Muốn sang Nhật kiếm tiền cần cân nhắc
Cách đây không lâu tôi có đọc một bài báo mạng viết về “ Nên đi du học hay đi xuất khẩu lao động Nhật Bản”. Bài báo đặt ra một câu hỏi mà vài năm gần đây có lẽ nhiều bạn trẻ muốn sang Nhật kiếm tiền đều cân nhắc.
16:30 25/02/2018
Tuy nhiên việc tồn tại sự cân nhắc này cũng thể hiện một thực trang xã hội không mấy tốt đẹp , mà ở bài viết này tôi muốn phản ánh ít nhiều, cũng như gửi thông điệp đến những bạn trẻ muốn sang Nhật lập nghiệp.
1. Không nên nhầm lẫn giữa việc đi du học và việc xuất khẩu lao động Nhật Bản.
Có khá nhiều bạn liên hệ với tôi, hỏi xem mình nên sang Nhật theo diện du học hay diện tu nghiệp sinh? Nếu du học là đi học tập thuần tuý thì câu hỏi này rất lạ. Bởi đi học là việc bỏ tiền đầu tư cho bản thân mình để học, còn đi xuất khẩu lao động Nhật Bản là đi làm việc. Hai lựa chọn này ít liên quan đến nhau. Tuy nhiên, thực tế vài năm gần đây nói lên một điều khác.
Khoảng 5 năm gần đây, khi chính phủ Nhật thắt chặt quan hệ với Viêt Nam, đồng thời tích cực hơn trong việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam để bù đắp lượng lao động thiếu hụt trong nước thi một dịch vụ “ xuất khẩu lao động mới- hay du học kiểu mới” xuất hiện ở Việt Nam. Trước đây, đi xuất khẩu lao động là hình thức sang lao động nước ngoài ở một công ty cùng hoặc gần ngành nghề công ty người lao động đó ở Việt Nam, nhằm để cho người lao động đó học hỏi, tu nghiệp tại nước ngoài trong khoảng 3 năm. Xuất khẩu lao động theo hình thức tu nghiệp này đòi hỏi nhiều thủ tục xét duyệt và người tu nghiệp sinh chỉ được ở Nhật trong khoảng 3 năm rồi bắt buộc phải về nước.
Tuy nhiên, dịch vụ “ xuất khẩu lao động mới” đang được nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay là: Sang Nhật dưới dạng du học sinh (xin visa du học, có đăng kí lớp tại một trường tiếng Nhật để có visa) nhưng thực tế khi sang Nhật rồi du học sinh này sẽ không đi học mà chủ yêu là đi làm kiếm tiền. Vì thế cũng có thu nhập như đi lao động và có khi còn có thu nhập nhiều hơn tu nghiệp sinh. Vì thế, nhiều người muốn sang Nhật kiếm tiền, mới có sự phân vân như ở trên.
Số liệu thực tế cho thấy số lương du học sinh Việt Nam theo thống kê của IFSA ở Nhật năm 2013 là khoang 15 nghìn người, gấp 4 lần năm 2012 , và gấp 18 lần tổng số du học sinh năm 2009. Nếu đi du học thuần tuý thì lượng sinh viên không thể tăng một cach chóng mặt – đến 18 lần- như vậy trong vòng 4 năm từ 2009-2013. Hiện nay ước tính ở Nhật có ít nhất khoảng 6 nghìn du học sinh sang Nhật chỉ với mục đích lao động như ở trên.
2. Cuộc sống của những du học sinh sang Nhật lao động
Luật pháp Nhật chỉ cho phép người có visa du học được lao động tối đa 28 tiếng 1 tuần. Tuy nhiên, những du học sinh sang Nhật lao động thường lao động quá thời gian pháp luật cho phép. Có khi làm thâu đêm, ngủ ngày ( ngủ trong lớp học tiếng Nhật, hoặc bỏ học để ngủ lấy sức) để dùng thời gian còn lại làm việc.
Nhiều bạn kể với tôi rằng các em làm việc 1 ngày gần 20 tiếng. Cũng kiếm được khá nhiều tiền nếu may mắn làm được việc liên tục. (Nếu tính 1 tiếng 800 yen thì 1 ngày người làm việc gần 20 tiếng sẽ có 16,000 yen, 1 tháng nếu công việc đều đều sẽ kiếm được hơn 60-70 triệu VND. Một thu nhập đáng kể từ việc làm thêm).
Nhưng cần lưu ý là điều kiện để có khoản thu nhâp trên là phải may mắn. Nếu may mắn kiếm được công việc làm thêm thâu đêm, suốt sáng, nếu may mắn trốn học được mà không bị trường tiếng Nhật quản chặt, và nếu tiếp tục may mắn không bị cảnh sát phát hiện làm quá giờ, và may mắn nữa là có sức khoẻ để chịu được vất vả thì khoản thu nhập hơn 60 triệu VND/ tháng là điều có thể. Nhưng, không phải ai cũng may mắn như thế. Rất nhiều bạn sang du học với mục đích đi làm liên hệ với tôi rằng em được hứa khi sang Nhật sẽ đựơc công ty tư vấn du học giới thiệu việc làm nhưng em không tìm được việc, hay công việc quá ít không đủ tiền trả học phí, hay công việc quá vất vả lại xa trường học…. Hơn nữa, dù có việc làm như may mắn ở trên, các em không có thời gian đi học, và vì thế , dù ở Nhật 2,3 năm vẫn không giao tiếp trôi chảy được bằng tiếng Nhật, vì bởi phải làm việc vất vả các em quá mệt để học tiếng Nhật ở trường tiếng mà mình đăng kí. Quan trọng hơn các em có thể bị đuổi học vì không đến lớp đầy đủ, hoặc không được gia hạn visa vì học quá lâu mà không lên được trình độ.
Hai năm trước, tôi chứng kiến nhiều vụ việc du học sinh Việt nam kiểu này bị bắt vì tội ăn cắp và cư trú bất hợp pháp tại Nhật, có em trả lời cảnh sát rất ngây thơ và thật thà về dự định trong tương lai của mình ở Nhật nếu cư trú bất hợp pháp trót lọt như sau: “Em làm visa du học 1 năm, sau đó lao động kiếm tiền, đủ tiền thì đón vợ sang. Vợ em sẽ sang Nhật kiểu đi du lịch, em đón vợ em ở sân bay rồi chúng em sống với nhau, lập nghiệp ở Nhật.” Sang Nhật hiện nay khá dễ dàng. Chính phủ Nhật còn cân nhắc bỏ thủ tuc xin visa cho người Việt Nam sang du lịch ngắn ngày. Cảnh sát Nhật tôi gặp nói với tôi, thực tế thì chính phủ Nhật không phải không biết chuyện du học sinh sang lao động tuy nhiên, chính phủ có ý nới lỏng việc này để bù đáp tình trang thiếu lao động nên cũng làm ngơ nhiều. Chỉ khi nào ai đó ăn trộm ăn cắp, làm hại người khác thì cảnh sát mới nghiêm khắc sờ đến.
Quả thật, nếu cư trú bất hợp pháp mà không ăn trộm, ăn cắp, hoặc lao động kiểu trồng thuốc phiện thì cũng không phải là quá xấu xa. Tuy nhiên, những người sang du học và cư trú bất hợp pháp này thường chỉ học hết cấp 2 cấp 3 ở Việt Nam nên trình độ nhận thức hạn chế, rất dễ bị cộng đồng đã và đang cư trú bất hợp pháp rủ rê làm việc xấu. Kết quả là cái nhìn về du học sinh Viêt Nam ( trong đó gồm cả những người du học thuần tuý) cũng trở nên xấu đi nhiều trong mắt người Nhật những năm gần đây. Thống kê của cảnh sát Nhật năm 2014 cho thấy, người Việt Nam đứng thứ hai trong số các vụ tội phạm do người nước ngoài gây ra ở Nhật, chỉ sau Trung Quốc. Phần lớn người Việt Nam phạm tội trong vài năm gần đây là du học sinh lao động và tu nghiệp sinh bỏ trốn khỏi nghiệp đoàn.
3. Đâu là con đường khôn ngoan, đúng đắn
Cá nhân tôi không nghĩ cứ phải du học thuần tuý- chỉ học thôi mới là đúng. Bởi thiết nghĩ, dù du học thuần tuý, học cao đẳng, đại học ở Nhật 4 năm rồi sau đó cũng là để đi làm, cũng đi lao động kiếm tiền ở Nhât. Kiếm tiền sau khi tốt nghiệp hay kiếm tiền trong khi còn mang danh đi học thì mục đích cũng không quá khác nhau. Sự khác nhau ở đây là cách thức thực hiện mục đích kiếm tiền mà thôi. Vì thế hình thức du học lao động nếu đã tồn tại thì cũng khó thay đổi được, tôi chỉ mong muốn thay đổi ít nhiều được suy nghĩ của mỗi chúng ta về việc du học lao động này.
Đối với các bạn đã sang Nhật theo hình thức du học rồi thì dù rất muốn kiếm tiền, tôi nghĩ, các bạn nên suy nghĩ lại về cơ hôi của cuộc đời mình. Sang Nhật là một cơ hội học tập lớn. Kiếm tiền cũng quan trọng nhưng việc trau dồi tiếng Nhật, quyết tâm đạt được một trình độ nhất định để sau này có thể về nước dùng vốn tiếng Nhật đó làm những công việc tốt hơn là cơ hội lớn để đầu tư cho bản thân. Dù có làm việc quá giờ đôi chút, nhưng cũng nên có mức độ vừa phải để quan tâm đến học tâp. Và đặc biệt không phạm pháp kiểu ăn cắp, ăn trộm.
Đối với các bạn đang phân vân như bài báo nọ nói: đi du học lao động kiểu mới nay hay đi xuất khẩu lao động, thì tôi rất hi vọng, bài viết này cung cấp cho các bạn một cái nhìn khách quan hơn về lựa chọn của mình. Du học nên chỉ là du học- như cái nghĩa vốn có của nó- và như pháp luật cho phép. Nếu đã tính đi sang Nhật theo visa du học thì việc chính vẫn nên là học. Bởi nếu không, bạn sẽ luôn bị rủi ro pháp lí đeo đẳng, sẽ có thể đánh mất cơ hội phát triển và làm việc tốt hơn trong tương lai. Du học lao động không phải là phương pháp tối ưu để kiếm tiền như nhiều công ty tư vấn du học quảng bá.
Hãy luôn tỉnh táo, để biết mình sẽ làm gì, sẽ phải đánh đổi cái gì. Hãy thực hiện ước mơ của mình bằng cách khôn ngoan và an toàn nhất nhé. Nhớ đừng sang Nhật theo trào lưu.
Phi Hoa
Theo: http://glodeco.com.vn
【Chia sẻ】Khi vừa đặt chân sang Nhật bạn cần làm những gì?
1/ Giấy tờ tuỳ thân: Hộ chiếu ( パスポート、Thẻ Ngoại Kiều (在留カード), Thẻ Học Sinh là những thứ đầu tiên phải giữ gìn cẩn thận, không đưa cho bất kì ai ngoài thầy cô giáo ở trường. Hãy nhớ là nếu đưa cho ai đó mượn, người đó sử dụng thông tin đó làm chuyện xấu thì bạn sẽ bị ảnh hưởng đấy! Nếu làm rơi hoặc mất phải báo ngay cho trường (nếu chưa giỏi tiếng) hoặc báo ngay cho cảnh sát nơi gần nhất ( nếu rành tiếng).