Nữ Thạc sĩ từng đi 35 nước phản pháo du học sinh Mỹ: Sinh ra ở vạch đích thì làm sao hiểu được nỗi khổ của người khác
"Dù bức tranh du học của mình có những ngày mở mắt ra là thấy màu xám vì nỗi buồn xâm chiếm, nhưng mình vẫn không hối hận.
18:00 08/12/2018
Xuất phát điểm của mỗi người một khác, vì thế không nên đánh đồng tất cả, có những nỗi khổ của du học sinh các nước mà du học sinh Mỹ không thể hiểu được" - Quỳnh Anh viết.
"Nếu ai đó nói rằng ra nước ngoài đem lại cho bạn một cuộc sống như mơ, cuộc sống màu hồng thì hoàn toàn không đúng đâu. Có những ngày mở mắt sẽ là toàn màu xám, có ngày ăn cơm không cần muối vì nước mắt đã đủ mặn" là những câu nói trong bài viết về cuộc sống du học của Lê Quỳnh Anh, người từng du học 7 năm ở nhiều quốc gia và đang là Nghiên cứu sinh ở Hungary.
Ngay lập tức sau đó, Nguyễn Thu Anh du học sinh Southern Methodist University (Hoa Kỳ) đã phản bác rằng: Quyết định du học là một quyết định đổi đời. Với những bạn xuất thân từ gia đình trung lưu như mình, đó còn là một quyết định đắt đỏ, một cuộc đầu tư đầy hào phóng của bố mẹ. Vì thế, có mục tiêu, có động lực rồi hẵng nên đi. Đừng để "có lúc lại chạnh lòng tự nghĩ, mình đang làm gì ở nơi này nhỉ, mình nên tiếp tục học không hay dừng lại." Mình phí mấy tháng tuổi xuân thì cũng tạm gọi là hơi buồn, nhưng phí một đống tiền của bố mẹ chỉ vì "hoá ra con chưa nghĩ kỹ" thì thực sự là vô trách nhiệm.
Không đồng tình với quan điểm của Thu Anh, Quỳnh Anh và bạn của mình là Khánh Linh tiếp tục lên tiếng phản pháo, rằng mỗi người có một xuất phát điểm khác nhau, có một câu chuyện khác nhau, du học là cô đơn, là khổ và phải chấp nhận với điều đó.
Lê Quỳnh Anh hiện đang là nghiên cứu sinh tại Hungary
"Canvas" không chỉ có màu trắng để vẽ rõ màu hồng!
Đừng nói du học là quyết định đắt đỏ và là cuộc đầu tư đầy hào phóng của bố mẹ khi mà xuất phát điểm của mỗi người là khác nhau. "Canvas" không phải chỉ có một màu trắng. Không phải gia đình cũng có điều kiện để hào phóng về tài chính, đôi khi bố mẹ chỉ có thể hào phóng về niềm tin và sự kì vọng. Chia sẻ của một bạn du học sinh Mỹ đánh mạnh vào việc chuẩn bị kĩ càng trước khi du học, đặc biệt là tài chính. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp khi chuẩn bị được tài chính kĩ càng thì đã bỏ lỡ đi cơ hội có thể chỉ đến 1 lần trong đời, bỏ đi tuổi trẻ được trải nghiệm muôn nơi.
Chẳng lẽ cứ phải chuẩn bị kĩ tài chính như ba mẹ bạn đã chuẩn bị cho bạn, thì những học sinh nghèo ham học mới có thể chạm đến ước mơ du học hay sao? Chẳng lẽ cứ phải có thật nhiều tiền thì mới có thể đi du học? Vậy chắc bạn chưa nghe đến việc học phí Pháp tăng (gần như là) đột ngột lên 15 lần? Nếu bạn là một du học sinh Pháp đang đứng trước ngưỡng chuyển giao của hai cấp Đại học hay Thạc sĩ (cả Tiến sĩ), thì dù bạn đã từng thành công trong việc chứng minh tài chính bước đầu khi xin visa (sự chuẩn bị kĩ ban đầu), bạn cũng sẽ phần nào lao đao với sự bất ngờ này!
Khánh Linh từng nhận Học bổng trao đổi sinh viên của Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông, Pháp
Liệu bạn có thể nói được "Sao không chuẩn bị kĩ hơn?" không, khi mà có những người du học bằng chính những đồng tiền tiết kiệm của bản thân sau những năm tháng nỗ lực, chỉ nhận được rất ít sự trợ cấp của gia đình, khi bạn phải đi học từ 8h sáng đến 4h chiều, sau đó bắt tàu chạy xe để đi làm từ 5h chiều đến 11 giờ đêm và thức đêm để làm project cho kịp nộp đúng hạn. Nếu lúc đó bạn vẫn bình tĩnh và nói thế này, thì tôi khâm phục bạn!
Khi một ngày stress đến muốn buông bỏ tất cả, buông bỏ cả đi việc học mà bạn đã cố gắng suốt bấy lâu, thì cũng là lúc tâm trạng bạn đã chạm đáy. Nếu lúc đó, bạn còn ý thức được bạn đã tự tin như thế nào, thì bạn đúng là một người lạc quan hiếm có!
Ở Việt Nam sinh viên được đi làm tự do không giới hạn miễn có đủ sức khỏe và đảm bảo khả năng học tập. Trong khi ở nước ngoài, số giờ làm thêm thường bị giới hạn. Nỗi lo cơm áo gạo tiền và học tập sẽ nhiều khi làm bạn phải suy nghĩ. Ngay trên đất Mỹ, du học sinh Mỹ thường bị đánh đồng là hội nhà giàu và rất khó xin các cơ hội hỗ trợ tài chính, việc làm thêm ngoài campus còn hoàn toàn bị cấm. Du học sinh không chỉ "cạnh tranh" với du học sinh mà "cạnh tranh" với chính sinh viên bản xứ để tìm việc khi mà đa số các nước đều có chính sách ưu tiên tuyển dụng người bản xứ.
"Du học sinh Mỹ thường bị đánh đồng là hội nhà giàu"
Tiếng Anh đâu chỉ có một accent!
Có những chuyện dù chúng ta đã chuẩn bị kĩ nhưng có khi xảy ra nhiều điều không thể lường trước. Ví dụ đơn giản như chuyện học tiếng Anh.
Bạn có thể giao tiếp dễ dàng khi sang Mỹ nhờ vào sự va chạm tiếng Anh - Mỹ khi bạn có thể học thầy Mỹ và xem phim hay nghe nhạc Mỹ ở Việt Nam. Nhưng năm 18 tuổi của mình ở Singapore với vốn tiếng Anh được học hành khá kĩ, 2 tháng trời mình đã gần như không hiểu gì vì người Sing nói tiếng Anh với ngữ điệu Singlish mà rất nhiều người Mỹ còn bó tay. Vượt qua trở ngại tiếng Singlish, mình lại gặp thầy giáo Ấn Độ với ngữ điệu kiểu Ấn toàn âm "R", "L". Kì học sau đó, mình lại gặp thầy giáo gốc Scotland với ngữ điệu chẳng hề như người Anh tí nào. Đến thạc sĩ, mình học chương trình của Đại học Nantes, Pháp và được giảng dạy bằng tiếng Anh, mình lại học cách nghe người Pháp nói tiếng Anh như tiếng Pháp. Và đến ngày đi nghiên cứu ở Hungary, mình lại được làm quen với cách người Hung nói tiếng Anh. Thật sự, quá trình học của mình, không bao giờ được chuẩn bị kĩ càng về ngôn ngữ, vì mình kiếm đâu ra thầy Pháp dạy nói tiếng Anh kiểu Pháp hay thầy Hungary dạy nói tiếng Anh kiểu Hungary?
Du học - Cô đơn là điều tất yếu nhưng không được phép hối hận!
Mùa đông lạnh lẽo, đến lá cũng bỏ bạn đi. Du học sinh, tức là làm gì cũng một mình. Tất nhiên, ai chẳng có bạn bè. Tất nhiên, ai cũng muốn vui chơi. Nhưng đâu phải ai cũng thường xuyên đắm mình trong những buổi tiệc tùng họp mặt? Vẫn có lúc buồn, vẫn có lúc cô đơn. Nhất là lúc ốm. Và xung quanh không có ai cả. Bạn biết người này bận. Bạn biết người kia đang đi làm. Bạn biết bạn không nên làm phiền ai hết. Bạn biết bạn phải tự xoay xở. Dù thế nào, cũng phải vượt qua.
Mà đó chỉ là những trận ốm sốt vặt vãnh. Có thể bỏ qua. Vậy nếu rơi vào trường hợp như một bạn du học sinh Nga bị bệnh hiểm nghèo mà bảo hiểm không chi trả cho việc chữa trị bệnh hiểm nghèo ấy, thì bạn có còn khẳng định du học sinh nào cũng được chi trả bảo hiểm dù đã mua? Mình không nghĩ lúc đó bạn đủ tự tin để nói rằng "đã chuẩn bị thật kĩ cho con đường du học của bản thân".
Du học - Cô đơn là điều tất yếu nhưng đã ra đi là không được phép hối hận
Dù bức tranh du học của mình có những ngày mở mắt ra là thấy màu xám vì nỗi buồn xâm chiếm, nhưng mình vẫn không hối hận. Đi du học, mình đã được tự tay làm những việc chưa từng làm, đến những nơi hiếm ai có thể đặt chân đến, gặp gỡ những người mà nếu ở Việt Nam chắc cả đời mình cũng không gặp được. Việc du học đã làm mình lớn khôn và có thể tự tin xoay xở ở mọi trường hợp, dù có là một ngày năm mới tưởng chừng như đang du lịch vui vẻ ở nước ngoài, thì mất tiêu hộ chiếu hay một ngày hè xe otô bốc cháy trong khu rừng cạnh đường quốc lộ.
Mong các bạn có thể tự vẽ nên bức tranh của bản thân mình, cho dù được vẽ trên tấm canvas vốn có màu gì đi chăng nữa.
Theo: kenh14.vn
Cả gia đình suýt ch/ết do hỏa hoạn vì để 1 thứ phổ biến trong ngăn kéo nhà bếp
Câu chuyện này là lời cảnh báo cho tất cả các gia đình trong việc bảo quản đồ dùng.