Lý do người Nhật Bản ngồi đâu cũng ngủ được
Người Nhật có thể an tâm ngủ chốn đông người do tin tưởng vào an ninh công cộng.
16:00 09/08/2019
Lara Neuman, đến từ Guam (Mỹ), từng ghé thăm nhiều quốc gia khác nhau nhưng chưa nơi nào cô thấy nhiều người ngủ gật ngoài đường như tại Nhật Bản. Cô không nhắc tới những người vô gia cư vạ vật góc phố nào đó. Phần lớn những người tranh thủ chợp mắt trên đường là dân công sở, học sinh hay nữ nhân viên văn phòng.
"Bạn sẽ tìm thấy họ ở bất kỳ đâu - quán cà phê, tiệm bách hóa, băng ghế trong công viên hay ngay cả trong trường học, văn phòng. Nếu đi tàu, đặc biệt trong giờ cao điểm, chắc chắn bạn sẽ thấy nhiều người ngủ gật", Lara viết.
Nhân viên văn phòng ngủ gục trên tàu điện. Ảnh: Tokyo Form/Flickr.
Thực tế người Nhật có một từ riêng để chỉ thói quen này - inemuri, với nghĩa "ngủ khi làm việc", hay định nghĩa chính xác hơn là "có mặt trong khi ngủ".
Dù thói quen chợp mắt chốn đông người tồn tại từ thuở sơ khai của nền văn minh, inemuri chỉ trở thành một ý niệm cụ thể tại Nhật Bản từ thời kỳ bùng nổ kinh tế hậu chiến tranh.
Vào những năm 1953 - 1973, Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc lớn mạnh trên thế giới. Cuộc sống dư giả hơn, người dân đều có việc làm và ví tiền rủng rỉnh để ăn tiêu. Trái lại, công việc khiến họ trở nên bận rộn. Người Nhật tự hào là công dân của một quốc gia chăm chỉ tới mức không bao giờ ngủ.
Thói quen inemuri của dân công sở Nhật Bản. Ảnh: Hiroo Yamagata/Flickr.
Ngủ gục trên tàu điện hay ghế văn phòng là dấu hiệu của một nhân viên mẫn cán, thậm chí những vị sếp Nhật có thể khuyến khích cấp dưới duy trì thói quen này. Ngủ gật trong lớp (dù không được chấp nhận rộng rãi) vẫn cho thấy một học sinh thức khuya dậy sớm để ôn bài. Nếu không vượt quá giới hạn, choán hết lối đi hay gây ảnh hưởng tới người khác, bạn hoàn toàn có thể chợp mắt nơi công cộng.
Nhưng tại sao inemuri lại được chấp nhận rộng rãi tại Nhật Bản hơn những quốc gia khác? Rất nhiều yếu tố tạo nên môi trường lý tưởng để inemuri tồn tại. Một trong số đó chính là tính siêng năng của người Nhật. Khác với châu Âu hay Mỹ, tăng ca là một phần trong văn hóa chốn công sở của người Nhật, bởi phần lớn dân văn phòng sẵn sàng làm việc 10 tiếng hoặc nhiều hơn mỗi ngày. Do đó, một giấc ngủ ngắn trên chuyến tàu về nhà là điều dễ hiểu.
Bên cạnh đó, inemuri dường như hiện diện nhiều hơn vào sáng tinh mơ tại những phố ăn chơi về đêm như Shinjuku và Shibuya (Tokyo). Người Nhật phần lớn dùng phương tiện công cộng. Sau một đêm uống say mềm, những người đàn ông loạng choạng tìm tới ghế công cộng, thậm chí nằm trên sàn ngủ khi đợi chuyến tàu đầu tiên của ngày mới.
Theo BBC, inemuri không thể hiện rằng người Nhật lười biếng. Thay vào đó, thói quen này giúp người dân đảm bảo hoàn thành công việc, nhờ những quãng ngắn tạm lánh xa khỏi những nhiệm vụ còn dang dở. Vì vậy, người Nhật không ngủ, không chợp mắt, họ chỉ inemuri.
Một người đàn ông đứng ngủ tại ga tàu điện ngầm Tokyo. Ảnh: Magnus Wennman.
Trong khi đó, blogger Mỹ Lara Neuman lại cho rằng người Nhật có thể ngủ tại chốn công cộng do an ninh an toàn, không phải lo về bị trộm cắp hay tấn công. "Hiếm lúc nào tôi cảm thấy sợ hãi, đặc biệt tại những nơi công cộng. Tại đất nước này, người dân có thể để túi hay tư trang quên trên ghế mà không ai động tới", cô chia sẻ.
Eripi, một blogger đến từ xứ sở hoa anh đào, khá ngạc nhiên khi thấy người nước ngoài thường quay lại cảnh người Nhật ngủ gật nơi công cộng. Chính cô cũng có thói quen inemuri, ngay cả khi chuyển sang châu Âu. Trong lần đi tàu tại Geneve (Thụy Sĩ), Eripi đang lơ mơ ngủ thì một người lạ nhìn chằm chằm và gọi "Cô ơi, hãy trông chừng đồ đạc của mình!".
Lý giải về inemuri, Eripi cho rằng tàu rung lắc khi di chuyển khiến cô cảm thấy rất buồn ngủ và người Nhật có thể an tâm ngủ chốn đông người do tin tưởng an ninh công cộng.
Ngoài ngủ nơi công cộng, người Nhật cũng có thể tránh những tình huống khó xử trong giao tiếp nhờ giả vờ ngủ. Người Nhật gọi hành động này là tanuki neiri, phỏng theo hành động giả chết của con lửng chó. Khi súng nổ, loài vật này có khả năng giả chết và rơi khỏi cây, nhưng nó sẽ bỏ chạy khi thợ săn tới gần.
Những quy tắc cần nhớ nếu bạn muốn thử inemuri tại Nhật
- Không tựa đầu hay ngả vào người bên cạnh
- Gục đầu xuống bàn, dùng cặp hoặc túi xách làm gối
- Giữ trật tự nơi công cộng: Không ngáy, đặt chuông báo thức và đeo tai nghe. Nếu không đặt báo thức, bạn có thể mở bản đồ chỉ đường và đánh dấu điểm cần đến. Khi tới gần ga xuống, ứng dụng sẽ rung lên báo hiệu bạn đã tới nơi.
Nguồn: vnexpress.net
10 câu chào “Hẹn gặp lại” trong tiếng Nhật!
Bạn có muốn một lời chào thuận miệng trong tiếng Nhật không nào? Chắc hẳn nhiều bạn đã biết đến câu chào “Sayonara” rồi nhỉ? Còn đó trong Tiếng Nhật rất nhiều cách để nói “Hẹn gặp lại.”