Ocean Vuong: Lịch sử người Việt ở Mỹ hầu như là làm phục vụ, nhưng tôi muốn thay đổi điều đó
‘Lịch sử người Việt Nam ở Mỹ là làm phục vụ. Nhưng khi làm nhà văn tôi muốn làm một điều gì mới, không có chỉ còn là tâm thế phục vụ người Mỹ nữa...’
20:25 13/02/2023
Ocean Vuong trò chuyện trực tuyến với độc giả Việt do Nhã Nam thực hiện - Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Ocean Vuong trong cuộc trò chuyện với độc giả Việt trên toàn cầu ngày 16-1 đã sử dụng tiếng Anh, nhưng những lời này anh nói bằng tiếng mẹ đẻ.
Chia sẻ về Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian (Nhã Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn), Ocean Vuong nói: "Lần đầu tiên tôi viết tôi không muốn phục vụ người Mỹ".
Anh giải thích, lịch sử của người Việt ở Mỹ hầu như là làm phục vụ người Mỹ. Mẹ anh, bao người thân của anh đã làm như vậy.
Nhưng anh là một nhà văn, một nghề được đứng trước trang giấy trắng mở ra những chân trời tự do, nên muốn "làm một điều gì mới, không có chỉ phục vụ nữa".
"Đứng trước trang giấy trắng là một chân trời tự do mà khi bước tới đó mình lại còn mang tâm thế phục vụ cho bao nhiêu người Mỹ giống như bao nhiêu người Việt lâu nay phục vụ trong những tiệm nail, nhà hàng, hãng, xưởng… thì mình phá, mình tàn, mình mất cơ hội bắt lấy chân trời tự do đó rồi.
Tại sao nếu mình tới được nơi nhiều tự do rồi (trước trang giấy trắng - PV) thì mình phải nắm lấy cơ hội đó để làm chuyện khác. Tôi muốn đổi thay theo hướng đó", Ocean Vuong nói.
Trong buổi trò chuyện, Ocean Vuong cũng giải thích việc anh chọn hình thức của cuốn tiểu thuyết đầu tay là một lá thư của một người con gửi cho mẹ mình, chính là để giúp cho con chữ được phát huy năng lực của nó, giúp anh linh hoạt về thời gian cũng như trình tự bối cảnh.
Và cũng bởi vì anh muốn cuốn sách của mình là một cuộc trò chuyện giữa hai người Việt Nam với nhau chứ không phải giữa tác giả với độc giả. Trong đó anh tập trung xây dựng sự gần gũi và riêng tư của hai người nhưng cũng mở cho công chúng tiếp nhận.
Hình thức lá thư giữa hai người Việt đó cũng khiến người Mỹ khi đọc thì phải nhìn vào văn hóa của người Việt Nam, nơi mà hai mẹ con có một chốn riêng thuộc về.
Cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian tái bản ngay sau 1 tháng phát hành tại Việt Nam - Ảnh: T.ĐIỂU
Khi được hỏi liệu cuốn Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian có phải là một cuốn tự truyện, tác giả kể chính câu chuyện của mình, của gia đình mình, Ocean Vuong cho biết mình "không bao giờ muốn viết tự truyện, không bao giờ muốn dùng gia đình của mình để kể câu chuyện trong cuốn sách, không muốn thương mại hóa nó".
"Tôi biết là độc giả của mình nghĩ là một câu chuyện thật 100% của tôi nhưng nó không đơn giản như vậy. Tôi muốn mình là một người nghệ sĩ thực thụ trước tiên. Nghĩa là phải sáng tạo bằng chính sự tưởng tượng của mình", Ocean Vuong nói.
Tuy vậy, Ocean Vuong cũng khẳng định "điều quan trọng của một nghệ sĩ là mình phải viết về một sự thật mà chúng ta không thể nào khước từ để đối diện với nỗi đau của mình, bởi vì không có bóng tối thì sẽ không có ánh sáng".
Anh nói, những người trong gia đình anh chính là nguồn cảm hứng để mình viết cuốn sách này.
"Tôi sống trong một gia đình mà tôi chứng kiến nỗi cực khổ của mọi người. Đó là cảm hứng của tôi để viết sách, để tôi không lãng phí nỗi buồn ở đâu đó. Mỗi ngày tôi cảm thấy tự tại với những công trình, tác phẩm của mình, với nỗi buồn của mình một cách sâu sắc nhất", Ocean Vuong nói.
Xót xa cuộc đời nữ Việt kiều bị làm mẹ từ tuổi 12, sinh con ra phải gọi là em để tránh mọi người đàm tiếu
Câu chuyện dưới đây là chia sẻ về cuộc đời mình của chị Jora Trang, 33 tuổi, một luật sư về dân sự tại San Francisco, Mỹ.