Số người c.hết trong cô độc quá nhiều, ngành kinh doanh bán lại đồ dùng của người đã khuất ở Nhật Bản thu về siêu lợi nhuận
Năm 2016, thị trường vật dụng dùng rồi (secondhand) tại Nhật có doanh thu tới 16 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2015 và 30% so với năm 2012, chiếm tới 4,1% thị trường bán lẻ toàn quốc.
06:00 22/07/2018
Cách đây 6 năm, cô Jeongjan Han thành lập hãng khởi nghiệp Tail Project chuyên về dọn dẹp, giải quyết những đồ dùng của người đã mất. Công việc này hóa ra lại là một ngành kinh doanh đầy lợi nhuận khi dân số Nhật lão hóa ngày một nhanh và rất nhiều người cao tuổi không có con cái. Hệ quả là rất nhiều trường hợp tử vong mà chả có ai đến nhận đồ của người quá cố, buộc chính phủ hoặc họ hàng xa phải thuê những công ty như Tail để giải quyết chúng.
Công việc của Han không quá phức tạp khi cô chỉ cần thuê xe tải chở đồ và thu dọn vật dụng của người đã mất, đóng gói chúng lên những container và xuất khẩu sang Philippines. Những thiết bị gia dụng đã dùng rồi của người Nhật khá đắt hàng tại các quốc gia thứ 3, trong đó có Việt Nam.
Năm 2017, Nhật Bản có 946.060 ca sinh mới nhưng lại có tới 1.340.433 trường hợp tử vong. Đây đã là năm thứ 7 liên tiếp Nhật có số người mất nhiều hơn số sinh. Nhiều nghiên cứu cho thấy dân số Nhật sẽ giảm 1/3 trong 50 năm tới và tiến trình này khó có thể đảo ngược với tình trạng sinh đẻ như hiện nay.
Nguyên nhân chính của tình trạng này bắt đầu từ sự bùng nổ kinh tế hậu Thế chiến II để rồi thị trường bất ngờ đổ vỡ vào đầu thập niên 1990. Điều này khiến các thế hệ Nhật sống trong tiết kiệm cũng như hạn chế sinh đẻ, tạo ra hàng triệu vật dùng thừa của người quá cố không ai nhận cũng như giảm sút mạnh về lực lượng lao động.
Số liệu của hiệp hội các doanh nghiệp ngành dọn dẹp Nhật (ACP), khoảng 8.000 công ty thành viên của hội đã có doanh thu khoảng 4,5 tỷ USD/năm nhờ sự già hóa nhanh chóng của dân số. Trong khoảng 5-10 năm tới, ACP dự đoán số thành viên của hội sẽ tăng 100%.
Ngành kinh doanh đầy lợi nhuận
Tương tự như nhiều quốc gia khác, vật dụng gia đình của người quá cố thường không mấy được coi trọng, nhất là với những trường hợp không có con cháu. Một căn bếp bất kể đã nấu bao nhiêu món ngon hay chứng kiến bao nhiêu bữa cơm ấm cũng của gia đình thì khi người mất, chúng chỉ là những vật dụng gây phiền nhiễu và cần thanh lý.
Đó là chưa kể đến những trường hợp qua đời trong cô độc tại Nhật. ACP cho biết khoảng 30% số thương vụ dọn dẹp mà họ nhận được đến từ những trường hợp như vậy, khoảng 20% đến từ những căn nhà bỏ hoang bởi người cao tuổi neo đơn. Số còn lại là những hợp đồng mà con cháu, người thân muốn giải quyết các vật dụng không đáng bao tiền tại Nhật.
Tuy nhiên, những vật dụng này lại làm nên cả một hệ thống kinh doanh hàng bãi Nhật. Thông thường người thân chỉ cần những vật dụng có giá trị, như quyền thừa kế bất động sản, mà không để ý những thứ khác, tạo cơ hội kinh doanh cho nhiều hãng.
Trong khoảng 2000-2016, hơn 100.000 công ty ngành dọn dẹp đã được cấp phép hoạt động cho mảng này. Những hãng như Tail Project được thanh toán khoảng 2.200-3.200 USD cho mỗi ngày dọn nhưng cũng có thể lên đến vài chục nghìn USD tùy thuộc vào số đồ đạc cũng như kích cỡ. Đó là chưa kể đến nguồn lợi nhuận mà các hãng này thu được khi xuất khẩu chúng cho bên thứ 3.
Tại Nhật, chính phủ đánh thuế lên rác thải và điều này góp phần thúc đẩy những công ty tái chế, dọn dẹp vật dụng kinh doanh. Năm 2016, thị trường vật dụng dùng rồi (secondhand) tại Nhật có doanh thu tới 16 tỷ USD, tăng 7,4% so với năm 2015 và 30% so với năm 2012, chiếm tới 4,1% thị trường bán lẻ toàn quốc.
Trong khi đó, mặt hàng quần áo cũ chiếm đến 10,5% thị trường bán lẻ thời trang Nhật năm 2016, những loại hàng xa xỉ secondhand cũng chiếm tới 13,5% tổng thị phần.
Lợi nhuận ngành secondhand đã khiến hàng loạt các công ty khởi nghiệp đổ xô vào thị trường này. Thậm chí có những ngôi chùa cũng kiêm luôn dịch vụ dọn dẹp sau khi thực hiện lễ khấn cho người quá cố.
Hiệp hội ACP mới đây đang soạn thảo kế hoạch đệ trình chính phủ Nhật thông qua một hệ thống cấp phép cho những công ty và cá nhân tham gia ngành dọn dẹp này trước tình hình có quá nhiều người muốn được hưởng lợi từ di sản của người quá cố.
Sự nổi tiếng của hàng Nhật
Theo biên tập viên Rina Hamada của tạp chí RBJ chuyên viết về thị trường đồ cũ, văn hóa tiết kiệm và sử dụng lại của người Nhật đã có từ những năm 1603 vào thời kỳ Edo, khi những bộ đồ Kimono truyền thống cũ có thể được tái sử dụng cho những việc khác.
Tuy nhiên sự bùng nổ kinh tế và phát triển dân số khiến người Nhật có chút "vung tay quá trán" để rồi khi thị trường đổ vỡ thập niên 1990, mọi người mới bắt đầu quay lại thói quen dùng đồ cũ. Đặc biệt vụ sóng thần năm 2011 khiến hàng nghìn người thiệt mạng là bước ngoặt kích nổ thị trường secondhand này.
Trong khi đó, Giám đốc Han cho biết những mặt hàng đồ cũ của Nhật bán rất chạy trên thế giới, từ Châu Á cho đến Châu Phi. Thậm chí nhiều mặt hàng được sản xuất tại Trung Quốc nhưng được dùng rồi ở Nhật cũng đắt hàng.
Tại Đông Nam Á, những doanh nghiệp chuyên kinh doanh đồ cũ Nhật đã mở ít nhất 62 chi nhánh ở 8 quốc gia trong vòng 20 năm. Hàng năm, Nhật Bản xuất khẩu hàng nghìn container đồ cũ bán buôn cho Đông Nam Á với đủ các sản phẩm, từ đồ gia dụng, may mặc cho đến đồ xa xỉ.
Năm 2017, hãng xuất khẩu đồ cũ hàng đầu Nhật Bản là Hamaya Corp đã xuất tới 2.465 container sang Đông Nam Á, biến đây trở thành thị trường lớn nhất của công ty.
Dẫu vậy không phải thị trường nào cũng giữ được cơn sốt với hàng Nhật. Giám đốc Han cho biết thị trường Thái Lan đã từng lên cơn sốt hàng Nhật để rồi dần bão hòa khi đời sống người dân lên cao, qua đó tạo cơ hội cho họ mua được những mặt hàng mới chất lượng hơn. Theo Han, điều tương tự có thể xảy ra với thị trường Philippines hiện nay.
Hàng điện tử secondhand của Nhật rất được ưa chuộng tại Đông Nam Á
Theo Thời Đại
Một ngày của những người dọn dẹp ‘xác chết cô độc’ ở Nhật
Những xác chết thường bị để lâu, có khi lên đến hàng tháng, mà không ai phát hiện, khiến công việc dọn dẹp trở nên vô cùng khó khăn.