Nên làm gì khi bị trượt visa lao động Nhật?
Khi xin việc tại Nhật, có 1 việc rất quan trọng sau khi đỗ vào công ty đó là làm thủ tục xin visa. Không có gì đảm bảo 100% là bạn sẽ đỗ visa dù bạn thuê luật sư, tự làm hay công ty hỗ trợ thủ tục hồ sơ.
23:30 28/09/2017
Và thực tế là có không ít trường hợp trượt visa rất đáng tiếc. Nhiều bạn cũng lo lắng khi trượt visa như vậy thì sẽ ra sao? Có xin lại được không hay phải về nước?… Trong bài này Báo Nhật sẽ giải đáp những lo lắng của các bạn khi bị trượt visa lao động nhé.
Trực tiếp lên nyukan hỏi lý do trượt visa
Khi bị trượt visa, bạn sẽ có 31 ngày được coi là thời gian để bạn chuẩn bị để về nước. Tuy nhiên đừng lo lắng quá, hãy dành thời gian này để chuẩn bị lại đầy đủ bộ hồ sơ để xin visa 1 lần nữa. Trước khi chuẩn bị lại hồ sơ, bạn cần nắm được bạn trượt visa vì lý do gì. Tờ thông báo kết quả visa sẽ không ghi rõ toàn bộ lý do trượt visa cho bạn biết. Do vậy, bạn cần trực tiếp lên nyukan hỏi về lý do trượt visa, những lỗi hay những thiếu sót trong hồ sơ để có thể hoàn thiện và làm thủ tục xin visa lại.
Lưu ý khi đi đến nyukan
Người đi hỏi có thể là người làm thủ tục xin visa, hoặc người đại diện của người làm thủ tục xin visa. Bạn có thể nhờ luật sư đi cùng, tuy nhiên nếu luật sư không có liên quan gì đến việc xin visa của bạn thì nyukan có thể từ chối.
Bạn không cần hẹn trước khi đến nyukan. Khi đi mang theo giấy thông báo kết quả visa, passport, thẻ ngoại kiều và 1 bản copy của hồ sơ xin visa đã nộp để tiện ghi lại những lỗi trong bộ hồ sơ.
Chỉ được hỏi 1 lần. Còn trượt visa có thể do nhiều lý do. Do vậy cần chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị sẵn những câu hỏi để có thể hỏi và nắm được toàn bộ lý do, những lỗi, thiếu sót trong hồ sơ trước để có thể sửa chữa, bổ sung hoàn thiện hồ sơ.
Nyukan không có nghĩa vụ phải giải thích lý do trượt visa cho bạn. Do vậy, việc bạn có thể hỏi được toàn bộ lý do trượt visa cũng tùy thuộc vào người tiếp nhận, cũng như thái độ và sự chuẩn bị của bạn khi đi đến nyukan.
Một vài những lý do phổ biến khiến bạn bị trượt visa lao động
Có khá nhiều lý do khiến bạn không được cấp visa lao động. Tương ứng với từng lý do chúng ta lại phải có cách giải quyết phù hợp tương ứng. Dưới đây là một vài lý do phổ biến và các đối sách cơ bản trong từng trường hợp.
Chuẩn bị thiếu những giấy tờ cần thiết –> Bổ sung chi tiết các giấy tờ.
Có vi phạm pháp luật trong quá khứ (ví dụ làm quá giờ quy định,..)–> Nếu là lỗi không quá nặng thì có thể giải trình để chứng tỏ thành ý.
Có sự sai lệch, không thống nhất thông tin khi kê khai –> Giải trình lý do về việc sai lệch, không thống nhất này và cung cấp các giấy tờ, bằng chứng chứng thực cho thông tin chuẩn.
Được nhận định là nội dung công việc, tư cách visa không phù hợp với bằng cấp, kiến thức –> Giải trình chi tiết để chứng tỏ sự liên quan giữa công việc sẽ làm và bằng cấp. Hoặc nếu không thể giải trình thì nhanh chóng tìm một công việc khác phù hợp hơn.
Có nghi vấn về độ trung thực của hồ sơ –> Nếu hồ sơ bạn đã nộp thực sự trung thực, thì hãy nhanh chóng tập hợp các giấy tờ cần thiết để chứng minh cho tính chính xác của thông tin và giải trình chi tiết thêm nếu cần.
Chuẩn bị lại hồ sơ xin visa
Sau khi nắm được toàn bộ lý do trượt visa, do thời gian không có nhiều nên các bạn cần nhanh chóng bổ sung, sửa chữa chuẩn bị lại đầy đủ hồ sơ, sau đó nộp lại lên nyukan để xin visa.
Bạn cần kiểm tra thật kỹ lại toàn bộ hồ sơ trước khi nộp lên nyukan, check lại xem toàn bộ những lỗi sai đã được sửa, những giấy tờ còn thiếu đã được bổ sung hoàn chỉnh chưa. Vì nếu bạn tiếp tục bị trượt trong lần 2 thì sẽ bị cưỡng chế về nước.
Nhờ văn phòng Luật sư nếu thấy không yên tâm khi tự làm hồ sơ
Đối với những bạn tiếng Nhật chưa tốt, hoặc cảm thấy không yên tâm khi tự làm hồ sơ, có thể thuê văn phòng Luật sư đại diện làm thủ tục thay. Luật sư sẽ đại diện cho bạn làm thủ tục xin visa, đi cùng bạn đến hỏi lý do, tư vấn cách giải quyết, và kiểm tra toàn giấy tờ giúp bạn.
Chúc các bạn may mắn !!
Nguồn: Vietnamplus
TOP công việc làm thêm phổ biến được nhiều du học sinh Việt lựa chọn khi du học Nhật Bản
Khi du học Nhật Bản, các du học sinh Việt phải trang trải rất nhiều các khoản chi phí từ tiền ăn học, tiền học, thuê nhà và nhiều khoản chi phí khác…Với một đất nước mà mọi chi phí rất ” đắt đỏ” đòi hỏi nhiều bạn du học sinh phải lao đầu vào làm thêm không kể ngày giờ để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống.