Những điều thú vị về ngày Valentine ở Nhật
Ngày lễ Tình Nhân Valentine 14/2 là một trong những dịp lễ lớn trong năm đối với những đôi yêu nhau. Ngày này có thể sẽ khiến một số FA phải tủi thân, tuy nhiên, khi đến với Nhật Bản, đến cả FA cũng sẽ không còn cảm thấy cô đơn nữa.
07:00 08/02/2020
Vậy hãy cùng chúng mình tìm hiểu xem, Valentine ở Nhật có gì đặc biệt nhé!
Nguồn gốc ngày Valentine và sự du nhập vào Nhật Bản
Ngày lễ Tình Nhân vốn là ngày lễ của các nước phương Tây bắt nguồn từ Kito giáo. Có giả thuyết cho rằng đó là do một linh mục người Ý có tên là Valentine đã bí mật tổ chức lễ cưới cho một cặp vợ chồng trẻ bất chấp lệnh cấm của nhà vua. Vào buổi chiều ngày 14/2 trước khi ra pháp trường, ông đã gửi tấm “thiệp Valentine” đầu tiên cho cô con gái của viên cai tù, người thiếu nữ mù lòa đã được ông cứu chữa bằng phép lạ trước đó và ký tên “from your Valentine”. Dần dần phong tục này được lan rộng khắp thế giới, ngày 14/2 hàng năm trở thành ngày trao đổi các bức thông điệp của tình yêu.
Lễ Tình Nhân được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản bởi các hãng bánh kẹo với mục đích thương mại. Đối tượng đầu tiên được nhắm tới là những người nước ngoài, chiến dịch quảng bá đầu tiên được đăng trên một tờ báo địa phương bằng tiếng Anh. Hoạt động này sau đó đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo chị em phụ nữ và thậm chí đã trở thành nét văn hóa trong ngày Valentine. Một hoạt động marketing thành công đến mức này quả cũng thật hiếm thấy!
Valentine phong cách Nhật Bản do sự cố “dịch nhầm”
Valentine là ngày các cặp đôi yêu nhau bày tỏ tình cảm chân thành của mình đến đối phương. Tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, ngày này sẽ là ngày người nam tặng quà cho nữ giới, tuy nhiên ở Nhật Bản thì ngược lại, đây là dịp mà các bạn nữ sẽ thổ lộ tình cảm của mình đến người mình “thầm thương trộm nhớ”. Và nguyên do của sự việc này bắt nguồn từ sự cố “dịch nhầm”.
Exif_JPEG_PICTURE
Lễ Tình Nhân được cho là xuất hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 1936 bới công ty sản xuất bánh kẹo Morozoff. Một nhân viên của công ty này khi được bạn mình giới thiệu về ý nghĩa ngày Valentine 14/2 đã dịch nhầm từ nam tặng cho nữ thành nữ tặng cho nam, và nhờ các chiến dịch quảng bá rộng rãi của công ty, ngày Valentine theo phong cách Nhật Bản này được phổ biến rộng rãi trên toàn đất nước.
Nhắc tới Valentine là nhắc tới socola
Valentine trên thế giới hay tại Việt Nam, các món quà được trao đi thường là hoa hồng đỏ với ý nghĩa “yêu em”, là những tấm thiệp với những câu từ lãng mạn, là những món quà không chỉ là socola thể hiện tình cảm đến đối phương. Nhưng ở Nhật, khi nhắc tới Valentine người ta lại thường chỉ nhắc tới socola. Không thể không kể đến đây là sự thành công vang dội của các hãng bánh kẹo nhưng cũng là đặc trưng rất riêng chỉ có ở Nhật Bản. Cảm giác hồi hộp khi kiểm tra ngăn bàn của các nam sinh, sự e thẹn ngại ngùng khi tặng Honmei-choco hình trái tim dễ thương mà bản thân đã cẩn thận làm từng chút một của nữ giới, tất cả tạo nên không khí bay bổng lãng mạn khắp nơi khi đến lễ Tình Nhân. Gần đây còn có loại socola mới xuất hiện, được gọi là Gyaku-choco, socola nam giới tặng cho nữ giới, ngược lại với bình thường. Ngày lễ Tình Nhân mà, ai cũng muốn được bày tỏ tình cảm của mình đúng không nào!
Lễ Tình Nhân không chỉ dành riêng cho các cặp tình nhân
Trong không khí hường phấn lãng mạn của Valentine, khi các trái tim bay tứ tung khắp nơi, các FA vẫn đang lẻ bóng chắc chắn sẽ không phải thất vọng khi đến với Nhật Bản khi ngày lễ Tình Nhân không chỉ dành riêng cho các cặp tình nhân. Tại đây, có rất nhiều loại socola với ý nghĩa và dành cho các đối tượng khác nhau. Có thể kể đến như Giri-choco socola “tình nghĩa” dành tặng cấp trên và đồng nghiệp nam, Tomo-choco socola dành tặng bạn bè, Jibun-choco socola dành tặng bản thân, Fami-choco, socola dành tặng nam giới trong gia đình.
Làn sóng phản đối Giri-choco
Giri-choco, socola được sinh ra ở Nhật Bản, nhưng cũng chính tại đây, loại socola “tình nghĩa” này cũng đang bị phản đối không ít. Một khảo sát về Giri-choco đã được thực hiện với đối tượng là 403 người cả nam và nữ. Khi được hỏi, “Bạn có muốn tặng/được tặng Giri-choco không”, chỉ 20% phụ nữ trả lời “Có”, và hơn 70% người trả lời là “Không”. Về phía cánh mày râu cũng có kết quả tương tự khi được hỏi, 30% người trả lời “Muốn được nhận”, và hơn 60% người trả lời “Không muốn nhận”.
Vốn dĩ, ý nghĩa của Giri-choco là để bày tỏ lòng cảm ơn, giữ mối quan hệ hài hòa trong công việc, tuy nhiên, nhiều phụ nữ cảm thấy thật khó xử cho đối phương, hay họ không muốn món quà trao đi chỉ vì mục đích xã giao, cũng có người than phiền về số tiền phải bỏ ra trong ngày này vì số lượng đồng nghiệp quá đông. Về phía người nhận là nam giới, người thì cảm thấy thích thú khi được nhận quà nhưng với nhiều người lại thành ra khó xử, hoặc không muốn gây áp lực lên nữ giới, hoặc lý do đơn giản vì họ không thích đồ ngọt. Sự phản đối thậm chí đã trở nên gay gắt hơn nữa khi có công ty đưa ra quy định “Cấm tặng socola tại nơi làm việc trong ngày lễ Tình Nhân” và nhận được đông đảo sự ủng hộ.
Chiến dịch “Chống lại chủ nghĩa lãng mạn” của Liên minh những người đàn ông ế
Liên minh đặc biệt này được lập ra vào năm 2006 đến nay đã được 14 năm, với sự tham gia của những người phản đối “Chủ nghĩa lãng mạn” hoạt động vào 2 dịp trước lễ Giáng sinh và lễ Tình Nhân. Đại diện đời thứ 3 của Liên minh, anh Akimoto Isono cho hay: “Liên minh chúng tôi không phản đối lễ Giáng sinh và lễ Tình nhân tiêu cực đến mức muốn chúng biến mất. Mục đích hoạt động của liên minh đó là muốn thay đổi cái nhìn của mọi người đến những người không được đào hoa, không thể đánh giá người khác chỉ vì họ không có người yêu”. Hiện nay liên minh đã được biết đến nhiều hơn, và đã xuất hiện bóng dáng của cả phụ nữ cùng tham gia. Dịp Valentine này, liên minh dự định sẽ tiếp tục biểu tình ở Shibuya vào ngày 13/2, nếu bạn có ý muốn tìm hiểu hoặc tham gia, xin tham khảo trên trang chủ của liên minh: http://kakuhidou.fumizuki.net
Theo: isenpai.jp
Đến Nhật xem chuột capybara tắm nước nóng
Những con chuột lang nước to lớn ở vườn thú Izu Shaboten thư thái ngâm mình trong suối nước nóng giữa ban ngày. Chúng nhắm mắt mặc kệ sự đời, mặc kệ thế nhân tò mò vây quanh liên tục hướng ống kính camera về mình chụp ảnh.