Niên hiệu triều đại mới của Nhật Bản gây tranh cãi
"Rei" trong Reiwa thường được hiểu theo nghĩa "ra lệnh" khiến niên hiệu mang sắc thái tiêu cực, nhưng Nhật Bản cho biết nó còn có nghĩa là "tốt đẹp".
13:00 03/04/2019
Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga giơ tấm biển viết chữ "Reiwa", niên hiệu triều đại mới của Nhật Bản, tại Tokyo hôm 1/4. Ảnh: AFP.
Triều đại mới của Nhật Bản sẽ bắt đầu vào ngày 1/5, thời điểm Thái tử Naruhito lên ngôi sau khi Nhật hoàng Akihito thoái vị vào 30/4, chấm dứt 31 năm của thời kỳ Heisei (Bình Thành). Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm qua tuyên bố niên hiệu của triều đại mới là Reiwa (Lệnh Hòa).
Niên hiệu là một phần trong cuộc sống thường ngày của Nhật Bản, xuất hiện trên đồng xu, giấy phép lái xe và các văn bản, đồng thời dùng để đếm năm dù người Nhật vẫn sử dụng lịch phương Tây. Tuy nhiên, ý nghĩa của niên hiệu Reiwa khiến nhiều người cảm thấy mơ hồ và gây tranh cãi.
"Rei", ký tự đầu tiên trong niên hiệu, thường được hiểu theo nghĩa "ra lệnh" hoặc "yêu cầu", có sắc thái độc đoán khiến một số người cảm thấy không hài lòng. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và chính phủ giải thích "rei" là "tốt lành" hoặc "tươi đẹp", nhưng ý nghĩa này ít phổ biến hơn.
"Wa", ký tự thứ hai, có nghĩa là "hòa bình" hoặc "hòa hợp". Lãnh sự quán Nhật Bản tại New York, Mỹ cho biết hai ký tự hợp lại mang ý nghĩa "sự hài hòa tốt đẹp", nhằm nỗ lực giải đáp sự hiểu lầm của một số người.
Niên hiệu Reiwa không do nhà vua lựa chọn mà là nội các Nhật Bản, sau khi họ tham khảo các đề xuất của giới học giả. Trong khi nhiều người Nhật có phản ứng tích cực về niên hiệu mới, một số người, đặc biệt là giới trẻ, cho rằng tên này nghe khá gay gắt. "Có phải nó nghĩa là 'tuân theo mệnh lệnh' không? Họ dường như muốn một thời kỳ quân phiệt khác", một người dùng Twitter viết.
Masaharu Mizukami, giáo sư ngành triết học Trung Quốc tại Đại học Chuo ở Tokyo, cho biết những phản ứng trái chiều cho thấy khoảng cách thế hệ hoặc sự thiếu hiểu biết về kanji, hán tự trong tiếng Nhật. "Với những người không biết ý nghĩa 'tốt đẹp' của ký tự 'rei', nó có thể gây cảm giác tiêu cực", ông nói. Tuy nhiên, giáo sư thừa nhận ấn tượng ban đầu của ông về niên hiệu Reiwa không quá tích cực bởi sắc thái mạnh mẽ của ký tự "rei".
Chính phủ nhấn mạnh niên hiệu mới có nguồn gốc từ Vạn Diệp Tập, tuyển tập thơ cổ nhất của Nhật Bản với 1.300 năm tuổi, không xuất phát từ Trung Quốc như tên các triều đại trước.
Nhật hoàng Akihito, 85 tuổi, bày tỏ mong muốn nghỉ hưu hồi năm 2016 bởi lo ngại không thể hoàn thành các nhiệm vụ do tuổi cao, trở thành nhà vua đầu tiên chủ động rời Ngai vàng Hoa Cúc trong khoảng hai thế kỷ. Thái tử Naruhito, 59 tuổi, con trai cả của Nhật hoàng, được chọn làm người kế vị.
Nguồn: vnexpress.net
Tiêu chuẩn cho làn da trắng mịn, trong veo của con gái Nhật là phải mỹ miều như bánh Mochi
Mochi Skin chính là tiêu chuẩn mà phái đẹp Nhật hướng đến với làn da căng mướt, mềm mịn như những miếng bánh mochi.