Những lý do vì sao các nhà hàng Nhật Bản không có văn hoá nhận tiền boa
Ở nhiều nơi khác, việc cho nhân viên tiền boa để bày tỏ sự hài lòng về dịch vụ là một nét đẹp, nhưng Nhật Bản hoàn toàn không có văn hoá này và đây là lý do.
14:00 22/08/2019
Nhiều sách hướng dẫn về du lịch Nhật Bản thường xuyên nhắc nhở du khách rằng không nên boa (tip) các nhân viên nhà hàng, bởi vì ở Nhật Bản không có văn hoá này và thậm chí được xem là bất lịch sự. Tuy nhiên, không phải vì người Nhật nghĩ rằng động thái này là khiếm nhã, mà vì những lý do sau đây.
Tiền boa (tip) không thuộc văn hoá Nhật
Văn hoá tiền boa vốn không thuộc Nhật Bản.
Nhiều sách hướng dẫn nói rằng boa nhân viên là bất lịch sự, nhưng trong mắt nhiều người Nhật, nó không phải bất lịch sự mà chỉ là... kì lạ. Bởi vì các nhân viên người Nhật luôn luôn cho rằng việc phục vụ khách chu đáo hết mức có thể nằm trong nội dung công việc, và họ được trả đủ lương để làm chuyện đó. Thực chất, các công việc như phục vụ bàn được trả lương đủ cao để nhiều người muốn làm việc này, nên tiền boa thực sự không cần thiết, chứ không phải bất lịch sự.
Có một cách "boa" đặc biệt
Bạn không cần phải để lại một phần tiền boa riêng, mà có một cách để tăng thu nhập cho nhân viên nhà hàng. Đó là tại một số quán ăn, bạn sẽ được phục vụ một phần tráng miệng trước khi gọi món, phần này gọi là "otoshi". Tuy nhiên, phần này không phải đồ miễn phí như khăn mặt hoặc các món ăn kèm. Otoshi thường có giá khoảng 500 yen đến 1000 yen, nhưng xét theo khẩu phần ăn chỉ vài miếng là hết thì đây là một cái giá khá đắt. Song, nếu bạn xem đó là cách để boa cho nhân viên nhà hàng thì lại khác. Thay vì để dư tiền cho nhân viên, bạn có thể ăn món khai vị và tính món này vào hoá đơn.
Song, không phải nhà hàng nào tại Nhật cũng có otoshi mà chỉ những quán ăn lớn một chút mới có.
Makanai
Thông thường, văn hoá boa tiền xuất phát từ việc bày tỏ sự hài lòng với dịch vụ, cũng như giúp những nhân viên với đồng lương ít ỏi trang trải thêm. Nhưng đối với người Nhật thì điều này không cần thiết bởi vì trừ mức lương hợp lý ra thì còn có một ưu đãi cho nhân viên là makanai - nghĩa là những bữa ăn được cung cấp bởi nhà hàng cho nhân viên. Vậy nên, những nhân viên không phải lo về ăn uống trong ngày, số tiền họ kiếm được có thể được dành dụm cho việc khác.
Chất lượng phục vụ kiểu mẫu
Tiền boa là dấu hiệu cho thấy sự hài lòng của khách hàng với việc phục vụ. Một khách hàng có thể boa cho một nhân viên khi người này phục vụ tận tình, nhưng cũng có thể từ chối boa cho một nhân viên thờ ơ, thiếu săn sóc. Song, điều này không xảy ra ở Nhật Bản, nơi mà dịch vụ mọi nơi đều phải có chất lượng tốt như nhau. Với chất lượng phục vụ "trăm người như một", thật khó để tìm ra một ai đó xuất sắc hơn bình thường để mà boa cho họ.
Ngoài ra, người Nhật cũng có văn hoá tự hào về công việc của mình nên bất kì ai cũng phải cho đi 100% cố gắng mỗi khi làm việc.
Nguồn: Kenh14.vn
3 lý do khiến giới trẻ Nhật 'ế bền vững'
Gần một nửa (46,8%) số nam thanh nữ tú độc thân ở Nhật Bản có nguyện vọng kết hôn nhưng lại không thể tìm được bạn đời phù hợp.