Sách về Biển Đông của Việt Nam xuất bản ở Nhật

“Hoàng Sa – Trường Sa: Luận cứ và Sự kiện”, cuốn sách của nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc vừa được chuyển ngữ sang tiếng Nhật để giới thiệu với bạn đọc đất nước mặt trời mọc.

12:00 01/09/2020

Cuốn sách gồm bốn chương, cung cấp nhiều tư liệu lịch sử cũng như giải thích cặn kẽ về Biển Đông, các thực thể như quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa.

Qua cuốn sách, bạn đọc Nhật Bản hiểu thêm cơ sở lịch sử, địa lý khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo này, cũng như các gợi ý giải pháp giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông. 

Tác giả của bản dịch này là Giáo sư Hashimoto Kazutaka, Đại học Kanto Gakuin, Nhật Bản. Ông là một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu xã hội học về xã hội Việt Nam.

Chia sẻ thêm về quá trình chuyển ngữ tiếng Nhật, ông cho biết khó nhất là chuyển tải được chính xác, nguyên nghĩa bản gốc tiếng Việt. “Thực tế là khi bản dịch đã xong, tôi xem lại thì có lúc thấy chưa chuyển tải được hết ý nghĩa của cuốn sách tiếng Việt”, Giáo sư Hashimoto Kazutaka bày tỏ.

Sách về Biển Đông của Việt Nam xuất bản ở Nhật

Nhưng bằng việc kiên nhẫn, cần mẫn với từng con chữ, bất kể ngày nghỉ lễ, Tết, cuốn sách đã đến tay bạn đọc Nhật Bản tháng 6-2020, với tựa đề mới: “Minami Shina Kai – Betonamu kara hatsugen”, tức “Biển Đông – Những phát ngôn từ phía Việt Nam”.

Tại Nhật Bản, Biển Đông là chủ đề được nhiều nhà khoa học thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu quan tâm từ nhiều góc độ, như khảo cổ học, luật học, chính trị học, lịch sử và quan hệ quốc tế.

Đi đầu trong mảng nghiên cứu này là có thể nhắc tới Viện Nghiên cứu phòng vệ quốc gia (NIDS) thuộc Bộ Quốc phòng, Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Doshisha, Khoa Sau đại học Nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương (WIAPS), Viện Nghiên cứu Chính sách An ninh Xã hội (WIPSS) thuộc Đại học Waseda, Viện Nghiên cứu Chiến lược An ninh Nhật Bản (SSRI), Trường Cán bộ Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản...

Các trung tâm nghiên cứu này đã cho ra đời nhiều báo cáo xoay quanh các vấn đề nóng trên Biển Đông, mà nổi lên gần đây là “đường chín đoạn”. Một số báo cáo phân tích chính sách, động thái của Trung Quốc và biện pháp đối phó của các các quốc gia Đông Nam Á.

Chỉ điểm qua báo cáo của các nhà nghiên cứu thuộc Viện NIDS thì đã thấy mức độ quan tâm của người Nhật tới Biển Đông: Vấn đề chủ quyền Biển Đông - Trung Quốc “tái chuyển động” và phản ứng của Đông Nam Á trong đó tập trung vào Việt Nam (xuất bản 2001); Ngoại giao “quân sự” đa phương của Việt Nam - Tập trung vào vấn đề Biển Đông (2015); Tình hình Biển Đông hiện nay – Tập trung vào động thái của Trung Quốc, Philippines và Việt Nam (2018); Việt Nam xuất bản Sách Trắng quốc phòng sau 10 năm – Lấy vấn đề Biển Đông làm tiêu điểm (2020).

Nhiều tọa đàm, hội thảo khoa học lấy tình hình Biển Đông làm chủ đề cũng được các đơn vị nói trên tổ chức thường xuyên như: Phán quyết của Tòa Trọng tài và tình hình Biển Đông trong tương lai (2016); Vấn đề Biển Đông theo quan điểm của Việt Nam (2017); Địa lý phân định ranh giới hàng hải: Tập trung vào phía Đông và vùng Biển Đông (2017); Vấn đề Biển Đông và tương lai trật tự thế giới (2018); “Cường quốc đại dương” và “Một vành đai một con đường”: Phản ứng của các nước ASEAN (2018); Các vấn đề pháp lý quốc tế về vấn đề Biển Đông (2019)...

Thị trường phục vụ giới nghiên cứu, độc giả Nhật Bản quan tâm tới Biển Đông và Việt Nam đủ rộng đến mức có một số công ty tham gia vào lĩnh vực này. Điển hình là Vista PS, một đơn vị chuyên xuất bản và phát hành các ấn phẩm về Việt Nam phục vụ giới nghiên cứu và độc giả Nhật Bản. Đây cũng là công ty hợp tác với Giáo sư Hashimoto Kazutaka để giới thiệu sách của nhà nghiên cứu Việt Nam Đinh Kim Phúc tới bạn đọc Nhật Bản. Quyển sách này là một quyển trong bộ sách "Hiểu về Việt Nam" do đơn vị này phát hành.

Không chỉ các cơ quan nghiên cứu, chủ đề Biển Đông cũng xuất hiện nhiều trên các tờ báo lớn, các kênh truyền hình tại Nhật Bản, như báo Asahi, Yomiuri, Nihon Keizai, Sankei, hãng thông tấn Kyodo, đài truyền hình NHK...

Theo thống kê trên trang tin điện tử của SSRI thì trong năm 2017 các hãng truyền thông Nhật Bản đã đưa 53 bản tin và bài viết có chủ đề về tình hình Biển Đông và con số này có xu hướng tăng theo hàng năm: Năm 2018 có 58 tin bài, năm 2019 tăng lên 72, và trong 8 tháng đầu năm 2020 (tính đến ngày 15-8) đã có tới gần 60 tin bài liên quan chủ đề này.

Tình hình trên phần nào cho thấy được mức độ quan tâm của các học giả, giới truyền thông và công luận Nhật Bản với vấn đề Biển Đông. Những công trình dịch thuật các nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam sang tiếng Nhật góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu, thông tin cho công chúng Nhật Bản. Đây cũng là nguồn tài liệu tham khảo để giới nghiên cứu Nhật sử dụng cho các phân tích, đánh giá của mình.

Tất cả góp tiếng nói quốc tế để thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông theo các chuẩn mực pháp lý của thế giới văn minh, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Theo: plo.vn

Tags:
Đột nhập con phố “ăn chơi” tại Nhật Bản, vắng khắch chẳng một bóng người, tiếp viên không được “hôn quá sâu”

Đột nhập con phố “ăn chơi” tại Nhật Bản, vắng khắch chẳng một bóng người, tiếp viên không được “hôn quá sâu”

Để đảm bảo an toàn trước mùa dịch Covid-19, nhân viên các quán bar trong phố đèn đỏ ở Tokyo, Nhật Bản, được khuyên không nên tiếp xúc quá thân mật với khách. Nhân viên các quán bar cần nắm nguyên tắc khi phục vụ khách, hạn chế việc hôn quá sâu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất