Nhật Bản mở cửa cho lao động nghèo nước ngoài
Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thiết lập và sẽ áp dụng chính sách thị thực hai cấp độ mới…
14:00 17/10/2018
Các thực tập viên kỹ thuật nước ngoài sẽ đủ điều kiện xin thị thực mới sau 3 năm đào tạo tại Nhật Bản
Chính quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thiết lập và sẽ áp dụng chính sách thị thực hai cấp độ mới nhằm thu hút lao động nước ngoài (chủ yếu đến từ các quốc gia chưa và đang phát triển ở châu Á), kể cả những người tới xứ sở Phù Tang theo hình thức tu nghiệp và thực tập sinh.
Thị thực 2 cấp độ
Tờ Nikkei Asian Review cho biết, Bộ Tư pháp Nhật Bản đã công bố dự thảo các luật liên quan và các hướng dẫn của Chính phủ nhằm thiết lập cơ chế thị thực 2 cấp độ cho lao động nước ngoài vào tháng 4 năm sau. Bộ này sẽ đệ trình các sửa đổi lập pháp cho các đại biểu Quốc hội Nhật Bản bàn thảo trong phiên họp tháng 10 này.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng, sự thiếu hụt lao động không chỉ kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế mà còn có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho xã hội nước này. Do vậy, chính sách thị thực mới được đưa ra để nhanh chóng bổ sung nhân lực từ bên ngoài.
Theo đó, người lao động có tay nghề đến Nhật Bản sẽ có cơ hội nhận được một loại thị thực mới, có thể được gia hạn vô thời hạn; và do đó, về cơ bản, những người này có khả năng sẽ được cấp thẻ cư trú lâu dài.
Cơ chế mới sẽ tạo cho người lao động vượt qua các bài kiểm tra kỹ năng và ngôn ngữ, cũng như thực tập viên kỹ thuật trong chương trình đào tạo ít nhất 3 năm, sẽ đủ điều kiện để được nhận thị thực mới cấp độ 1. Tại cấp độ này, họ sẽ được ở lại Nhật Bản trong 5 năm dù không được đưa thân nhân sang lưu trú cùng.
Tuy nhiên, những người có trình độ cao hơn bằng cách vượt qua các bài kiểm tra nâng cao có thể đủ điều kiện giành được thị thực cấp độ 2. Điều này sẽ cho phép họ mang theo vợ/chồng và con cái định cư tại Nhật Bản. Bộ Tư pháp Nhật quy định, thị thực cấp độ 2 được cấp lần đầu có hiệu lực trong 5 năm và không giới hạn về số lần gia hạn.
“Chúng tôi sẽ phân biệt cơ chế thị thực mới với cư dân thường trú bằng cách yêu cầu xem xét lại thời gian gia hạn dựa trên kỹ năng người lao động và tình trạng việc làm của họ trong thời gian cư trú”, một quan chức cấp cao Bộ Tư pháp cho biết và nói thêm rằng, người lao động cũng có thể xin chế độ thường trú sau khi ở Nhật Bản 10 năm.
Chế độ đãi ngộ tương đương người lao động Nhật
Theo chính sách mới, những lao động đi theo hình thức tu nghiệp sinh và thực tập sinh nếu đáp ứng tiêu chuẩn lao động cũng như trình độ tiếng Nhật sẽ được quyền ở lại Nhật Bản làm việc với thời hạn tối đa 5 năm.
Như vậy, Nhật Bản sẽ mở cửa tiếp nhận các lao động phổ thông thay vì chỉ giới hạn trong các chuyên gia tay nghề cao như: bác sĩ, giáo viên và thợ kỹ thuật…
Trả lời phỏng vấn Nikki, Bộ trưởng Tư pháp Takashi Yamashita cho rằng, việc cải cách quy định cấp thị thực sẽ giúp cân bằng quản lý thị trường lao động với việc cùng chung sống với lao động nước ngoài.
Cơ chế thị thực mới được dự định sẽ bổ sung chứ không thay thế lực lượng lao động trong nước và cũng sẽ được giới hạn cho các lĩnh vực vẫn còn thiếu trầm trọng nhân lực như: Nông nghiệp, xây dựng, kỹ nghệ, điều dưỡng và đóng tàu.
“Tôi hy vọng mục đích và nội dung của cơ chế mới sẽ cho thấy rõ tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng của đất nước”, ông Yamashita nói và cho biết, Chính phủ sẽ quản lý hệ thống cấp thị thực để tránh tăng lao động thất nghiệp trong nước. Cụ thể là dừng các đơn xin thị thực ở lĩnh vực/ngành nghề đã đủ lao động.
Các công ty hoặc tổ chức sử dụng lao động theo cơ chế thị thực mới cũng sẽ cần phải đáp ứng các điều kiện nhất định, trong đó, phải đảm bảo trả tiền lương cho lao động nước ngoài ít nhất bằng mức trả cho lao động người Nhật ở cùng một công việc.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng đề ra các kế hoạch hỗ trợ người lao động nước ngoài trong việc tìm nhà ở hay tham gia các khóa học tiếng Nhật, để khuyến khích nhiều tài năng nước ngoài hơn đến đất nước.
Tuy nhiên, ông Yamashita khẳng định, cơ chế thị thực mới lại không dễ dàng đối với các quốc gia đã từ chối nhận lại công dân bị trục xuất trước đây và cũng hạn chế đối với các quốc gia đang lạm dụng chương trình tị nạn của Nhật Bản.
Nguồn: baogiaothong.vn