăn với mẹ, hai ba lần em nói chán vì bạn ở lớp không thân thiện.

Em từng than bị mất ngủ, nhưng người mẹ cho rằng đó là bình thường vì con mới xa nhà, chưa quen. Mẹ còn bảo với nam sinh là đàn ông phải biết vượt qua những chuyện vặt vãnh. Thực tế, chuyện vặt trong mắt mẹ lại là chuyện lớn mà mẹ không hay biết.

Nửa năm sau khi du học, con gọi cho mẹ ít dần, những cuộc gọi chỉ ngắn gọn kiểu hết tiền chưa, cần tiền thì mẹ gửi. 9 tháng con đi du học, mẹ nhận được điện thoại nhà trường là con trai phi thân từ trên lầu. Con vẫn sống sót nhưng xương chậu chấn thương.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: QQ

Theo bác sĩ Hồng Thu, nam sinh không dừng lại ở mức trầm cảm mà là tâm thần phân liệt. Chuyện nghĩ quẩn kia là hệ lụy của trầm cảm kéo dài nhưng không được chữa trị. Đã bao nhiêu lần con nói với mẹ con không ổn, con chán, con mất ngủ. Nhưng mẹ bảo chuyện vặt vãnh.

Thiếu sự quan tâm, lại sống xa gia đình, xa môi trường quen thuộc, thật sự khó tưởng tượng nam sinh đã phải trải qua nhiều khó khăn ra sao. Ngay cả việc nói chuyện với người thân là mẹ qua điện thoại cũng ít dần.

Gia đình khá giả, nam sinh có bảo hiểm nhưng vẫn tốn tiền tỷ để chữa trị. Sau khi sức khỏe của con ở bên Nhật tạm ổn, gia đình lập tức đưa con về. Ngày thấy con trở lại, bố ứa nước mắt đón con trên chiếc xe lăn. Hành lý là những viên dược trị bệnh tâm thần phân liệt.

Bên cạnh việc phục hồi chấn thương cơ thể, gia đình còn phải đi trị liệu tâm lý cho con trai. Ai cũng thấy tiếc nuối cho nam sinh tuổi trẻ tài cao. Phải chi em được phát hiện sớm, điều trị kịp thời vấn đề tâm lý thì mọi chuyện đã khác.

Các mẹ thấy không, đâu phải những đứa trẻ bây giờ mong manh dễ vỡ, mà là do môi trường sống, do bố mẹ nữa. Cứ nghĩ bố mẹ quần quật kiếm tiền lo cho con ăn ngon mặc đẹp, học trường tốt là đủ. Nhưng đâu có đủ mọi người, trẻ con mà suốt ngày ở nhà một mình, không người nói chuyện, không biết đi chơi là gì. Thế có còn là trẻ con đâu.

Một số bố mẹ thấy con lớn trước tuổi, trầm tĩnh, hiểu chuyện, học giỏi thì lại yên tâm, nghĩ con thế là quá tốt. Đâu có ngờ, ít nói, nội tâm, trầm tĩnh đôi khi là vỏ bọc bên ngoài của căn bệnh trầm cảm.

Cho nên bố mẹ dù bận đến đâu cũng phải cố dành nhiều thời gian cho con. Không phải cứ mang nhiều tiền về cho con là được. Nên trò chuyện cùng con mỗi ngày, lắng nghe những lo lắng, chán nản của con. Như vậy mới sớm phát hiện ra nếu con có vấn đề tâm lý bất ổn. Chứ như nam sinh học giỏi ở trên, phát hiện quá muộn, thật sự thấy tiếc cho em ấy quá.

Tags:
Cảnh du học sinh nhà ít tiền vẫn cố đi du học: Kiệt sức, sắp thành “liệt sỹ“ trước khi trở thành thạc sỹ

Cảnh du học sinh nhà ít tiền vẫn cố đi du học: Kiệt sức, sắp thành “liệt sỹ“ trước khi trở thành thạc sỹ

Nhiều bạn du học sinh luôn nuôi hy vọng giấc mơ hồng du học khi vừa học vừa kiếm tiền, thậm chí kiếm dư ra gửi về cho gia đình. Nhưng áp lực học hành và tài chính có thể khiến nhiều sinh viên gục ngã, ngậm đắng bay về khi mới học vài tuần.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất