Lý do nhiều người Việt sang Nhật Bản có kết quả test nhanh Covid-19 sai?

Giới chức y tế nhận xét cách test nhanh qua nước bọt ở sân bay có độ nhạy cao nhưng độ đặc hiệu không cao bằng, dẫn đến tỷ lệ dương tính cao.

20:00 09/10/2020

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 10 công dân từ Việt Nam sang Nhật Bản có kết quả test nhanh tại sân bay dương tính SARS-CoV-2. Tuy nhiên, sau đó 9/10 trường hợp đã có kết quả xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp PCR âm tính.

Bên cạnh đó, theo quy định của phía Nhật Bản, các công dân khi nhập cảnh vào nước này phải có Giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, tất cả các trường hợp tiếp xúc gần với những công dân dương tính SARS-CoV-2 khi test nhanh tại sân bay Nhật Bản, cũng đã cho kết quả âm tính. Kể cả 9 F1 của trường hợp gần đây nhất là nam thanh niên N.V.D ở Quốc Oai sang Nhật ngày 30/9 (hiện người này vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm PCR của Nhật Bản).

Ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho biết: “Chúng tôi đang có báo cáo phản hồi về test nhanh SARS-CoV-2 của phía Nhật Bản. Mặc dù độ sàng lọc của nó rất tốt, nhưng đến nay có 10 trường hợp thì đã sai 9 trường hợp, còn 1 người đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định”.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhận định, loại xét nghiệm nhanh của Nhật Bản có thể chỉ tìm thấy một đoạn protein của virus SARS-CoV-2. Nếu như vậy, độ đặc hiệu sẽ không quá cao bởi vì có thể loại virus khác cũng sở hữu protein này, dẫn đến kết quả dương tính giả.

“Tiêu chuẩn khẳng định âm/dương tính SARS-CoV-2 vẫn là RT-PCR đó là quy định không chỉ của Việt Nam, mà còn cả trên thế giới. PCR là tiêu chuẩn vàng trong xét nghiệm SARS-CoV-2. Còn tất cả các xét nghiệm nhanh đều có giá trị thấp hơn. Có thể độ nhạy cao hơn nhưng độ đặc hiệu lại không bằng”, PGS Nhung nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng thông tin thêm rằng, đối với xét nghiệm sàng lọc thì càng nhạy sẽ càng tốt, bởi vì độ nhạy thấp sẽ dễ dẫn đến hiện tượng âm tính giả (trong người có mang virus SARS-CoV-2 nhưng kết quả xét nghiệm âm tính). Việc để lọt ca bệnh như vậy sẽ rất nguy hiểm cho cộng đồng.

Xét nghiệm sàng lọc độ đặc hiệu không cao có thể dẫn đến hiện tượng dương tính giả (xét nghiệm dương tính nhưng thực sự không mang mầm bệnh) có thể gây hoang mang, khiến một số người bị ảnh hưởng vì bị cách ly nhầm nhưng đó chỉ là số nhỏ, tác hại vẫn ít hơn.

PGS Nhung cũng lưu ý rằng, xét nghiệm khẳng định như RT-PCR vẫn có thể có sai số, dù rất thấp. Nguyên nhân đầu tiên được Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đề cập đến là sai sót trong kỹ thuật.

Theo đó, sai sót này có thể xảy ra trong bất kỳ khâu nào của quá trình xét nghiệm, từ lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản, tách chiết, trộn cho đến phân tích mẫu.

“Tôi muốn nhấn mạnh đến khâu lấy mẫu bệnh phẩm. Nếu thao tác lấy mẫu không tốt thì kỹ thuật xét nghiệm hiện đại bao nhiêu cũng không thể cho ra kết quả chuẩn xác”, PGS Nhung khẳng định.

Trong trường hợp các kỹ thuật xét nghiệm đều được thực hiện chuẩn, tất cả các lần cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 đều là âm tính thật, theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung rất có thể nguyên nhân đến từ tải lượng virus trong mẫu bệnh phẩm chưa đạt đến giới hạn phát hiện của phương pháp.

Theo Dân trí

Tags:
Cách tìm các lớp dạy tiếng Nhật miễn phí ở Nhật cho TTS, du học sinh

Cách tìm các lớp dạy tiếng Nhật miễn phí ở Nhật cho TTS, du học sinh

Việc tìm các lớp dạy tiếng Nhật miễn phí tại Nhật là việc cực kì cần thiết giúp bạn có thể tiết kiệm chi phí khi học tiếng. Dưới đây là cách giúp bạn tìm các lớp dạy tiếng Nhật tình nguyện tại Nhật Bản.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất