“Không ai muốn trở thành kẻ vô gia cư”: Cái nhìn lướt qua cuộc sống trên hè phố Tokyo
Yoshitomo Hara, bảy mươi tuổi, hiện đang sống trong một khu nhà được hỗ trợ, nhưng ông rất thành thạo các cách để tránh phải ngủ ngoài đường ở Tokyo.
16:30 19/03/2019
Ảnh: Một người đàn ông vô gia cư trên một con phố thuộc quận Shinjuku/ YOSHIAKI MIURA
Trong một ngày cuối tháng 12 ở quận Ikebukuro, Tokyo, Hara cho biết: “Nếu anh có 100 hoặc 200 yên, McDonald vẫn mở cửa cho đến khoảng 3 giờ sáng, khi cửa hàng đóng cửa, anh có thể đến các nhà ga. Cửa chớp mở vào khoảng 4 giờ sáng. Anh nên đến tầng hầm nơi có các cửa hàng sẽ khá ấm. Trải tấm bìa cứng ra và che mặt lại. Anh cũng sẽ thấy hàng tá người đang ngủ ở đó. Vào mùa hè, anh có thể ra công viên, buổi chiều, anh có thể vào các cửa hàng như Yamada Denki, họ có ghế ngồi có thể nghỉ ngơi được.”
Trước đây, Hara là một trong 4977 người vô gia cư ở Nhật, theo số liệu mới nhất được công bố vào tháng 7 năm ngoái bởi Bộ Sức khỏe, Lao động và Phúc lợi xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 15 năm kể từ khi Bộ bắt đầu thu thập số liệu, con số xuống dưới 5000 người.
Phương thức mà Bộ dùng để thu thập số liệu là cho cảnh sát khu vực đi tuần và quan sát vào buổi chiều bị chỉ trích là không chính xác. Trung tâm nghiên cứu và hỗ trợ người vô gia cư, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Tokyo, đã tự mình thống kê mỗi hai năm một lần. 800 tình nguyện viên đi điều tra vào buổi tối, họ tuyên bố con số thực tế lớn hơn 2,5 lần con số Bộ công khai.
Bất kể con số cụ thể như thế nào, không thể chối bỏ được sự thật người vô gia cư ở Nhật Bản đang giảm dần trong những năm gần đây. Vào năm 2003, khi Bộ bắt đầu thu thập số liệu, con số chính thức được tuyên bố là 25.296 người.
Đầu những năm 1990, sự sụp đổ của bong bóng kinh tế đã tạo ra một sự bùng nổ bất ngờ về tình trạng vô gia cư, công nhân bị sa thải và những chiếc lều nhựa màu xanh mọc lên khắp các thành thị trên cả nước. Nó tạo ra một tình trạng mà Nhật Bản khó có thể đương đầu, khi một quốc gia tự khẳng định là một cường quốc kinh tế toàn cầu đột nhiên phải đối mặt với sự nghèo đói trên những con phố của chính mình.
Vào tháng 2 nắm 1994, Chính quyền Tokyo và quận Shinjuku đã hợp tác để cố gắng giải tỏa “ngôi làng bìa các-tông” mọc lên ở khu vực nằm giữa ga Shinjuku và khu hành chính Tokyo. Hàng trăm người vô gia cư phải di dời sau các cuộc đụng độ dữ dội với cảnh sát. Điều đó nói lên rằng người vô gia cư chẳng khác nào hạt sạn trong mắt Chính quyền.
Ảnh: Một người vô gia cư ngồi trên hè phố dưới đường tàu chạy ở quận Yurakucho, Tokyo, một ngày tháng 1/ YOSHIAKI MIURA
Kể từ thời điểm đó, nhiều hành động đã được thực hiện để cải thiện tình hình. Áp lực từ các nhóm chiến dịch khác nhau đã dẫn đến việc ban hành Đạo luật đặc biệt nhằm tôn trọng quyền tự trị của cộng đồng vô gia cư vào tháng 8/2002, đánh dấu lần đầu tiên Chính phủ thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc giúp chính quyền địa phương đối phó với người vô gia cư.
Đạo luật đảm bảo hỗ trợ tìm kiếm việc làm và nhà ở cho những người vô gia cư sẵn sàng làm việc. Luật cũng khiến các cơ sở chăm sóc y tế tiếp nhận họ. Điều này góp phần làm giảm số lượng người vô gia cư như con số mới đây chứng thực. Những vần còn hàng ngàn người sống không nhà trên khắp nước Nhật. Họ phải đối mặt với những vấn đề mà người bình thường khó có thể hoặc không sẵn lòng hiểu được.
“Người bình thường sẽ tránh xa tôi,” Takashi Owada nói. Ông Owada, 64 tuổi, quê ở Fukushima đã từng là người vô gia cư trong khoảng 1 năm. Hiện ông đang sống trong một phòng trọ ở quận Nakano, Tokyo, sau 3 tháng ở trong cơ sở nhà ở hỗ trợ. Ông chuyển từ Saitama lên thủ đô từ tháng 12/2017. “Người ta không muốn đến gần tôi. Nó làm tôi cảm giác như cuộc đời mình thật tồi tệ, tôi thấy nuối tiếc cho bản thẩn. Tôi từng nghĩ làm sao để thoát khỏi tình trạng này. Nhiều người sẽ nhìn tôi nhu thể muốn hỏi tôi nghĩ tôi đang làm cái gì.”
Sống không nhà bị kì thị mạnh ở Nhật, nơi xã hội coi trọng sự tự lực. Nhiều người vô gia cư cảm thấy xấu hổ và trốn tránh tầm mắt của cộng đồng bằng cách sống trong công viên, dưới đường cao tốc, hoặc dọc bờ sông. Một số người cố gắng hòa nhập với cộng đồng bằng cách qua đêm ở các phòng tắm hơi hay tiệm cà phê internet khi họ có tiền.
Ăn xin trên phố theo lý thuyết là phạm pháp, nhưng trên thực tế thì người ta không xem là vậy. “Người vô gia cư nghĩ rằng mình đang lao động,” Tsuyoshi Inaba cho hay. Anh là người đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Moyai và là một nhà hoạt động lâu năm cho quyền của người vô gia cư. Anh bắt đầu làm việc này từ cuộc giải tỏa năm 1994 ở Shinjuku.
Ảnh: Anh Tsuyoshi Inaba, đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Moyai/Andrew McKirdy
“Điều này đặc biệt đúng với những người trở thành vô gia cư trong những năm 1990. Nhiều người trong số họ làm việc ở các công trường xây dựng và họ có niềm kiêu hãnh. Họ nghĩ rằng xin ăn là điều gì đó rất xấu hổ. Trong xã hội Nhật Bản, không có chỗ cho lòng trắc ẩn đối với người vô gia cư. Có thể anh bắt gặp một số người vô gia cư xin ăn, nhưng họ sẽ không xin được đồng nào.” Anh Inaba chia sẻ.
Người vô gia cư ở Nhật còn có những cách kiếm tiền khác. Một số người nhặt vỏ lon và bán cho các cơ sở tái chế. Một túi dung tích 45l chứa đầy vỏ lon nặng khoảng 5kg sẽ bán được 500 yên. Một số khác nhặt truyện tranh, tạp chí bỏ đi, hoặc dọn rác sau những buổi xem pháo hoa vào mùa hè. Những người đủ may mắn sẽ tìm được việc hàng ngày như người lao động khác. Hầu hết những công việc có sẵn cho người vô gia cư đều đòi hỏi thể lực, tuy nhiên, không phải ai cũng đáp ứng được.
Tháng 9/2017, một cuộc khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội cho thấy 42.8% người vô gia cư ở Nhật trên 65 tuổi, đây là lần đầu tiên con số vượt 40%. Và độ tuổi trung bình là 61.5, cũng là lần đầu tiên vượt 60 tuổi.
Jean Le Beau, một người Canada lần đầu tiên đến Nhật cách đây 48 năm với tư cách là nhà truyền giáo, đã làm giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Sanyukai 30 năm qua. Ông tin rằng công chúng có ấn tượng sai về thái độ của những người vô gia cư.
“Người Nhật làm việc rất chăm chỉ và họ cho rằng những người vô gia cư không muốn làm việc nhưng thật ra là ngược lại,” ông Le Beau nói. Tổ chức của ông đã cung cấp thức ăn, chỗ nghỉ và chăm sóc y tế cho những người vô gia cư ở quận Sanya, phía đông bắc Tokyo. “Tôi nghĩ người ta không nhận ra bất cứ cái gì bên ngoài thế giới của họ. Họ không còn hơi sức để nhìn xa hơn phía kia chân trời. Họ có tivi nhưng rất khó để có thể có lòng thương qua cái đó. Có rất ít người quen với việc vô gia cư. Không một ai muốn trở thành vô gia cư, họ như vậy là vì hoàn cảnh.”
Thoát khỏi tình trạng vô gia cư có thể là một quá trình dài và phức tạp. Ngay cả việc thực hiện bước xin phúc lợi từ Chính phủ cũng rất khó khăn. Theo anh Inaba, các công chức phúc lợi xã hội những năm 1980, 1990 thường cố ngăn cản những người vô gia cư nộp đơn khi họ đến văn phòng chính quyền địa phương. Anh Inaba kể lại rằng các công chức dùng những từ ngữ mang nghĩa xúc phạm, xua đuổi hoặc đưa ra các thông tin sai lệch, dễ gây hiểu lầm. Anh dùng thành ngữ “mizugiwa sakusen” để miêu tả – một thuật ngữ quân sự cho chiến thuật đẩy lùi kẻ địch ngay khi họ lên bờ.
Anh Inaba và các nhà hoạt động khác đã hợp tác với luật sư trong những năm đầu thập niên 2000 để hỗ trợ những người vô gia cư xin phúc lợi xã hội, buộc các công chức phải thay đổi cách thức. Tuy vậy các vấn đề khác về mặt hành chính vẫn còn tồn tại.
Kazunori Yui, phó giám đốc của tổ chức Sanyukai cho biết, “Một số người vô gia cư muốn tiếp tục cố gắng mà không cần đến phúc lợi, vì vậy họ không nộp đơn xin. Một số lại không biết đến chính sách phúc lợi này. Nhưng điều quan trọng là họ không muốn người thân của mình phát hiện ra họ là người vô gia cư. Về nguyên tắc, anh chỉ có thể nhận phúc lợi nếu gia đình anh không thể chăm sóc anh và anh không có bất cứ nguồn thu nào. Vì thế, đầu tiên cơ quan chính quyền sẽ kiểm tra tình trạng gia đình anh. Rất nhiều người không muốn gia đình biết được, hoặc họ không muốn gây phiền phức đến cho gia đình mình.”
Một khi được nhận phúc lợi, đầu tiên người vô gia cư sẽ được chuyển đến nhà ở hỗ trợ. Một người sẽ ở chung phòng kí túc xá lớn với những người khác, tiền được nhận từ phúc lợi mỗi đầu tháng sẽ được dùng để trả chi phí thuê nhà, các tiện ích và bữa ăn. Tuy vậy, ở chung không phải ai cũng thích. Nhiều người trở thành vô gia cư vì không chịu được áp lực của xã hội. Và sự căng thẳng khi sống chung với người lạ có thể khiến họ quay trở lại với đường phố.
“Tôi từng làm thuê ngày qua ngày và ngủ trong công viên hoặc băng ghế ở bến xe buýt. Nhưng công việc ngày càng ít đi và tiền của tôi cũng vậy, nên tôi đến chính quyền địa phương để xin phúc lợi,” anh Monotobu Watanabe, 46 tuổi kể lại. Anh hiện đang sống một mình trong một phòng trọ được 3 năm sau chuỗi ngày làm công việc tạm thời, gặp vấn đề về sức khỏe và vô gia cư. “Họ xếp tôi vào một căn phòng ở cùng 3 người khác. Tôi phải trả cho bữa sáng và bữa tôi cho dù tôi có ăn hay không. Sau khi trả hết cho mọi thứ, tôi chỉ còn 20 nghìn yên. Tôi không muốn ở chung với người khác, họ đáng sợ và không hợp với tôi. Tôi bỏ đi cả ngày hoặc cả tuần.”
Ảnh: Tổ chức phi lợi nhuận Tenohashi cung cấp thức ăn, áo quần, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho người vô gia cư ở Ikebukuro/ Andrew McKirdy.
Nhiều người cảm thấy bấp bênh giữa tình trạng vô gia cư và nhà ở hỗ trợ. Kenji Seino, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Tenohasi, chuyên cung cấp thức ăn, áo quần, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho người vô gia cư ở Ikebukuro, tin rằng câu trả lời nằm ở mô hình “Ưu tiên nhà ở”. Các làm này được khởi phát ở Mỹ những năm 1990, ủng hộ việc chuyển người vô gia cư thằng vào căn hộ một người thay vì trải qua các giai đoạn chuyển tiếp trong các khu nhà tạm trú.
Năm 2014, quỹ Tsukuroi Tokyo của anh Inaba đã đưa vào một chương trình thí điểm có tên là Tsukuroi House ở gần ga Numabukuro, quận Nakano, Tokyo. Cơ sở này cung cấp phòng ở một người cho người vô gia cư và có khoảng 60 người đã được sống riêng lẻ từ thời điểm đó.
Nhưng vấn đề vẫn chưa hết. Ông Le Beau cho biết, “Cái chết cô độc là một vấn đề lớn của xã hội. Càng khó mà nói rằng một khi họ nhận phúc lợi rồi thì xem như là xong. Chúng tôi cố gắng để họ tham gia bằng cách hỗ trợ đồ ăn, cũng cố gắng đảm bảo rằng họ có số điện thoại và địa chỉ để liên lạc, và chúng tôi đến thăm thường xuyên. Điều này rất quan trọng. Mặc dù số người vô gia cư đang giảm, nhưng lượng công việc của Sanyukai không vì thể mà giảm đi.”
Khi hầu hết những người sống trên hè phố không còn bất kì liên hệ nào với gia đình, sự cô đơn và bị cô lập có thể trở nên nghiêm trọng. Ông Le Beau bảo vệ quyết liệt những người đang được Sanyukai giúp đỡ, đa phần là những người đàn ông lớn tuổi, và xem họ như gia đình. Bốn năm trước, ông đã lập ra một phần mộ với tên nhóm để mang lại cho họ sự tôn nghiêm và ấm áp khi chết.
Năm 2017, quỹ Tsukurio Tokyo đã mở cửa quán cà phê mang tên Shio no Michi, không xa Nhà ở Tsukuroi. Quán cung cấp cho những người chuyển đến căn hộ một người từ nhà ở hỗ trợ một nơi để gặp gỡ, với công việc có sẵn. Quán có khu tự rang hạt cà phê ở tầng 1.
Nhiều người đã từng là vô gia cư nay lại giúp một tay phân phát thức ăn và đi tuần vào ban đêm. Điều này giúp họ có nhận thức trách nhiệm và cảm giác tồn tại. Anh Watanabe tâm sự, “Tôi chưa từng có nơi có thể gọi là nhà, hoặc người mà tôi thuộc về. Tôi luôn chỉ có một mình nhưng bây giờ tôi có những người quan tâm đến tôi.” Anh Watanabe tìm được công việc dọn rác công viên hai năm trước. Anh đã quen với cuộc sống một mình trong phòng trọ sau những lo lắng ban đầu và anh tin rằng sự xuất hiện của anh ở những buổi phát thức ăn sẽ giúp người khác nhận ra rằng có con đường khác cho họ.
Những ý kiến về dân số rộng là một vấn đề khác, nhưng Seino tin rằng thái độ đang thay đổi.
“Khi bong bóng kinh tế vỡ, đột nhiên có rất nhiều người vô gia cư trên phố, điều đầu tiên mọi người nghĩ đến là tại sao họ không làm việc khi có rất nhiều công việc để làm xung quanh”, anh Seino nói. Sau khi một học sinh trung học cơ sở mà anh dạy môn xã hội đánh chết một người đàn ông vô gia cư năm 2002, anh Seino bắt đầu quan tâm đến vấn đề này. “Sau đó, vào nửa cuối những năm 2000, bạn bắt đầu nghe thấy những cụm từ ‘lao động nghèo khổ’ ‘nghèo đói trẻ em’. Rồi đến sự sụp đổ của Lehman Brothers, những người làm việc bán thời gian và hợp đồng bắt đầu mất việc. Mọi người bắt đầu ý thức được rằng còn có tình trạng nghèo đói ở nước Nhật. Mọi người nhận ra rằng có những người cần sự giúp đỡ. Và người ta bớt đi thái độ chỉ để ý đến bản thân mình, nhưng văn hóa đó vẫn còn rất phổ biến ở Nhật Bản.”
“Tôi đã từng sống ngày nào hay ngày ấy”
Koji Kameda, 47 tuổi
“Tôi bị động kinh. Tôi không thể nhớ những điều mà mình đã nói hoặc làm. Tôi đã từng là một yankii. Năm 25 tuổi, tôi tham gia một trận ẩu đả và bị đánh vào đầu bằng dùi cui. Sau đó, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện và tôi thậm chí không thể sống cuộc sống hàng ngày.”
“Tôi đã từng là chủ một quán rượu ở Osaka nhưng tôi không thể tiếp tục sau khi bị chấn thương. Tôi đi đi về về giữa Tokyo và Osaka, năm 39 tuổi tôi bị bắt vì ăn cắp ô tô của một công ty an ninh và đi tù 10 tháng.”
“Tôi ra tù và không có nơi nào để đi với chỉ 14 nghìn yên trong túi. Tôi nghe nói có thể nhận phúc lợi một cách nhanh chóng ở Yokohama nên tôi đã đến đó. Người ta bảo tôi rằng tôi phải tự mình kiếm sống, nhưng tất cả số tiền đã tiêu sạch trong vòng 3-4 ngày. Tôi không được nhận phúc lợi và cũng không có chỗ trọ. Thế là tôi buông xuôi cuộc đời mình.”
“Tôi đến khu rừng tự tử gần núi Phú Sĩ với ý định kết liễu đời mình. Tôi đã thòng dây qua cổ nhưng rồi tôi đã thay đổi ý định, tôi chưa thể chết bây giờ. Tôi đã cuốc bộ cả quãng đường từ tỉnh Yamanashi về Tokyo.”
“Tôi đến quận Toshima để nộp đơn xin phúc lợi. Tôi được đưa vào một phòng kí túc không có bất cứ sự riêng tư nào, có khoảng 20 người ở trong một phòng. Tôi bỏ đi sau một tháng.”
“Từ đó tôi ngủ trên ghế công viên. Tôi có máy chơi game cầm tay, thế là ban ngày tôi sẽ chơi để giết thời gian. Vào mùa đông, tôi mặc lớp này lớp nọ, ngủ trong túi ngủ để cố tránh cái rét. Tôi không hề kiếm được đồng nào.”
“Tôi nghĩ nếu ở lại Tokyo, tôi có thể được phát thức ăn và quần áo, tắm rửa và giặt đồ. Tôi chỉ còn biết sống từng ngày.”
“Tôi không biết mình trông có tệ không, nhưng tôi cố ăn mặc để có thể hài hòa với mọi người xung quanh. Người ta thường nghĩ người vô gia cư là kẻ xấu.”
“Tôi xin lời khuyên từ một tổ chức phi lợi nhuận và người ta đến để xin cho tôi vào phúc lợi.”
“Sau 3 tháng, tôi được nhận. Tôi tham dự khóa học ở Hello Work 3 tháng và được cấp chứng chỉ người giúp việc. Tôi làm việc tại một tổ chức nhà ở khoảng một năm rưỡi.”
“Tôi giấu việc mình bị tổn thương não và khi bị phát hiện, tôi bị đuổi việc. Giờ tôi sống ở một phòng trọ, bác sĩ bảo tôi không được làm việc nữa.”
“Tôi muốn trở lại làm việc cho một công ty cung cấp dịch vụ chăm sóc. Tôi không muốn quay trở lại cuộc sống vô gia cư.””
Nguồn: JapanTimes/ISenpai
Link bài: https://www.japantimes.co.jp/news/2019/03/02/national/social-issues/no-one-wants-homeless-glimpse-life-streets-tokyo/?fbclid=IwAR2sqAu_s6tt4zeIXPmqkoKJyN6krejVutqaHKki5rdJTRd1WjPLFtgYJl
Maria Ozawa lần đầu trải lòng về 2 năm vượt qua định kiến cùng bạn trai Philippines
Mối tình của Maria Ozawa và chàng diễn viên kiêm đầu bếp nổi tiếng Philippines – Jose Sarasola từng gặp phải nhiều sóng gió vì quá khứ đóng phim người lớn của Maria, song suốt 2 năm qua, họ chưa một lần rời xa nhau.