Nhật ký cách ly của du học sinh: Cảm giác là gánh nặng của Tổ quốc nên tự biến mình thành “sao đỏ”

"Một trải nghiệm mà chắc chắn sẽ không có lần hai trong đời. Nó dạy tôi cách thích nghi và nhìn vào những mặt tích cực ở hiện tại..", một du học sinh chia sẻ từ khu cách ly.

12:00 26/03/2020

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với số ca nhiễm tăng lên nhanh chóng trên toàn cầu, có khá nhiều du học sinh cũng như công dân Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài quyết định trở về nước.

Nhật ký cách ly của du học sinh: Cảm giác là gánh nặng của Tổ quốc nên tự biến mình thành “sao đỏ”

Khu cách ly tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: FB Đặng Ngọc Ánh

Sau khi về nước, theo quy định tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam đều được cách ly tập trung 14 ngày trước khi trở về với gia đình, đây cũng như một biện pháp để tránh nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.

Trong thời điểm thiếu cơ sở cách ly, một số địa phương đã trưng dụng các doanh trại quân đội, ký túc xá sinh viên để làm nơi cách ly tập trung. Dù điều kiện cơ sở vật chất tại khu cách ly còn nhiều hạn chế, nhưng thay vì chê bai như một số trường hợp, nhiều bạn trẻ đã tự ý thức được trách nhiệm của bản thân và chung tay giúp đỡ các cán bộ, bộ đội, tình nguyện viên để cải thiện tình hình.

Xin lỗi vì là người chọn cách quay về Việt Nam giữa tâm dịch

Câu chuyện đang được cộng đồng mạng chia sẻ nhiều của bạn Đặng Ngọc Ánh, một nữ du học sinh Đức vừa trở về Việt Nam hôm 20/3 và đang cách ly tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (Hoàng Mai, Hà Nội) dưới đây là một ví dụ điển hình về tinh thần trách nhiệm đối với sức khoẻ của bản thân và sự an toàn của cộng đồng.

Mở đầu những dòng chia sẻ, Ngọc Ánh viết: "đầu tiên em xin cúi đầu xin lỗi Tổ quốc, xin lỗi mọi người vì bản thân em là người chọn cách quay về Việt Nam giữa tâm dịch đang có những biến đổi khó lường. Chính em là người hiện tại đang là gánh nặng của Tổ quốc".

Ngọc Ánh cho rằng, với tình hình hiện tại việc lựa chọn đi hay ở có rất nhiều bài đã bàn luận và bạn tin rằng mỗi người có một quyết định riêng tuỳ vào hoàn cảnh. Còn với bản thân, Ngọc Ánh cho biết, quyết định trở về Việt Nam có sự tác động của gia đình nhưng bạn vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng.

Trở về Việt Nam vào hôm 20/3, Ngọc Ánh cùng những người khác đã được đưa đến cách ly tại khu nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. Theo quan sát của Ngọc Ánh "mọi thứ thực sự rất rất tốt, các chú bộ đội chuẩn bị cho mọi người cơm ăn đầy đủ" và bạn thực sự biết ơn vì điều này.

Về những tin tức trên mạng phản ánh những hình ảnh không đẹp về một số Việt kiều từ nước ngoài về Việt Nam, Ngọc Ánh cho biết "chính em chứng kiến cảnh nhộn nhạo đó, em thực sự rất thất vọng".

Để góp phần thay đổi hình ảnh đó, ngoài chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu từ cơ quan chức năng và những cán bộ, bộ đội, nhân viên tại khu cách ly, Ngọc Ánh và các bạn cùng phòng bắt tay vào hành động.

Theo đó, các bạn đã tự dọn dẹp vệ sinh và sắp xếp đồ đạc ngay khi nhận phòng, đồng thời, cùng lan toả ý thức đó đối với những người ở các phòng bên.

Thậm chí, các bạn còn biến bản thân thành "sao đỏ" để cùng làm mọi việc thật tốt và kêu gọi những người khác trong khu cách ly làm theo để cán bộ không phải nhắc nhở nhiều.

Theo Ngọc Ánh việc tự vứt rác thải sinh hoạt, tắt điện hành lang tuy là những việc nhỏ nhưng là hành động giúp giảm bớt căng thẳng cho các chú bộ đội.

"Với những cô chú Việt kiều" có biểu hiện thái độ không chuẩn mực, ăn nói khó nghe với bộ đội" nhóm của Ngọc Ánh đều dùng thái độ kiên quyết và lễ độ để thay các chú bộ đội đáp trả nhằm "bảo vệ những sự cố gắng không ngừng nghỉ của các chú bộ đội".

Một bữa cơm trong khu cách ly được Ngọc Ánh chia sẻ

Ngoài ra, nhóm của Ngọc Ánh còn đưa ra đề xuất "tự trả tiền ăn ở" và giúp đỡ (như kiểu tình nguyện viên) nhưng được các chú bộ đội khuyên nếu muốn ủng hộ thì có thể chuyển vào các tài khoản ủng hộ của nhà nước.

Thừa nhận "cậu ấm cô chiêu có lẽ là từ có thể nói với phần lớn những đứa sinh thời của em vì so với thời trước bọn em có điều kiện hơn nhiều" nhưng Ngọc Ánh bày tỏ không đồng tình về hiện tượng nhiều gia đình có người thân trong khu cách ly tập trung trước cổng khu cách ly để "tiếp tế" đồ ăn, vật dụng xảy ra gần đây.

Ngọc Ánh cho rằng, tâm lý chung của các phụ huynh du học sinh là hay lo lắng, sợ con thiếu thốn. Tuy nhiên, du học sinh khi xác định trở về nước sẽ bị cách ly nên đã chuẩn bị sẵn một số đồ ăn vặt, vật dụng cá nhân nên việc gửi đồ vào là không cần thiết.

Cuối cùng, Ngọc Ánh nhắn nhủ: "mong chính thế hệ trẻ của chúng ta khi đã lựa chọn cho tôi một phương án tốt thì hãy cố gắng biến phương án tốt cho bản thân ấy thành tốt cho tất cả mọi người".

Cách ly – tệ mà cũng không tệ

Cũng như Đặng Ngọc Ánh, Nguyễn Quang Vinh, một cựu du học sinh trở về từ Nhật Bản vừa hoàn thành 14 ngày cách ly đã có những chia sẻ về trải nghiệm ở khu cách ly.

Quang Vinh cho biết, cuộc sống ở Nhật dạy cho bạn cách sống lúc nào cũng cần kế hoạch. Nhưng kế hoạch về chơi Việt Nam trong 3 tuần của Quang Vinh đã hoàn toàn bị thay đổi bởi một thứ không ngờ - cách ly.

Đáp xuống sân bay Nội Bài vào ngày 3/3, sau khi làm hết thủ tục ở sân bay, Vinh đã rất vui vì tôi không thuộc diện cách ly. "Nhưng đời không như mơ. Sau khi ở nhà được 3 ngày, vào đúng cái đêm bệnh nhân số 17 được công bố thì chính quyền địa phương đến nhà và thông báo lúc nửa đêm về việc tôi đi cách ly tập trung. “Cách ly” đã đủ rồi, lại còn “tập trung”. Vô cùng ghét những từ như “cách ly” hay “bệnh nhân” trong những ngày này ở Việt Nam", Vinh chia sẻ.

Vinh cho biết, thực ra có thể chọn cách ly ở nhà. Nhưng nếu ở nhà thì cả gia đình sẽ cùng phải cách ly trong nhà, có người thường trực bên ngoài 24/24, rất mất tự do và làm phiền hàng xóm xung quanh nên bạn đã tự nguyện chọn phương án đi cách ly ở khu chỉ định. Vinh đã được đồng ý làm “bệnh nhân” để được đưa đi “cách ly”.

Khi đến khu cách ly là một doanh trại quân đội ở Đông Hưng, Thái Bình. Vừa xuống xe Vinh được hai chiến sĩ mặc áo mưa, đeo khẩu trang đón và xịt thuốc khử trùng vào tay, sau đó sắp xếp đồ về phòng.

"Trước khi về phòng có một anh có vẻ lớn tuổi hơn đến phổ biến nội quy sống ở doanh trại. Phổ biến xong, anh chốt lại: “Đây là doanh trại quân đội, không thể so sánh với khách sạn được. Các chú lính ở được thì em cũng ở được". Tôi vâng vâng dù chưa hình dung nó sẽ như thế nào", Vinh nhớ lại.

Vinh được sắp xếp ở một mình trong một phòng có 4 chiếc giường. Trên giường có gối, chăn, màn nhưng chưa được gấp gọn. Nhà vệ sinh và nhà tắm ở ban công phía sau cũng chưa được dọn dẹp. Nước thỉnh thoảng mất và cơm nếu đến muộn sẽ không còn thức ăn.

Phải đến ngày thứ 3, Vinh mới học được cách đối phó và thích nghi. Phòng bẩn, không có dụng cụ lau dọn, Vinh nhờ người nhà gửi chổi, giẻ lau, thuốc tẩy rửa và tự làm lao công miễn phí cho phòng tôi và phòng bên cạnh. Vinh cũng nắm được những khung giờ mất nước để chủ động không tắm hay đi vệ sinh trong khung giờ này. Vinh thường đi lấy cơm từ rất sớm, để lấy đủ thức ăn và tránh tiếp xúc đông người.

Vinh thường đi lấy cơm từ rất sớm, để lấy đủ thức ăn và tránh tiếp xúc đông người.

Để tận dụng thời gian trong khu cách ly, Vinh thường đi bộ, chạy, và đu xà vào lúc rảnh rỗi. Lúc trong phòng Vinh phân chia thời gian thành thời gian sinh hoạt cá nhân, thời gian nói chuyện với gia đình bạn bè, thời gian đọc sách và thời gian xem phim.

Vinh cho biết, thời gian mười mấy ngày trôi qua nhanh hơn Vinh nghĩ. "Thời gian ở đây cũng cho tôi khoảng lặng lâu nhất từ trước tới nay, cách ly với cuộc sống bên ngoài để nghĩ về cuộc sống.

"Đây cũng là khoảng thời gian tôi nghĩ về nghề nghiệp tương lai khi thấy nền kinh tế đang gặp khó khăn về dịch bệnh, và nhiều công ty cắt giảm nhân sự, tiền thưởng... Nhiệm vụ của tôi là bước đi vững chắc và không để bị quật ngã. Và tôi nghĩ nghiêm túc về việc học thêm nhưng thứ mang tính cần thiết, hơn là chỉ vì học cho sở thích. Và tới đây có thể tôi sẽ học thêm về chứng khoán và một ngôn ngữ khác như tiếng Đức", Vinh cho biết thêm.

Cũng trong thời gian cách ly, Vinh có thời gian để email làm quen các bạn sẽ vào cùng công ty, kết giao với hàng xóm hay trò chuyện cùng các bạn sống ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan để hiểu hơn về cuộc sống của họ.

Sau 14 ngày cách ly, hầu hết cả dãy nhà đều được “tốt nghiệp” và về hết. Điều nay gợi cho Vinh cảm giác giống như thời đi quân sự hồi còn học đại học.

"Dù ngày đầu ghét cay ghét đắng nơi này, nhưng nó đã cho tôi một trải nghiệm mà chắc chắn sẽ không có lần hai trong đời. Nó dạy tôi cách thích nghi và nhìn vào những mặt tích cực ở hiện tại, và nhìn lại về cuộc sống của tôi. Sống cách ly rất tệ vì cơ sở vật chất chưa tốt, vì nó tiêu tốn thời gian ngoài kế hoạch của bản thân. Nhưng nó không tệ vì nó đã cho tôi cái nhìn sâu sắc hơn về nhiều thứ tôi từng nhìn qua loa hàng ngày", Vinh chia sẻ.

Theo: bizlive.vn

Tags:
Tập đoàn sinh học Nhật Bản phát triển vắcxin chống COVID-19

Tập đoàn sinh học Nhật Bản phát triển vắcxin chống COVID-19

Tập đoàn y sinh Anges Inc của Nhật Bản hợp tác với Trường Đại học Osaka đã hoàn tất việc phát triển một loại vắcxin DNA phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất