Nhật hoàng tương lai của Nhật Bản, Naruhito – người phá vỡ truyền thống của hoàng tộc!
Thái tử Naruhito, người sắp lên ngôi và chính thức kế vị Ngai Hoa Cúc từ cha mình là Nhật hoàng Akihito vào ngày 01/05 tới đây, được biết đến là một người đàn ông nghiêm túc, trí thức cùng với câu chuyện tình yêu đặc biệt dành cho vợ mình, công chúa Masako, khi đã theo đuổi bà đến tận 6 năm cùng với 2 lần cầu hôn bị từ chối.
15:00 24/04/2019
Thái tử cũng đã giữ lời hứa bảo vệ bà Masako trước mọi áp lực về cuộc sống quy tắc đầy khắt khe của Hoàng tộc, cùng bà đối diện với những sự chỉ trỏ và tiêu cực của công chúng dành cho căn bệnh trầm cảm của mình.
Thái tử Naruhito, 59 tuổi, sẽ không chỉ là Hoàng đế Nhật Bản đầu tiên được sinh ra sau Thế chiến II và còn là người đầu tiên được nuôi dưỡng bởi chính cha mẹ, mà ông còn trở nên đặc biệt khi trở thành vị vua đầu tiên tốt nghiệp đại học và tiến hành theo đuổi các nghiên cứu nâng cao khi du học nước ngoài.
Thái tử Naruhito sẽ chính thức kế thừa Ngai vàng Hoa Cúc sau khi cha mình là Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị vào ngày 30/04. Ngày 01/05, ngày mà Ngai vàng chính thức được chuyển giao lại, cũng chính là ngày bắt đầu của niên triều mới của đất nước, kỷ nguyên Reiwa.
Cùng với sự lên ngôi của Thái tử Naruhito, người dân Nhật Bản cũng sẽ kỳ vọng về những thay đổi lớn lao của xã hội, bởi ông được biết đến như một người đàn ông đặc biệt của Hoàng tộc, người đã tạo nên những bước đi mới mẻ và phá vỡ rất nhiều quy tắc vốn đã tồn tại trong Hoàng tộc hàng nghìn năm nay.
Chụp ảnh cùng với người dân
Thái tử Naruhito là con cả trong tất cả 3 người con của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, và được lớn lên bởi sự chăm sóc của chính cha mẹ mình, thay vì được nuôi dưỡng bởi các y tế và gia sư như lẽ thông thường. Naruhito cũng đi học cùng với những hộp bento được chính tay mẹ làm, như là một nỗ lực của bà Michiko để giúp gia đình hoàng tộc của mình cũng gần gũi và gắn bó như biết bao gia đình bình thường khác.
Thái tử Naruhito đã dành 2 năm để theo học thạc sĩ ngành vận tải đường sông của châu Âu thời trung cổ tại Đại học Oxford sau khi đã giành được tấm bằng cử nhân tại đại học Gakushuin (Tokyo). Trong cuốn hồi ký “Sông Thames và tôi: Ký ức về 2 năm tại Oxford” của mình, Thái tử đã mô tả quãng thời gian du học của mình như là một trong những khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời mình.
Được nhiều người mô tả là một người đàn ông điển hình của Hoàng tộc, nghiêm túc, chính trực nhưng đồng thời lại có những khía cạnh “hài hước” và vui vẻ, Naruhito nhận được rất nhiều sự yêu quý từ công chúng với hình ảnh của mình. Sự thân thiện của ông được thể hiện khi Thái tử đã chụp ảnh tự sướng cùng với một số người dân trên đường trong một chuyến thăm Đan Mạch của ông vài năm trước.
Người đàn ông của gia đình đích thực
Một trong những lý do khiến người dân Nhật Bản dành niềm tin và sự yêu mến cho Thái tử Naruhito, đó chính là câu chuyện tình lãng mạn kéo dài suốt nhiều năm của Thái tử dành cho vợ mình, Công nương Masako. Vốn xuất thân từ một gia đình thường dân, nhưng học vấn và tài năng của Masako khiến cho tất cả mọi người phải nể phục. Là con gái của Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, cũng là cựu Thẩm phán Tòa án Tư pháp Quốc tế, ông Hisashi Owada, Masako từ bé đã sinh sống và học tập tại nước ngoài.
Công nương đã tốt nghiệp loại ưu tại 3 trường đại học danh tiếng: khoa Kinh tế của Đại học Harvard, trường Balliol, thuộc Đại học Oxford và cử nhân bằng luật của trường Đại học Tokyo. Tiếp nối sự nghiệp lẫy lừng của cha mình, Masako có thể sử dụng thông thạo tới 6 thứ tiếng Nhật – Anh – Nga – Đức – Pháp và Tây Ban Nha, và được kỳ vọng sẽ trở thành một nhà ngoại giao lẫy lừng trong tương lai.
Từng đảm nhận vai trò phiên dịch cho các cuộc gặp mặt quan trọng trên thế giới với Nhật Bản như cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton hay Cựu Tổng thống Nga, Boris Yeltsin, sự nghiệp của công nương sẽ còn phát triển hơn nữa, cho đến khi cuộc đời của bà thay đổi hoàn toàn khi gặp Thái tử Naruhito.
Gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1986, Naruhito đã ngay lập tức bị nhan sắc và tài năng của Masako hút hồn. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm theo đuổi và 2 lần cầu hôn, Thái tử vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu của Masako, chỉ vì bà e ngại đối với cuộc sống với một loạt những lễ nghi nghiêm khắc bên trong Hoàng tộc, cũng như muốn tiếp tục theo đuổi con đường sự nghiệp của riêng mình.
Tuy nhiên, sau một loạt các sức ép từ phía gia đình, cùng với lời cầu hôn chân thành lần thứ ba của Thái tử, với lời hứa sẽ bảo vệ bà cả đời, bất kể các áp lực từ Hoàng gia, Masako đã chấp nhận thay đổi cuộc đời mình, trở thành người phụ nữ thứ hai là thường dân nắm giữ vai trò to lớn trong gia đình Hoàng gia Nhật Bản. Đám cưới của 2 người đã diễn ra một cách giản dị và kín đáo vào năm 1993.
Tuy nhiên, vào năm 2003, 10 năm sau ngày kết hôn, Công nương Masako gần như biến mất trước công chúng Nhật Bản. Bà bắt đầu phải đấu tranh với căn bệnh trầm cảm của mình, mà theo các quan chức gọi là chứng rối loạn điều chỉnh, xuất phát từ những sức ép lớn đến từ việc không thể sinh hạ một thái tử thừa kế Hoàng tộc. Bà hạ sinh Công chúa Aiko năm 2001, song theo luật hoàng gia tồn tại từ cuối thế kỷ 19, phụ nữ lại không được phép thừa kế ngai vàng.
Đây cũng chính là lúc mà lời hứa của Thái tử dành cho vợ mình được thực hiện. Naruhito lúc đó đã khiến cả đất nước phải sốc với sự cương quyết trong việc bảo vệ Masako, bất chấp vị thế của mình lúc đấy. Ông đã nói rằng bà Masako đã “hoàn toàn kiệt sức” khi đã cố gắng điều chỉnh lối sống và tính cách của mình để có thể phù hợp với cuộc sống với một loạt các quy tắc nghiêm ngặt của một Công nương, cho rằng các quy tắc đã “ảnh hưởng đến sự nghiệp cũng như tính cách của Masako”, chỉ trích việc bà không có được một cuộc sống thoải mái, không được xuất ngoại hay tiếp tục sự nghiệp ngoại giao của mình. Những nhận xét thẳng thừng của Thái tử đã phải nhận chỉ trích từ em trai của ông, cùng với một cái thở dài của Nhật hoàng Akihito.
Giữ vững lời hứa của mình và bảo vệ vợ trước mọi chỉ trích của công chúng, Thái tử đã trở thành Tân Nhật hoàng đầu tiên không sinh con trai. Thay vào đó, ông dành hết tình yêu của mình cho con gái, công chúa Aiko, 17 tuổi, trở thành một tấm gương mẫu mực cho hình ảnh những người cha gần gũi và yêu thương con cái, vốn còn khá hiếm hoi tại một đất nước bảo thủ như Nhật Bản.
Người mang đến những thay đổi tích cực
Thái tử Naruhito là một người đi đầu trong Hoàng tộc trong việc chống lại ô nhiễm môi trường, ông đã tham gia vào các hội nghị quốc tế về nước sạch vào năm 2015 và đưa ra các nhận xét tại ban cố vấn của Liên hợp quốc về vấn đề nước sạch và vệ sinh. Thái tử cũng tìm hiểu và muốn đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn đề về biến đổi khí hậu.
Công nương Masako đã nhiều lần lên tiếng về việc bảo vệ những trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, bao gồm cả những người bị lạm dụng hay sống trong cảnh nghèo đói tại Nhật Bản. Bà cũng cam kết sẽ xuất hiện trước công chúng nhiều hơn sau khi lên ngôi Hoàng hậu, có thể mang đến hạnh phúc và niềm vui cho cả đất nước đúng với vai trò của một người đứng đầu Hoàng tộc.
Theo: nguoivietonhat.com
Công viên Nhật Bản lấy cảm hứng từ nhân vật hoạt hình
Công viên Moomin Valley được khai trương vào ngày 16/3 tại thành phố Hanno, cách Tokyo khoảng 40 km.