Nhật Bản muốn bán thiết bị quốc phòng cho các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam

Chính phủ Nhật Bản sẽ làm việc cùng khối tư nhân để đẩy mạnh hoạt động bán thiết bị quốc phòng cho Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Malaysia, theo Nikkei Asian Review ngày 24-8.

10:00 25/08/2020

Nhật Bản được cho là đang đặt mục tiêu mở rộng nghiên cứu thị trường, đồng thời đem đến những thế mạnh mới trong lĩnh vực nước này từng bị cấm xuất khẩu.

Nhật Bản muốn bán thiết bị quốc phòng cho các nước ASEAN, bao gồm Việt Nam - Ảnh 1.

Máy bay săn ngầm P-3C Orion thuộc biên chế của lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản - Ảnh: NIKKEI ASIAN REVIEW

Nhật chỉ mới ký kết được 4 thỏa thuận thiết bị quốc phòng kể từ năm 2014, sau khi luật cấm xuất khẩu vũ khí đối với quốc gia này được sửa đổi. Đây là thay đổi tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nhật theo những điều kiện nhất định, ví dụ trong trường hợp các thiết bị đó phục vụ cho việc duy trì hòa bình.

Theo Nikkei Asian Review, Cơ quan mua sắm, công nghệ và hậu cần (ATLA) thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ chọn ra một doanh nghiệp để thực hiện nghiên cứu thị trường sớm nhất vào khoảng tháng 9. Bản nghiên cứu này sẽ tổng hợp chi phí và nhu cầu của từng quốc gia, nhằm tìm ra mặt hàng phù hợp để xuất khẩu.

Nghiên cứu trên sẽ được dùng làm cơ sở cho một đề xuất mới giúp chính phủ đàm phán với 4 quốc gia trên. Những cuộc đàm phán này dự tính sẽ bắt đầu từ mùa xuân năm sau.

Chính phủ Nhật Bản đang kỳ vọng có thể xuất khẩu trực thăng giải cứu và các thiết bị liên lạc phục vụ cho công tác quản lý thảm họa. Cả Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Malaysia đều thường xuyên đối mặt với thiên tai.

Nhật Bản cũng đặt mục tiêu cung cấp thiết bị quốc phòng cho các nước đang gặp thách thức trước việc Trung Quốc đang củng cố lực lượng quân sự. Tokyo kỳ vọng các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông sẽ quan tâm rađa trên đất liền và máy bay tuần tra của Nhật Bản.

Tuy vậy, theo Nikkei Asian Review, một số doanh nghiệp Nhật vẫn lưỡng lự trong việc tham gia sâu cùng chính phủ trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng vì lo lắng bị xem là một bên buôn bán vũ khí.

Để thực hiện xuất khẩu thiết bị quốc phòng, Nhật Bản đầu tiên cần ký thỏa thuận với quốc gia đối tác. Quốc gia này đã có thỏa thuận xuất khẩu thiết bị quốc phòng với Ấn Độ (có hiệu lực từ tháng 3-2016) và Malaysia (có hiệu lực từ tháng 4-2018).

Theo Nikkei Asian Review, quá trình đàm phán xuất khẩu thiết bị quốc phòng giữa Nhật với Indonesia và Việt Nam vẫn đang tiếp tục. Nhật Bản hi vọng có thể hoàn tất những thỏa thuận này nhanh chóng.

Theo: tuoitre.vn

Tags:
COVID-19 ngày 24/8: Số người tử vong ở Nhật đã vượt mốc 1.200 ca

COVID-19 ngày 24/8: Số người tử vong ở Nhật đã vượt mốc 1.200 ca

Tổng số ca nhiễm tại Nhật Bản tính đến hết ngày hôm qua là 63503 ca nhiễm và 1203 ca …

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất