Lễ lên ngôi thể hiện tình cảm với người dân của Nhật hoàng 30 năm trước
Nhật hoàng Akihito không dùng ngôn ngữ cổ mà phát biểu bằng ngôn từ dễ hiểu với người dân trong lễ lên ngôi cuối năm 1990.
17:30 29/04/2019
Tháng 1/1989, Thái tử Akihito 56 tuổi kế vị sau khi cha ông là Nhật hoàng Hirohito qua đời, mở ra triều đại Bình Thành. Lễ lên ngôi được tổ chức vào ngày 12/11/1990 với sự hiện diện của 2.500 quan khách. Ông trở thành hoàng đế thứ 125 của Nhật.
Giờ đây, triều đại của ông sắp kết thúc. Nhật hoàng Akihito, 86 tuổi, sẽ thoái vị vào ngày 30/4 và truyền ngôi cho con trai là Thái tử Naruhito. Tuy nhiên, lễ lên ngôi của Nhật hoàng Akihito gần 30 năm trước vẫn sẽ được ghi nhớ trong lịch sử Nhật với những nét hiện đại thể hiện mong muốn gần gũi với người dân của ông.
Đây là lễ lên ngôi đầu tiên được tổ chức sau khi Nhật ra Hiến pháp hòa bình hậu Thế chiến II, theo đó Nhật hoàng không còn được tôn sùng như "vị thần sống" mà trở thành "biểu tượng của quốc gia và đoàn kết dân tộc".
Khác với truyền thống, Ngai vàng Hoa cúc của Nhật hoàng được chuyển từ cố đô Kyoto - nơi diễn ra tất cả lễ đăng quang trước đó, về cung điện ở Tokyo.
Ngai vàng Hoa cúc là một cấu trúc hình bát giác màu vàng đen, trên đỉnh có một con phượng hoàng lớn. Bên cạnh ngai của Nhật hoàng là một ngai nhỏ hơn dành cho Hoàng hậu Michiko.
Ở ngoài sân có hai hàng cờ với 20 lính hoàng gia, 40 người bê lễ và 12 người chơi chiêng trống.
Nhật hoàng Akihito đứng trong Ngai vàng Hoa cúc tại lễ lên ngôi tháng 11/1990. Ảnh: YT.
Buổi lễ kéo dài nửa tiếng, bắt đầu khi các thành viên của hoàng tộc mặc trang phục nhiều lớp truyền thống từ từ bước vào căn phòng đặt ngai vàng. Chỉ có mẹ của Nhật hoàng Akihito là Thái hậu Kojun vắng mặt do vấn đề sức khỏe.
Ông Akihito mặc lễ phục sokutai gồm chiếc áo dài màu vàng nâu với tay áo dài, rộng và phần eo được thắt lại. Chỉ hoàng đế được mặc màu này, các thành viên hoàng gia khác mặc màu đen, đỏ, xanh hoặc những màu khác tùy thuộc vào cấp bậc.
Nhật hoàng đội chiếc mũ kanmuri, gồm đế đen với chóp mũ dựng thẳng, cao 60 cm, trên tay cầm thanh gỗ phẳng gọi là shaku. Hoàng hậu Michiko mặc junihitoe, bộ kimono nhiều lớp nặng gần 10 kg. Những trang phục này có từ thời Heian (Bình An) năm 794 - 1185, được coi là thời kỳ hoàng kim trong văn hóa Nhật Bản.
"Nhìn cảnh tượng mà ngỡ như Nhật đã trở lại thời Heian", một vị khách nói.
Trong số gần 500 quan chức nước ngoài tham dự có khoảng 70 nguyên thủ quốc gia và 20 thủ tướng. Đại diện của Mỹ là phó tổng thống Dan Quayle. Ngồi hàng ghế đầu là Vua Bỉ Baudouin và Hoàng hậu Fabiola. Đằng sau họ là 20 thành viên của các hoàng tộc khác, gồm Thái tử Charles và Công nương Diana của Anh.
Khi phát biểu, Nhật hoàng Akihito không dùng ngôn ngữ cổ thường được sử dụng trong các nghi lễ. Ông dùng những ngôn từ dễ hiểu với người dân bình thường và điều đó thể hiện rằng ông sẽ gần gũi với người dân hơn cha mình.
"Tôi tuyên bố với những người dân trong và ngoài nước rằng tôi đã lên ngôi", ông nói.
Thủ tướng Nhật Toshiki Kaifu trả lời ngắn gọn và hô "banzai" (Thiên hoàng muôn năm) ba lần.
Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko ngồi trên xe mui trần đến Cung điện Akasaka tháng 11/1990. Ảnh: Nikkei.
Hai giờ sau, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko bước ra khỏi cung điện và lên chiếc Rolls Royce mui trần. Ông Akihito mặc vest còn bà Michiko mặc váy trắng và đeo vương miện. Họ mỉm cười, vẫy tay với người dân khi chiếc xe di chuyển gần 5 km đến nơi ở của họ là Cung điện Akasaka.
Hàng nghìn cảnh sát được triển khai dọc theo tuyến đường, giám sát 100.000 người dân đổ ra đường để chào mừng tân Nhật hoàng.
Ông Akihito "không muốn là một hoàng đế khó tiếp cận, sống khép kín trong cung điện Tokyo như cha mình", ký giả của AFP viết vào năm 1990. "Ông xuất hiện trước công chúng với nụ cười ấm áp trên môi, khác với phong cách trang nghiêm của cha mình - hoàng đế mà người dân luôn phải cúi đầu rất thấp khi gặp".
Nguồn: vnexpress.net
Nhật hoàng Akihito – vị hoàng đế rũ bỏ hình tượng “bất khả xâm phạm” để đi vào lòng dân và những dấu ấn không thể nào quên trong 30 năm trị vì
Trong 30 năm tại vị, Nhật hoàng Akihito đã không ít lần phá vỡ quy tắc, thực hiện những điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử trị vì của Hoàng gia Nhật Bản.