Nhật Bản đối mặt thách thức giảm rác thải bao bì nhựa

Chính phủ Nhật muốn giảm lượng rác thải nhựa trên đầu người của nước này, trong bối cảnh Nhật đang tụt hậu so với các quốc gia khác.

12:30 25/03/2019

Từ cơm hộp bento tới chuối bọc riêng từng quả, nhựa đang thống trị ở Nhật Bản. Giữa lo ngại toàn cầu về chất thải nhựa dùng một lần, các nhà chức trách Nhật Bản đang cân nhắc ban hành luật mới buộc doanh nghiệp tính phí túi nhựa, theo AFP.

Kết quả hình ảnh cho Nhật Bản đối mặt thách thức giảm rác thải bao bì nhựa

Luật mới được đề xuất trước thềm hội nghị G20 tổ chức tại Osaka vào tháng 6. Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe muốn nhân hội nghị này để thúc đẩy ký kết thỏa thuận giảm chất thải nhựa ra biển.

"Chúng tôi tin rằng có thể giảm lượng chất thải và đang cân nhắc biện pháp để thực hiện điều đó", Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Kentaro Doi cho hay.

Năm 2018, chính phủ Nhật đề xuất mục tiêu giảm 9,4 triệu tấn chất thải nhựa mỗi năm xuống 25% vào năm 2030. Một phần quan trọng của đề xuất là yêu cầu doanh nghiệp tính phí túi nhựa - biện pháp đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới.

"Chúng tôi muốn người dân suy nghĩ về việc liệu có cần thiết sử dụng túi nhựa hay không", ông Doi nói.

Các quan chức Nhật Bản thừa nhận đã xử lý chậm vấn đề rác thải nhựa, khi hàng chục quốc gia đã yêu cầu tính phí túi nhựa và nhiều nước cấm sử dụng hoàn toàn.

"Những quốc gia khác đã đi trước chúng tôi", ông Doi cho biết, nói thêm chính sách này ở Nhật Bản "sẽ được đưa ra sớm nhất năm 2020".

Tới nay, đề xuất cũng chưa đưa ra được biện pháp cụ thể nào trong việc hạn chế các loại chất thải nhựa dùng một lần, như ống hút hay cốc. Trong bối cảnh chính phủ tụt hậu, một số chính quyền địa phương và doanh nghiệp ở Nhật đã tự tìm cách.

Thị trấn Kamikatsu gần Kyoto đặt mục tiêu không có rác thải nhựa vào năm 2020, còn thành phố Kyoto từ lâu đã yêu cầu các nhà bán lẻ tính phí mua túi nhựa. Trở ngại chính của đề xuất này là hiệp hội đại diện cho các cửa hàng tiện lợi phổ biến khắp nước Nhật. 

Tại một siêu thị ở Makuhari, phía đông Tokyo, khách mang theo túi tái sử dụng đứng xếp hàng chờ thanh toán. Siêu thị thuộc tập đoàn Aeon, nơi tính phí túi nhựa tại tất cả 1.631 siêu thị lớn từ tháng 11/2013.

"Đa số khách hàng hiểu mục đích của việc tính phí và tự mang theo túi. Nếu quên, họ sẵn sàng trả một chút tiền mua túi nhựa", Haruko Kanamaru, giám đốc bộ phận trách nhiệm xã hội của Aeon cho hay.

Khách phải trả 0,05 USD mua một túi nhựa phân hủy sinh học. Kanamaru ước tính chính sách này đã tiết kiệm 270 triệu túi nhựa năm 2017, dù khách hàng vẫn có thể dùng túi nhựa nhỏ miễn phí để đựng rau quả và mặt hàng lạnh.

"Khoảng 80% khách hàng của chúng tôi mang theo túi riêng khi đi mua hàng", cô cho biết.

Yumi Takahashi là một trong số những người tiêu dùng như thế. Cô cho biết luôn mang theo túi tái sử dụng mỗi khi ra ngoài. 

"Chỉ cần nỗ lực một chút để không sử dụng túi nhựa và đồ nhựa", cô nói, kể rằng đã sốc khi nhìn thấy ảnh hưởng của rác thải nhựa tới đời sống sinh vật biển trong đại dương.

"Một số khách hàng thì bỏ đi, nói rằng sẽ mua sắm ở chỗ khác", Takanashi kể. "Đây là lúc chính phủ nên giới thiệu chính sách này tới tất cả doanh nghiệp. Nếu chỉ có Aeon làm, không thể đạt hiệu quả 100% người tiêu dùng chấp nhận".

Trở ngại lớn cho đề xuất này là hiệp hội đại diện cho các cửa hàng tiện lợi rải khắp nước Nhật. Khi chính quyền Tokyo muốn ban lệnh cấm túi nhựa miễn phí, hiệp hội đã kịch liệt phản đối và cuối cùng, kế hoạch bất thành, Kenji Ishihara, một nhà vận động của tổ chức môi trường Greenpeace Nhật Bản cho hay.

"Đây là một vụ điển hình cho thấy sức mạnh kinh tế và quyền lực vận động hành lang của hiệp hội", ông nói.

Greenpeace và những tổ chức môi trường phi chính phủ khác muốn Nhật cam kết thực hiện mục tiêu táo bạo hơn là giảm 50% chất thải nhựa năm 2030 và đề ra những biện pháp cụ thể hơn, bao gồm cấm sử dụng túi nhựa dùng một lần.

Ishihara cho biết dù ý thức cộng đồng về rác thải nhựa đang tăng ở Nhật Bản, nhưng hệ thống phân loại rác thải nổi tiếng của quốc gia này lại mang tới hiệu quả "che giấu" quy mô vấn đề rác thải.

Ông khen ngợi quyết định hồi tháng hai của chính phủ khi ban lệnh cấm ống hút nhựa và dao dĩa nhựa trong các quán tự phục vụ, nhưng cho rằng Nhật Bản vẫn tụt hậu so với những quốc gia khác.

"Chính phủ Nhật cần đặt nhiều mục tiêu tham vọng hơn nếu họ thực sự muốn dẫn dắt hội nghị G20", ông nói. "Đề xuất hiện tại chưa đủ".

Nguồn: vnexpress.net

Tags:
Chia sẻ của một bạn DHS Việt tại Nhật Bản

Chia sẻ của một bạn DHS Việt tại Nhật Bản

Rãnh rỗi, mình xin kể về cuộc sống du học của 1 DHS sang Nhật tháng 4-2015.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất