Lừa đảo xuất khẩu lao động Nhật Bản: Vì sao nhiều người mắc bẫy?

Thị trường lao động tại Nhật Bản với mức lương cao đang trở thành mục tiêu có độ “hot” nhất đối với người lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài. Lợi dụng thị trường lao động hấp dẫn này, thời gian qua một số đối tượng xấu đã tung ra các chiêu trò dụ dỗ người lao động với mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

17:00 29/08/2017

Không chỉ thông qua đội quân “cò” môi giới lao động, các đối tượng còn triệt để sử dụng mạng xã hội, tung thông tin tuyển dụng lao động lên Facebook, Zalo… để thu hút người lao động.

Mạo danh văn phòng công ty XKLĐ

Mạo danh một công ty có chức năng xuất khẩu lao động, ngang nhiên thuê địa điểm, treo biển mang tên công ty này để thực hiện hành vi lừa đảo lao động đi Nhật Bản. Đó là Nguyễn Huy Vững (31 tuổi, quê Tam Nông, Phú Thọ), đối tượng vừa bị Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) khởi tố bị can, tạm giam 4 tháng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Gặp lại Nguyễn Huy Vững tại cơ quan điều tra Công an quận Bắc Từ Liêm, những người lao động không còn nhận ra vị giám đốc trẻ ăn vận bóng bẩy, thay xe ô tô liên tục hôm nào. Sau mấy tháng lẩn trốn, giám đốc lừa gương mặt hốc hác, ngồi rúm ró, khác hẳn vẻ tự tin, hoành tráng, ăn to nói lớn khi gặp người lao động trước đây. Và cũng chỉ khi Vững bị bắt giữ, sự thật về vị giám đốc trẻ tuổi này mới bị bóc trần.

Theo khai nhận của Nguyễn Huy Vững, anh ta mới chỉ học hết lớp 12, sau đó làm lao động tự do. Ham chơi nên dù có 2 vợ và 2 con nhưng sau khi ly hôn, anh ta không nhận nuôi đứa con nào. Bản thân Vững có 1 tiền án về tội đánh bạc, năm 2014 TAND huyện Tam Nông xử 9 tháng cải tạo không giam giữ.

Không nghề nghiệp, Vững ra Hà Nội, làm nghề môi giới lao động. Do có thời gian làm nhân viên tuyển dụng lao động cho một số công ty, thấy nhiều người lao động ngoại tỉnh thiếu hiểu biết về thị trường xuất khẩu lao động, Vững đã lên kế hoạch lừa đảo.

Đối tượng tại cơ quan điều tra.
Đối tượng tại cơ quan điều tra.

Tháng 7/2016, phát hiện Công ty XNK tổng hợp và chuyển giao công nghệ Vinagimex là một đơn vị được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp phép đưa người đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài thuê văn phòng tại ngách 182/117 ngõ 172/69 đường Phú Diễn trả lại địa điểm thuê để chuyển đi nơi khác, Nguyễn Huy Vững đã chớp lấy cơ hội, thỏa thuận với chủ nhà thuê lại địa điểm trên với giá 10 triệu đồng/tháng.

Để đánh lừa người lao động, Vững đặt làm biển hiệu công ty theo mẫu biển hiệu của Văn phòng tư vấn xuất khẩu lao động Bảo Ngọc thuộc Công ty Vinagimex. Anh ta tuyển gần chục nhân viên, cấp tập may đồng phục, làm thẻ nhân viên, in tên, chức danh và logo Công ty Vinagimex.

Tiếp đó, Vững chỉ đạo nhân viên đăng tin tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản trên Internet, các mạng xã hội Zalo, Facebook, đồng thời tổ chức đội ngũ cộng tác viên tìm nguồn lao động dẫn đến công ty, trả tiền môi giới khá xông xênh, từ 500 USD đến 1.000 USD/1 lao động.

Thông qua môi giới, Vững quảng cáo rằng công ty của anh ta tuyển lao động đi Nhật không cần thi tuyển và nhận cả những trường hợp đã từng lao động phổ thông ở Nhật Bản về Việt Nam, nay có nhu cầu đi tiếp. Do đó, khi nhận được những thông tin do Vững quảng cáo trên mạng và qua môi giới, rất nhiều người lao động ngoại tỉnh vui mừng tìm đến công ty của Nguyễn Huy Vững.

Tại văn phòng, Vững còn chuẩn bị sẵn một bộ hồ sơ pháp lý photo của Công ty Vinagimex, hướng dẫn nhân viên tư vấn và cộng tác viên nếu có lao động muốn tìm hiểu về năng lực của công ty thì đưa bộ hồ sơ này ra để người lao động tin tưởng rằng công ty có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động.

Sau một thời gian ngắn, với chiến dịch quảng cáo cấp tập trên, đã có rất nhiều người lao động ở các tỉnh phía Bắc tìm đến văn phòng của Nguyễn Huy Vững. Giám đốc lừa thông báo sẽ thu tiền phí XKLĐ từ 6.000 đến 7.000 USD/người, tùy theo công việc, trong đó công ty thu trước 60-70%, số tiền còn lại sẽ thu nốt trước khi lao động xuất cảnh.

Để người lao động hoàn toàn tin tưởng vào kế hoạch xuất khẩu lao động mà công ty đưa ra là thật, tháng 10/2016, Nguyễn Huy Vững tổ chức lớp học tiếng Nhật tại tầng 4, 5 của địa điểm thuê, mời giáo viên tiếng Nhật về dạy cho lao động. Vững yêu cầu người lao động phải đóng 700 USD/khóa học.

Tinh vi hơn, đối với học viên lớp học tiếng, Vững phát cho họ chăn màn, đồng phục có in tên Công ty Vinagimex – văn phòng tư vấn Bảo Ngọc khiến người lao động cảm thấy rất yên tâm trước sự chuyên nghiệp này. Với những học viên đã học xong khóa học hoặc đã biết tiếng, Vững thuê giáo viên về kiểm tra trình độ tiếng Nhật.

Việc kiểm tra này cũng chỉ là hình thức để người lao động tin rằng họ đang được đào tạo bài bản nên dù trình độ học tiếng của người lao động chưa tốt, Vững đều thông báo họ đã đạt và về nhà chờ, khi nào thông báo có hợp đồng với phía công ty bên Nhật Bản thì tới ký hợp đồng và nhận lịch bay.

Vững còn lập sẵn hợp đồng, trong đó có các điều khoản thỏa thuận giữa người lao động với Công ty Vinagimex, chỉ đạo nhân viên khi tới thời hạn ký hợp đồng thì gọi người lao động lên, cho họ đọc và ký vào 2 bản nhưng không giao lại cho họ với lý do “giám đốc đi vắng chưa ký được”.

Sau khi ký hợp đồng, người lao động phải nộp 70% tổng số tiền lệ phí xuất cảnh, tùy theo “đơn hàng”, công việc của lao động. Nộp tiền xong, kế toán sẽ thu lại tờ phiếu thu tiền đặt cọc và người lao động được nhận lại giấy giao tiền có ký nhận và điểm chỉ của Nguyễn Huy Vững.

Tuy nhiên, thấy việc giao nhận tiền này có sự bất thường ở chỗ không có con dấu pháp nhân của công ty, người lao động đã thắc mắc. Vững liền đối phó bằng cách tháng 11/2016, anh ta làm thủ tục thành lập Công ty TNHH xây dựng và vận tải Huy Phát do Vững đứng tên giám đốc.

Trong đăng ký kinh doanh, Công ty Huy Phát hoạt động về lĩnh vực vận tải nhưng thực tế không có hoạt động kinh doanh gì, mục đích của Vững là thành lập doanh nghiệp chỉ để có con dấu hợp pháp phục vụ việc lừa đảo xuất khẩu lao động. Vững cho thay biển hiệu bên ngoài, tháo bỏ biển Văn phòng tư vấn XKLĐ Bảo Ngọc – Công ty XNK tổng hợp và chuyển giao công nghệ Vinagimex thành Công ty TNHH xây dựng và vận tải Huy Phát và chỉ đạo nhân viên gọi những lao động đã nộp tiền đến đổi giấy giao tiền có chữ ký, điểm chỉ của Vững trước đó thành bản cam kết có chữ ký của Vững và con dấu của công ty Huy Phát, thông báo lịch bay.

Tuy nhiên đến hẹn, không một người lao động nào được xuất cảnh đi lao động Nhật Bản như cam kết. Nguyễn Huy Vững tránh mặt, chỉ đạo nhân viên trả lời “chờ giám đốc giải quyết” nhằm kéo dài thời gian. Đến đầu tháng 4/2017, nhiều lao động bị “chờ bay” quá lâu, đòi lại tiền cũng không được trong khi Nguyễn Huy Vững tìm đủ lý do để trốn tránh nên họ đã làm đơn tố cáo tới Cơ quan công an.

Theo Thiếu tá Đoàn Văn Đông, Đội trưởng Đội CSKT Công an quận Bắc Từ Liêm, xác minh tại Công ty XNK tổng hợp và chuyển giao công nghệ Vinagimex, có trụ sở tại ngõ 149 phố Giảng Võ, đơn vị này cho biết không liên doanh, liên kết với Công ty Huy Phát do Nguyễn Huy Vững làm giám đốc và không có nhân viên, cộng tác viên nào như vậy.

Thấy dấu hiệu Cơ quan công an vào cuộc điều tra nên cuối tháng 4/2017, Nguyễn Huy Vững bỏ trốn, tắt máy điện thoại. Sau một thời gian dày công lần theo tung tích của Vững, cuối tháng 7/2017, Công an quận Bắc Từ Liêm đã phát hiện và bắt giữ Nguyễn Huy Vững khi đang lẩn trốn tại thành phố Vinh, Nghệ An.

Qua điều tra, Cơ quan công an làm rõ trong thời gian từ tháng 7/2016 đến tháng 4/2017, Nguyễn Huy Vững đã tiến hành thu hồ sơ và tiền của khoảng 200 lao động từ các tỉnh thành trên toàn quốc với tổng số tiền khoảng gần 10 tỷ đồng. Sau khi bị người lao động đòi tiền, Vững đã trả lại một số người, hiện còn nợ trên 5 tỷ đồng không có khả năng chi trả.

Đối tượng tại cơ quan điều tra.
Đối tượng tại cơ quan điều tra.

Số tiền thu được của người lao động, theo khai nhận của Nguyễn Huy Vững, được anh ta sử dụng để chi trả hoạt động của “công ty lừa”. Trung bình hằng tháng, riêng tiền thuê địa điểm, trả lương cho nhân viên và hoạt động của công ty cũng lên tới gần 100 triệu đồng. Ngay khi thu được tiền của người lao động, Vững cho sắm sửa nội thất của công ty, mua 3 chiếc ô tô làm phương tiện đi lại.

Thấy giám đốc trẻ thay ô tô liên tục, trụ sở công ty thì hoành tráng, nhân viên mặc đồng phục lịch sự, những người lao động từ quê ra tin là công ty của Nguyễn Huy Vững làm ăn đàng hoàng nên đã tin tưởng nộp tiền. Họ đâu biết rằng sau khi thu được tiền, Vững chất đống hồ sơ một chỗ, dùng tiền của người lao động chi tiêu cá nhân, tô vẽ sự hào nhoáng của bản thân và văn phòng.

Cho đến thời điểm bị bắt giữ, trong tay giám đốc lừa chỉ còn lại 179 triệu đồng, 1 ô tô nhãn hiệu HAIMA đặt mua trả góp. Khám xét địa điểm văn phòng mà Vững thuê, thu giữ 1 biển hiệu Công ty XNK tổng hợp và chuyển giao công nghệ Vinagimex, thẻ nhân viên, card visit đề Công ty Vinagimex, bản photo hồ sơ pháp lý Công ty Vinagimex… là tang vật mà Vững đã tạo dựng để lừa đảo người lao động.

Những nguy cơ khiến lao động bị lừa

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đã khởi tố bị can đối với Vũ Huyền Vi (27 tuổi, ĐKHK tại Tây Ninh) về hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động Nhật Bản. Sau khi học hết lớp 12, năm 2010, Vi đi xuất khẩu lao động tại Nhật, đến tháng 1/2012 về nước. Do có vốn tiếng Nhật và kinh nghiệm nên Vi xin vào làm việc tại các trung tâm dạy ngoại ngữ cho người lao động.

Nhận thấy nhu cầu có nhiều người lao động muốn đi Nhật Bản làm việc, Vũ Huyền Vi đã lập kế hoạch lừa đảo. Vi sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, lập tài khoản có tên “VyJP Vũ”, tự giới thiệu là giám đốc chi nhánh Công ty ICA group trụ sở tại TP Hồ Chí Minh có chức năng về xuất khẩu lao động kiêm giám đốc công ty đào tạo ngoại ngữ và cung ứng nhân lực SAKURA – TOKYO có trụ sở ở phố Bùi Huy Bích, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Thực tế thì Vi không làm việc tại ICA, còn Công ty SAKURA-TOKYO chỉ là cái tên do Vi bịa ra. Tuy nhiên do sức hấp dẫn của thị trường lao động Nhật Bản nên rất nhiều lao động đã tin những lời quảng cáo, ra Hà Nội gặp Vi để nộp tiền đi xuất khẩu lao động. Qua tiếp xúc, thấy Vi thông thạo tiếng Nhật, hiểu biết về việc làm tại Nhật nên người lao động càng tin tưởng. Vũ Huyền Vi tự in phiếu thu mang tên Công ty SAKURA – TOKYO để thu tiền của người lao động với số tiền từ 8.000 đến 13.000 USD/người.

Sau khi nộp tiền, người lao động được Vi thuê nhà ở, hằng ngày học ngoại ngữ tại trung tâm mà Vi làm việc nên không nghi ngờ gì. Nhưng đến thời điểm “bay”, Vũ Huyền Vi cắt liên lạc, bỏ trốn mang theo số tiền trên 100.000 USD và hơn 800 triệu đồng đã thu của người lao động.

Sau 2 năm lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh, tháng 5/2017, Vũ Huyền Vi bị Cơ quan CSĐT Công an quận Hoàng Mai bắt giữ.

Theo cơ quan điều tra, trong những năm gần đây, Nhật Bản nổi lên là thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam hấp dẫn nhất. Bên cạnh số lượng thực tập sinh được đưa sang Nhật Bản làm việc gia tăng hằng năm thì lao động điều dưỡng, hộ lý với mức lương cao cũng là ngành nghề hấp dẫn, thu hút người lao động.

Có thời điểm khi tỷ giá đồng yên cao, có người lao động được trả lương lên tới 40-50 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ các khoản chi phí, sinh hoạt thì có lao động tiết kiệm gửi về gia đình được 20-30 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền không hề nhỏ so với mức thu nhập tại Việt Nam. Chính vì vậy, người lao động đổ xô tìm cơ hội để đi làm việc tại Nhật Bản.

Bằng tất cả những mối quan hệ, quen biết, họ xem xét tại địa phương nơi sinh sống xem có ai đã từng đi làm việc tại Nhật Bản để dò hỏi thông tin. Do thiếu hiểu biết, thông tin lại hạn chế nên người lao động không thể đánh giá chính xác dịch vụ đưa người sang Nhật Bản lao động mà chỉ cần thấy có “cò” lao động nào đã môi giới thành công, đưa được người lao động đi Nhật là họ đặt niềm tin. Chính vì việc nghe theo thông tin truyền miệng từ người này sang người kia giới thiệu, bị hấp dẫn bởi mức lương cao mà các đối tượng môi giới dẫn dắt đưa ra, nhiều người lao động đã mắc bẫy lừa.

Mặt khác, thực tế Nhật Bản là thị trường tiếp nhận lao động khá khó tính và chọn lọc nên các đối tượng lừa thường đưa ra thông tin tuyển lao động không qua thi tuyển khiến lao động đổ xô vào nộp tiền bởi sự “dễ dãi” do các đối tượng bịa đặt ra.

Đi làm việc tại nước ngoài để “đổi đời” là nguyện vọng chính đáng của người lao động khi việc làm trong nước khó khăn và không thể có mức thu nhập cao. Xuất khẩu lao động cũng là hướng đi góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Tuy nhiên từ những vụ lừa đảo xuất khẩu lao động đã xảy ra, người lao động cần tỉnh táo, xem xét kỹ cá nhân và công ty nhận đưa đi làm việc tại nước ngoài trước khi nộp tiền, để không rơi vào cảnh “tiền mất, tật mang”.

Tags:
Người Việt 'tập việc' ê chề ở Nhật Bản

Người Việt 'tập việc' ê chề ở Nhật Bản

Tờ New York Times ghi nhận người Việt 'tập việc' ê chề ở Nhật Bản, phải sống cảnh khổ sở khi xuất khẩu lao động qua Nhật. Họ bị gọi là ‘người tập việc’, làm những việc lương thấp mà các công dân Nhật không ai muốn làm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất