Người Việt Nam muốn định cư ở nước ngoài vẫn rất cao, vì đâu nên nỗi?
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang được đánh giá là tốt nhất khu vực châu Á nhưng vì sao có một lượng không nhỏ người Việt Nam vẫn tìm mọi cách để di cư?
14:00 16/01/2019
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, trong năm 2015 có trên 244 triệu người trên thế giới di cư tới nước khác, tương đương 3,3% dân số toàn cầu.
Có nhiều nguyên nhân khiến người ta rời bỏ quê hương để sang nước khác sinh sống. Chủ yếu là một số nguyên nhân chính như: Chiến tranh, khủng hoảng, tìm điều kiện kinh tế tốt hơn, hoặc chạy trốn nạn đói hay dịch bệnh.
Theo thống kê của Gallup có ít nhất 50% người Syria muốn bỏ nước ra đi vì nội chiến chưa biết bao giờ mới kết thúc.
Cũng theo tổ chức này thì đã có khoảng 2 triệu người Venezuela bỏ đất nước ra đi trong năm 2018. Điều đáng nói là Venezuela vốn giàu có về tài nguyên, đặc biệt là dầu mỏ. Nhưng giấc mộng xây dựng chủ nghĩa xã hội đã khiến khủng hoảng kinh tế kéo dài, làm người dân ở đây sống trong khổ cực nên muốn bỏ chạy khỏi đất nước.
Cuối thập niên 70 một làn sóng lớn người Việt đã di dân lớn từ Việt Nam đến Hoa Kỳ và các nước Tây phương.
Hiện nay người Việt vẫn ra đi và chọn nhiều cách để di cư sang các nước phát triển hơn.
1. Du học ở lại
Đầu tiên phải kể đến là, thông qua con đường du học xong kiếm việc ở lại. Hiện có đông đảo sinh viên Việt Nam đang du học các nước trên thế giới, chủ yếu ở các nước phát triển.
Theo kết quả nghiên cứu của công ty nhân sự SHD, có tới 64% số sinh viên Việt Nam mong muốn ở lại nước sở tại làm việc và sinh sống.
2. Đầu tư ra nước ngoài
Một trào lưu mới của giới giàu và rất giàu gồm không ít quan chức cao cấp – đã di cư bằng đầu tư hoặc sở hữu tài sản ở nước ngoài để có thẻ định cư và quốc tịch nước khác.
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR), người Việt đổ 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ trong năm 2017 nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
3. Xuất khẩu lao động
Một con đường khác để di cư của người Việt Nam đó là xuất khẩu lao động.
Theo báo Nhân Dân, năm 2017 ghi nhận số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cao kỷ lục, với 134.000 người.
Rất nhiều trường hợp người đi lao động xuất khẩu cố tình tìm cách ở lại nước sở lại, bằng con đường hợp pháp hoặc không.
Tại Hàn Quốc, tính đến tháng 4/2018, 35% lao động Việt Nam phá vỡ hợp đồng và cư trú bất hợp pháp theo Cục quản lý lao động nước ngoài, theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam.
4. Di cư chui
Một đường di cư khác đó là di cư chui thông qua con đường du lịch. Nghĩa là người muốn di cư thông qua hình thức đi du lịch xong tìm cách trốn ở lại.
Điển hình của hình thức này chính là vụ 152 khách du lịch Việt Nam đến Đài Loan du lịch xong mất tích. Điều này khiến cho nhà chức trách Đài Loan phải lập đội đặc nhiệm tìm kiếm những người này và dừng cấp visa du lịch cho du khách đến từ Việt Nam trong chương trình Quan Hồng.
Hay như các vụ nhập cư bất hợp pháp vào Anh của người Việt qua đường xe tải, tàu biển vẫn được báo chí nước này thường xuyên nhắc tới. Cảnh sát Anh đã bắt rất nhiều trường hợp người Việt Nam thông qua đường du lịch, hay tìm cách đến một nước trong châu Âu, rồi sang Pháp, sau đó trốn trên xe tải của những nhóm buôn người để vào Anh.
5. Kết hôn với người nước ngoài
Kết hôn với người ngoại quốc cũng là một cách để ra nước ngoài sinh sống, thoát cảnh đói nghèo. Theo Thanh Niên, chỉ từ năm 2008 – 2014, Việt Nam có 115.675 công dân kết hôn với người nước ngoài, trong đó đa phần là phụ nữ, chiếm hơn 72%.
Phụ nữ Việt Nam kết hôn chủ yếu là công dân Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… Trung bình mỗi năm có khoảng 18.000 người kết hôn với người nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân đằng sau hiện tượng này.
Thứ nhất, dù là nước có mức tăng trưởng cao 7,08% năm 2018 theo Tổng cục thống kê, nhưng thu nhập trên đầu người của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực, kém xa các nước phát triển.
Như bảng thống kế phía dưới cho thấy, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam kém xa hàng chục lần với những nước được cho là nhiều người Việt Nam di cư muốn tới. Đi làm ở nước có thu nhập theo giờ làm công cao hơn là cách tiết kiệm và tích lũy ngắn nhất cho người nhập cư.
Thứ hai, hiện nay Việt Nam được coi là nước có giới siêu giàu tăng nhanh nhất trên thế giới, cho thấy lợi ích của sự tăng trưởng kinh tế nhanh không chia đều cho tất cả mọi thành phần trong xã hội. Khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam thậm chí còn ngày một tăng.
Hay nói cách khác, rất nhiều người bị bỏ rơi bên ngoài quá trình phát triển, đặc biệt ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa. Do đó, rất nhiều người tìm cách di cư ra nước ngoài để có cơ hội phát triển kinh tế tốt hơn.
Thứ ba, một nguyên nhân nữa kiến cho người Việt di cư nhiều là mong con cái mình có tương lai tươi sáng hơn.
– Nạn quan liêu, tham nhũng, cửa quyền tràn lan phổ biến gây nản lòng người dân.
– Chương trình giáo dục và y tế tại Việt Nam bị đánh giá lạc hậu và kém hiệu quả.
– Chi phí người ta phải bỏ ra không xứng đáng với dịch vụ nhận được.
– Ô nhiễm môi trường đang tới mức báo động từ thành thị đến các vùng nông thôn và thêm vào đó, môi trường văn hoá xã hội cũng xuống cấp.
***
Đối với người Việt, phần đông muốn gắn bó với cuộc sống trên chính quê hương mình và vẫn biết di cư là phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng vẫn phải ra đi vì tương lai con em chúng ta.
Những vấn đề này có liên hệ gì đến mỗi chúng ta? Mỗi chúng ta, không phân biệt, bằng suy nghĩ và hành động thực tiễn, có thể góp phần làm cho chính mình, gia đình, xã hội và đất nước tốt hơn. Không cần làm những gì quá lớn, ngoài tầm tay. Hơn 4000 ngàn năm lịch sử oai hùng sẽ bị huỷ hoại nếu chúng ta chỉ biết sống cho chính mình và chỉ biết quan tâm trong cuộc đời mình mà không nghĩ đến người khác và các thế hệ về sau. Cho nên hãy bắt đầu bằng sự chân thành, thiện lương và nhẫn nhịn, thì một ngày nào đó những giá trị tinh thần này sẽ lan tỏa sâu rộng và truyền lại cho các thế hệ mai sau. Để một ngày không xa, người Việt Nam có những điều kiện sống không thua kém những người dân ở các nước trong khu vực thì việc người dân vẫn phải bỏ nước ra đi sẽ giảm đi hoặc không còn như hiện nay.
Theo: nguoivietonhat.com
Sau khi chuyển nơi ở thì đóng thuế thị dân ở nơi ở cũ hay mới!
Thuế thị dân hay còn gọi là thuế cư trú phải nộp cho địa phương mình sinh sống để duy trì các dịch vụ phúc lợi xã hội, được thu hàng năm vào tháng 6.