Người Nhật, Mỹ… chi hàng tỉ USD mua nông sản Việt
Dù bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhưng các thị trường như Mỹ, Nhật, ASEAN…đã bắt đầu tăng nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam trở lại.
08:00 09/05/2020
Nhiều công ty xuất khẩu nông sản vẫn tăng trưởng khá tốt trong quý I-2020 và lạc quan vào triển vọng thị trường khi Việt Nam đang làm tốt công tác kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, nhu cầu thực phẩm, nông sản tại nhiều nước được dự báo sẽ tăng cao trở lại sau khi chính sách kiểm soát dịch bệnh được nới lỏng dần.
Đưa robot vào chế biến thủy sản
Thời gian qua, dịch COVID-19 gây ra hàng loạt xáo trộn trong chuỗi giá trị thủy sản. Thậm chí, chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm thủy sản bị đứt gãy, đơn hàng bị sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng tạo ra những xu hướng mới đối với chuỗi cung ứng thủy sản và đây có thể được xem là cơ hội mới cho ngành này.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, đánh giá trình độ chế biến và sự đa dạng sản phẩm chế biến của thủy sản Việt đã kéo khách hàng về phía mình. Người tiêu dùng ở các thị trường cao cấp như EU, Mỹ hay Nhật Bản đều chuộng sản phẩm chế biến sẵn vì vừa tiện lợi vừa đa dạng, giá tốt và ổn định.
Vì vậy, các nhà kinh doanh Việt cần nhanh nhạy nắm bắt và khai thác lợi thế này, nhất là với các sản phẩm chế biến sâu vì hiện nay một số nước cũng đã đầu tư máy móc, công nghệ chế biến để tăng sức cạnh tranh. “Các đơn vị trong ngành phải mạnh tay đầu tư thiết bị, công nghệ mới trong nuôi trồng, chế biến nhằm hạ giá thành. Bên cạnh đó, đầu tư vào công nghệ như đưa một phần robot, máy móc tự động vào trong quá trình chế biến để thay thế lượng lao động thiếu hụt” – ông Lực chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhìn nhận hậu dịch COVID-19 đang mở ra những cơ hội cho ngành thủy sản nước ta. Đặc biệt, nhiều thị trường đã tăng nhập trở lại như Trung Quốc, Mỹ, ASEAN cũng tăng mua hàng thủy sản Việt Nam. Ví dụ trong quý I-2020, Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam lớn nhất với kim ngạch nhập khẩu trên 313 triệu USD, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với Nhật Bản, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong ba tháng đầu năm cũng đạt 287 triệu USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng
Bộ NN&PTNT cho biết trong bốn tháng đầu năm nay, hạt điều, cà phê, trái cây… vẫn là những mặt hàng xuất khẩu tăng bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nhiều thị trường tăng nhập khẩu hàng nông sản từ Việt Nam trong bốn tháng đầu năm 2020. Đơn cử như Nhật Bản đạt gần 1,1 tỉ USD, tăng gần 3%. Các nước ASEAN đạt gần 1,3 tỉ USD, tăng trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, bức tranh chung thì kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bốn tháng qua sụt giảm gần 5% so với cùng kỳ.
Cũng trong quý này, Việt Nam xuất khẩu khá đa dạng sản phẩm cá tra sang thị trường Thái Lan như cá tra phi lê đông lạnh, cắt miếng, cắt xí ngầu, cá tra cắt thỏi tẩm bột chiên… Trong đó, riêng sản phẩm bong bóng cá tra sấy khô với giá xuất khẩu trung bình khá cao 12-16 USD/kg.
Trước xu hướng mới của thị trường thời hậu dịch COVID-19, ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An, cho hay công ty sẽ điều chỉnh giảm mục tiêu xuất khẩu trong năm nay theo hướng giảm lượng, tăng chất lượng. Giải pháp nâng tỉ trọng các sản phẩm chế biến sâu, tinh tế là hướng đi mới nhằm bắt kịp nhu cầu thị trường.
“Ngoài mặt hàng điều rang chiên muối, chúng tôi còn làm thêm hạt điều tẩm mật ong, hạt điều tẩm gia vị, hạt điều wasabi (mù tạt), hạt điều rang bơ lá chanh… Những sản phẩm này vừa bán được giá cao cho thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng trong nước cũng rất thích ăn” – ông Thanh nói.
Đưa cá, tôm, trái cây… lên sàn
Vận chuyển khó khăn là rào cản lớn nhất của mặt hàng trái cây Việt Nam trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, nhất là với các công ty xuất khẩu tập trung vào một vài thị trường chính. Để khắc phục khó khăn này, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho rằng các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, chú trọng đến chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc để có thể tiếp cận được những thị trường cao cấp, tiêu thụ ổn định hơn.
Ông Tùng dẫn chứng tại thị trường Mỹ, dù dịch COVID-19 bùng phát nhưng nước này vẫn mua trái cây của công ty. Nguyên nhân do công ty đầu tư làm tốt công nghệ bảo quản nên có thể vận chuyển trái cây bằng đường biển dài ngày mà đảm bảo tươi ngon, cung cấp số lượng lớn, ổn định theo yêu cầu của đối tác. Ngoài Mỹ, công ty còn khai thác thêm thị trường Úc, Canada.
Khơi thông thị trường bằng các giải pháp bán hàng trên sàn thương mại điện tử cũng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đẩy mạnh khi dịch bệnh xảy ra và thời gian tới. Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn và nhiều công ty thủy sản đã thành công khi tìm cách khai thác sâu vào thị trường rộng lớn Trung Quốc bằng việc đưa các sản phẩm cá tra chế biến lên sàn Alibaba.
“Công ty xác định đây là kênh quan trọng không chỉ để bán hàng mà còn để quảng bá thương hiệu sản phẩm thủy sản Việt Nam” – bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Hoàn, khẳng định.
Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cũng thông tin hiện cá tra phi lê đã thâm nhập được vào nhiều thành phố lớn tại Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên… Không chỉ cá tra, một số mặt hàng thủy sản khác của Việt Nam cũng đang được xuất khẩu sang Trung Quốc qua sàn thương mại điện tử. Điển hình như tôm đông lạnh, tôm sấy khô, cá ngừ đại dương, cá ngừ đóng hộp…
Ông Hòe nhấn mạnh: “Sàn thương mại là kênh tạo ra nhiều cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu sang thị trường các nước nói chung và Trung Quốc nói riêng bởi người tiêu dùng nước này cho rằng khi hàng hóa có trên các trang thương mại điện tử thì doanh nghiệp đã có cam kết về chất lượng”.
Đừng bỏ quên thị trường đồ gỗ trong nước 4 tỉ USD
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nhận định dịch COVID-19 khiến các sản phẩm, vật liệu nước ngoài khó cạnh tranh với sản phẩm trong nước. Vì vậy, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đồ gỗ cần chú trọng thị trường nội địa.
Thực tế cho thấy trong vòng năm năm qua, có khoảng 400.000-500.000 căn hộ nhà phố, chung cư cao cấp ra đời tại Việt Nam. Trung bình mỗi căn hộ sử dụng ít nhất 100-200 triệu đồng cho phần nội thất, ốp sàn. Chỉ riêng với đồ gỗ, vật liệu ốp sàn gỗ nhu cầu tiêu thụ bình quân ở Việt Nam là 21 USD/người/năm.
“Như vậy, riêng quy mô tiêu thụ đồ gỗ nội thất, vật liệu ốp sàn trong nước năm 2019 đã lên đến khoảng 4 tỉ USD” – ông Khanh nhấn mạnh.
Theo: hanoi24h
Những người bị Covid-19 ‘đánh bật’ khỏi nơi trú ngụ cuối cùng: Sự phơi bày tàn nhẫn 1 góc tối của Nhật Bản
Qua Covid-19, các quán cà phê Internet mở cửa 24/7 phơi bày những điều còn che giấu trong nền kinh tế Nhật Bản.