Nhật Bản mở rộng cửa với lao động nước ngoài - Vì sao?

Các doanh nghiệp tại Nhật Bản đang mở rộng cửa đón chào các lao động nước ngoài, đặc biệt có cả lao động Việt Nam.

13:00 12/12/2018

Kết quả hình ảnh cho Nhật Bản mở rộng cửa với lao động nước ngoài - Vì sao?

Nhật Bản đang thiếu nhân lực nghiêm trọng, đặc biệt là trong các ngành dịch vụ phổ thông như phục vụ khách sạn, nhà hàng, siêu thị. Trước khi Quốc hội Nhật Bản thông qua luật mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài, các công ty nước này đã phải tìm cách lấp chỗ trống bằng cách thuê sinh viên nước ngoài làm thêm, trong đó có sinh viên Việt Nam.

Theo thống kê, tổng số nhân lực nước ngoài bao gồm cả sinh viên làm thêm ở Nhật Bản năm 2017 là 1,2 triệu người, tuy nhiên con số này phân bố không đều mà tập trung ở các trung tâm lớn nơi có nhiều trường đại học, đặc biệt là Tokyo. Thực trạng này đã buộc các địa phương khác phải tự thân vận động để tìm được nguồn cung cấp lao động. Luật mở rộng tiếp nhận lao động nước ngoài vừa được thông qua đã tạo cơ hội cho các địa phương Nhật Bản dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nhân lực.

Việt Nam đang trở thành nguồn cung cấp lao động tăng trưởng nhanh nhất với Nhật Bản, với tốc độ tăng năm 2017 là gần 40%, vượt xa các quốc gia khác. Mối quan hệ thân thiện giữa hai nước, sự tương đồng văn hóa, thái độ làm việc chăm chỉ của người Việt Nam và khoảng cách thu nhập là những yếu tố khiến Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn của các công ty tuyển dụng lao động Nhật Bản.

Việc Nhật Bản mở cửa cho lao động nước ngoài là bất khả kháng, dù nhiều người dân Nhật Bản rất lo ngại về tình trạng tội phạm gia tăng ở nước này. Nhật Bản có gần 60 triệu lao động nhưng vẫn thiếu hụt khoảng 3 - 4 triệu người so với nhu cầu thực tế.

Sự thiếu hụt này không có cách nào bổ sung được bằng nguồn nhân lực trong nước. Trước đây, Chính phủ Nhật Bản chỉ chấp nhận các lao động ngắn hạn dưới hình thức thực tập sinh, sau khi làm việc 3 năm là phải về nước, nhưng 3 năm là quãng thời gian quá ngắn gây xáo trộn công việc và đồng thời không đủ để đào tạo các kĩ năng chuyên môn cao. Chính sách này gây thiệt hại cho các công ty Nhật Bản. Thực tế này đã buộc Chính phủ Nhật Bản nâng thời hạn lao động lên 5 năm và trong một số ngành đặc thù đòi hỏi trình độ chuyên môn cao có thể ở lại lâu dài, không giới hạn thời gian.

Tags:

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất