Nhật Bản loay hoay tìm cách duy trì truyền thống săn và ăn thịt cá voi
Bất chấp chỉ trích từ phương Tây, Nhật Bản vẫn duy trì hoạt động săn và ăn thịt cá voi, đồng thời tìm cách đẩy mạnh dịch vụ ngắm cá voi trên biển như hình thức phát triển bền vững.
08:00 25/12/2019
Mitsuhiko Maeda đã dành 40 năm để săn cá voi ngoài khơi miền Bắc Nhật Bản, với tư cách là một hoa tiêu và người chỉ huy tàu. Giờ đây, ở tuổi 73, ông vẫn dành cả ngày nhìn ống nhòm để tìm cá voi trên biển Okhotsk.
Tuy nhiên, tàu của ông không có lao dùng để săn cá voi. Thay vào đó, ông Maeda đưa khách du lịch đến chiêm ngưỡng cá voi trên biển. “Tôi nghĩ người Nhật Bản không biết gì nhiều về cá voi. Tôi muốn mọi người đi cùng chúng tôi và học về các loài cá voi khác nhau”.
Tại Nhật Bản, nhu cầu được nhìn ngắm cá voi ngày càng tăng cao, trong khi lượng tiêu thụ thịt cá voi, loại thực phẩm truyền thống của quốc gia này, lại đang dần giảm xuống. Giờ đây, hai ngành công nghiệp đang song song tồn tại, nhưng xu hướng vẫn thống nhất, theo Patrick Ramage, giám đốc bảo tồn hải dương của tổ chức International Fund for Animal Welfare.
“Mọi người cần phải nhìn nhận từ nhiều góc độ, chứ không nên chỉ coi Nhật Bản là một quốc gia giết thịt cá voi. Dịch vụ ngắm cá voi ở Nhật chưa phổ biến bằng ở New Zealand, Australia hay Mỹ, nhưng đây là xu hướng ngày càng tăng, và điều này mang lại lợi ích kinh tế bền vững hơn”, ông Ramage nói.
Rất nhiều người cảm thấy hứng thú với dịch vụ ngắm cá voi, nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về việc ăn thịt loài động vật này. Akihito Koseki, một bác sĩ 28 tuổi, tỏ vẻ kinh ngạc khi được chiêm ngưỡng những con cá voi khổng lồ nhô lên từ mặt biển và lặn sâu xuống nước. Tuy nhiên, Koseki cho biết điều này không khiến anh thay đổi thói quen ăn uống.
“Có nhiều người biểu tình phản đối việc ăn thịt cá voi, nhưng chúng ta vẫn ăn thịt ngựa mà vẫn cưỡi ngựa đó thôi. Nếu tôi thấy thịt cá voi trên thực đơn, có thể tôi vẫn sẽ chọn món này”, anh nói với Washington Post.
Shingo Sakuta, 49 tuổi, tham gia chuyến đi ngắm cá voi cùng công ty và cho biết có thể ông sẽ suy nghĩ kỹ hơn khi ăn thịt cá voi. Dù sao thì ông cũng không thích món này cho lắm, Sakuta nói. “Tuy nhiên, nếu ai đó nấu thịt cá voi cho tôi, tôi vẫn sẽ ăn, bởi không ăn thì thật bất lịch sự”, Takato Watanabe, 57 tuổi, nói.
Đó là quan điểm chung của hầu hết người Nhật hiện nay. Vật lộn với hậu quả sau Thế chiến II, người Nhật được khuyến khích ăn thịt cá voi bởi đây là loại thực phẩm giàu protein. Năm 1962, lượng tiêu thụ thịt cá voi hàng năm của Nhật tăng lên mức 233.000 tấn, chiếm 1/4 tổng lượng thịt tiêu thụ trên cả nước. Tuy nhiên, khi nước Nhật giàu lên và khẩu vị ăn uống thay đổi, lượng thịt cá voi tiêu thụ tại Nhật Bản chỉ còn 3.000 tấn vào năm 2018, tức là không quá 1 ounce/người/năm (1 ounce tương đương 0,02 kg).
Đến nay, Nhật Bản vẫn cố gắng duy trì truyền thống này, bất chấp chỉ trích từ các quốc gia phương Tây và nhiều tổ chức bảo vệ động vật. “Chúng tôi có truyền thống săn cá voi. Nhưng người Nhật không ăn nhiều thịt cá voi. Thật khó để dự đoán tình hình sẽ thay đổi theo hướng nào, nhưng nếu không có nhu cầu thì hoạt động săn cá voi thương mại cũng không duy trì bền vững được”, Yoichi Mizutani, thị trưởng thành phố Abashiri, vùng có truyền thống săn cá voi, nói.
Nguồn: Zing
Làm baito ở Nhật: Mẹo hay giúp bạn không bao giờ bị sa thải?
Du học sinh khi sống ở Nhật, điều quan trọng nhất là kiếm việc làm thêm (baito) để chi phí những khoản khác. Nhưng để tự mình xin việc khi tiếng nhật chưa đủ tốt là điều cực kỳ khó khăn. Thường du học sinh phải thông qua trường học hoặc người quen giới thiệu.