Mỹ, Nhật hành động “lạ”, bóng ma thế chiến 3 bao trùm Triều Tiên?
Tổng thống Mỹ đe dọa hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên. Thủ tướng Nhật tuyên bố thời gian cho đối thoại với Triều Tiên đã hết. Cùng với đó, Nhật lặng lẽ triển khai vũ khí mạnh nhất theo đường bay của tên lửa Triều Tiên… Tất cả những diễn biến này đã làm dấy lên quan ngại về viễn cảnh bùng nổ một cuộc xung đột quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Từ “mồi lửa” này, kịch bản thế chiến III nổ ra là điều khó tránh khỏi.
23:25 22/09/2017
Hệ thống PAC-3
Lãnh đạo Mỹ, Nhật nhăm nhe “động thủ” với Triều Tiên?
Lần đầu tiên đăng đàn tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump tất nhiên sẽ không thể bỏ qua vấn đề Triều Tiên, khi mà cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đang là vấn đề gây đau đầu nhất cũng là thách thức lớn nhất trên mặt trận đối ngoại của ông này trong thời gian hiện nay. Tổng thống Mỹ đã không ngần ngại đe dọa sẽ hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên nếu thấy cần. Nếu buộc phải bảo vệ đất nước và các đồng minh, Mỹ “sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên”, ông Trump đã tuyên bố như vậy.
Sau Tổng thống Trump, đến lượt Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tung ra những phát biểu cực kỳ cứng rắn về Triều Tiên, khiến không ít người nghĩ rằng Washington và Tokyo có thể sắp có hành động quyết liệt nhằm vào quốc gia Đông Bắc Á.
Thủ tướng Nhật Bản Abe đã nói rõ ràng rằng, đối thoại không có tác dụng với chính quyền của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un mà chỉ có con đường tăng cường thực thi các biện pháp trừng phạt.
“Đây không phải là lúc để đối thoại. Giờ là thời điểm để tăng cường áp lực”, ông Abe đã nhấn mạnh như vậy khi có bài phát biểu trước một nhóm nhà đầu tư tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York ngay trước thềm cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản còn nói thêm rằng, “chúng ta không thể chỉ hài lòng với việc Liên Hợp Quốc thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Triều Tiên. Điều quan trọng có tính sống còn chính là việc thực thi các biện pháp trừng phạt mà không có kẽ hở. Điều này chỉ có thể được thực hiện với sự hợp tác chặt chẽ của Nga và Trung Quốc”.
Phát biểu của ông Abe cho thấy, giới chức ở Tokyo cũng như giới chức ở Washington thiếu niềm tin vào việc Nga và Trung Quốc sẽ mạnh tay trừng phạt Triều Tiên, và vì thế biện pháp này sẽ khó mà đạt hiệu quả trong việc gây áp lực để buộc Bình Nhưỡng lùi bước trong vấn đề tên lửa, hạt nhân.
Nhật lặng lẽ triển khai vũ khí mạnh nhất theo đường bay của tên lửa Triều Tiên
Không chỉ tung ra những cảnh báo và đe dọa đáng sợ, Nhật Bản còn gây giật mình khi lặng lẽ triển khai một khẩu đội tên lửa phòng không cực mạnh theo đường bay của tên lửa Triều Tiên.
Theo các nguồn tin, Nhật Bản mới đây đã đưa một đơn vị tên lửa đánh chặn Patriot Advanced Capability-3 (PAC-3) đến triển khai ở Căn cứ Hakodate trên hòn đảo phía bắc Hokkaido. Đây là khu vực nằm gần các đường bay của những tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên phóng đi trong thời gian gần đây.
Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera miêu tả động thái trên là một biện pháp đề phòng nhằm sẵn sàng đối phó với mối đe dọa đang ngày càng tăng lên từ phía Bình Nhưỡng.
Hệ thống PAC-3 được thiết kế để bắn hạ các tên lửa đạn đạo trước khi chúng có thể tấn công vào những mục tiêu dưới mặt đất.
Nhật Bản là một trong những nước lo ngại nhất về chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên bởi toàn bộ lãnh thổ Nhật Bản nằm trọn trong tầm bắn của các tên lửa Triều Tiên. Hơn nữa, Bình Nhưỡng mới đây đã không ngần ngại phóng tên lửa bay qua không phận của Nhật Bản. Tuần trước, Triều Tiên còn đe dọa dùng vũ khí hạt nhân “đánh chìm” Nhật Bản. Vì vậy, không có gì là lạ khi Nhật Bản đã đặt nước này vào tình trạng báo động cao sau khi Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ thử tên lửa và hạt nhân trong thời gian qua. Bình Nhưỡng được cho là còn vừa thử thành công một quả bom H – loại vũ khí mạnh nhất từ trước đến nay. Quả bom H này ước tính lớn gấp hơn 10 lần so với những quả bom nguyên tử rơi xuống Nhật Bản năm 1945.
Từng chịu nỗi đau khôn cùng gây ra từ một cuộc tấn công bằng bom nguyên tử, hơn ai hết, Nhật Bản rõ ràng thực sự lo ngại trước những diễn biến dồn dập đầy lo ngại trong cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ngoài việc dựa vào đồng minh Mỹ, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe bắt đầu tìm mọi cách để tăng cường năng lực phòng thủ, tự bảo vệ cho chính họ trước một Triều Tiên đang phát triển mạnh mẽ về vũ khí tên lửa, hạt nhân và hành xử một cách khó đoán định.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Theo VnMedia