Ông bố Nhật xây trường cho trẻ Việt theo di nguyện của con gái

Ngôi trường Junko được ông Takahashi xây dựng tại tỉnh Quảng Nam, 2 năm sau khi con gái ông qua đời, theo mơ ước của cô.

20:00 20/06/2019

Trưa 14/5 vừa qua, sau 5 năm xa cách, ông Hirotaro Takahashi, giám đốc một công ty xuất bản tại Tokyo, trở lại trường tiểu học mang tên con gái ông (ở xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), thắp một nén nhang cho con trong tâm thế an yên.

Cách Đà Nẵng 30 km về phía nam, ngôi trường 2 tầng này nằm lọt thỏm trong ngôi làng cạnh sông Thu Bồn, như làm sáng hẳn một vùng quê nghèo trên dải cát trắng. Nơi này, 25 năm trước, mùa nắng cỏ mọc không nổi, mùa mưa nước lên tới nóc nhà, một ngôi trường xập xệ đã được ông Takahashi xây mới.

Ông Takahashi (trái) tại phòng truyền thống của trường tiểu học Junko, trước di ảnh con gái ông, hôm 14/5. Ở tuổi 70, ông vẫn còn bận bịu với những hoạt động giáo dục gắn kết Việt – Nhật. Ảnh: Trần Văn Nam.

Năm 1993, vừa tròn 20 tuổi, Junko – con gái út của ông Takahashi – cùng nhóm bạn sang Việt Nam tìm hiểu làm luận văn về Đông Nam Á. Ở đây, cô tìm hiểu Quảng Nam – một trong những nơi từng là chiến trường khốc liệt nhất. Cô đau xót vì chứng kiến cảnh khổ của người dân, những đứa trẻ đến trường phải lội bùn, đi chân đất, và ngồi trong phòng học như muốn sập. Junko ước mơ khi đi làm sẽ trích tiền lương của mình giúp các em học sinh Việt Nam có chỗ học tốt.

Khi Junko về Nhật Bản, nhiều đêm ông Takahashi sang ký túc xá thấy con gái mắt đỏ hoe vì ngồi xem tài liệu Việt Nam. Junko nói “Bố ơi, tại sao những người dân lương thiện như vậy lại phải hứng chịu chiến tranh, con rất thương họ”. Ông Takahashi chỉ biết xoa đầu con gái, nói “người ta cướp những cái họ không có”.

3 tháng sau, trong một ngày mưa tầm tã, chiếc chuông gió bằng gốm treo trước cửa nhà ông Takahasi rơi vỡ toang, cũng là lúc ông nhận cuộc gọi đầy đau đớn. Junko qua đời vì tai nạn. Trước đó vài ngày, cô còn cùng bạn đến một ngôi đền cầu nguyện cho người Việt.

“Tôi đã đi du lịch nhiều nơi, nhưng chưa có nơi nào mang cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt như Việt Nam. Tôi cảm nhận được sự ấm áp, vui tươi của con người nơi đây và trong cả từng con đường, từng ngõ ngách. Về Nhật Bản, trái tim tôi chỉ mong được trở lại đây, làm gì đó để cuộc sống họ tốt hơn. Nhiều đứa trẻ rất nghèo, phải đi mò cua bắt ốc nhưng vẫn cố gắng đến trường…”, Junko viết trong nhật ký.

Ông bà Takahashi khóc nhiều trước cái chết của con. Chỉ vài ngày đã ông trở nên tiều tụy. Ông luôn hối tiếc vì đã không có thời gian đi chơi trượt tuyết cùng con, cùng con tham gia những trận khúc côn cầu khi Junko du học tại Mỹ, hay khi cô mang về huy chương vàng giải golf sinh viên. Tấm ảnh duy nhất của Junko ông có được là cô chụp cùng bạn bè đại học.

Ngôi trường sơn phối màu xanh ngọc, là màu mà Junko yêu thích. Ảnh: Trọng Nghĩa.

“Với người đàn ông mạnh mẽ như bố của Junko, đây là lần đầu tôi thấy ông ấy yếu đuối đến cùng cực. Hơn một tuần Takahashi chỉ tìm đến rượu, đọc đi đọc lại cuốn nhật ký của Junko không biết bao nhiêu lần”, vợ ông kể.

Thế nhưng, sau vài ngày bi lụy, người ta lại thấy ông đến công ty trong bộ vest chỉnh tề. Công ty đang trong giai đoạn đầu phát triển, ông không muốn nhân viên mất niềm tin vào mình. Mỗi lần stress, ông hay nhìn vào đôi găng tay trượt tuyết mà Junko tặng khi mới đi làm.

“Có lần hai vợ chồng gặp ngoài đường một nữ sinh Việt du học tại Nhật, chồng tôi đứng khóc như đứa trẻ vì nhớ đến Junko”, bà Takahashi nhớ lại. Đó cũng là thời điểm ông Takahashi nảy ra ý tưởng xây trường ở Việt Nam theo di nguyện của con gái.

Sau khi hỏi han, liên hệ qua nhiều tổ chức, năm 1994, ông Takahashi mang theo 200.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng thời điểm 1990) đến Việt Nam. Trong đó có tiền bảo hiểm của Junko và cả khoản để dành tuổi già của ông.

“Những năm đó, Việt Nam đang còn tách biệt với thế giới, việc bỏ tiền vào đất nước này mà không vì lý do kinh tế bị cho là dại dột”, ông Takahashi kể. Ông đã đi khảo sát hàng chục xã, huyện ở Quảng Nam, đến những ngôi trường có vật chất kém. Ngay sau chuyến đi, ông đã quyết định chọn khu vực Điện Phước.

“Năm 1995, ngày khánh thành và khai giảng năm học đầu tiên tại ngôi trường mới xây lại, ông bà Takahashi mang theo di ảnh của con gái đến. Xung quanh, nhiều người khóc, tôi cũng không kìm được nước mắt”, ông Trần Công Trường, hiệu trưởng đầu tiên của trường, kể.

Lúc đầu, trường mang tên Hoàng Hoa Thám. Đến năm 2003, người dân nơi đây đã làm giấy đề xuất đổi tên trường thành Junko. Trong phòng truyền thống của trường ngày nay, tấm ảnh Junko được treo trang trọng, bên cạnh ghi tiểu sử của cô sinh viên Nhật Bản có tấm lòng nhân hậu.

Lần tu sửa trường Junko vào năm 2005, ông Takahashi đã nhận được sự quyên góp từ khắp nơi trên thế giới. Không chỉ là nơi dạy học, khi bão lũ, đây còn là nơi kiên cố nhất vùng để người dân trú ẩn.

Ông Takahashi cùng thầy hiệu trưởng và học sinh trường tiểu học Junko ngày 14/5, nhân chuyến về thăm của ông. Ảnh: Trần Văn Nam.

20 năm qua, hàng nghìn học bổng của Hiệp hội phi lợi nhuận Junko do ông Takahashi lập ra đã được trao cho học sinh nghèo của trường. Khoảng 50 học sinh giỏi xuất thân từ trường này về sau đã được học đại học miễn phí tại Nhật Bản.

“Người Việt xứng đáng có được một nền giáo dục đầy đủ, để lấp đầy khoảng cách giữa giàu và nghèo” – dòng cuối cùng trong nhật ký của Junko đã được ông Takahashi thực hiện phần nào. Nhưng người cha Nhật Bản tự hứa vẫn sẽ không ngừng lại cho đến ngày cùng con sang bên kia thế giới.

Nguồn: VnE

Tags:
Có gì đặc biệt ở giống vải thiều Nhật Bản đắt nhất thế giới? 240 nghìn đồng mới mua được 1 quả, ăn một lần nhớ cả đời

Có gì đặc biệt ở giống vải thiều Nhật Bản đắt nhất thế giới? 240 nghìn đồng mới mua được 1 quả, ăn một lần nhớ cả đời

Nhìn bề ngoài những quả vải này cũng giống như những chùm vải bình thường khác mà sao nó có giá "trên trời", chỉ đại gia mới có cơ hội thưởng thức nó như vậy.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất