Sống ở Nhật bạn không thể không biết đến những loại thuế này

Nếu bạn đang làm việc hay sinh sống ở Nhật, chắc chắn các bạn cần phải biết về các loại thuế ở Nhật Bản. Đặc biệt là với những bạn mới chân ướt chân ráo tới Nhật, hẳn bạn sẽ thấy lúng túng. Có bao nhiêu loại thuế phải nộp? Làm thế nào để tính được thuế bạn phải nộp? Bạn phải nộp những thuế gì?

20:00 30/08/2018

Hãy cùng chúng tớ điểm qua một cách tổng quan về các loại thuế tại Nhật trong bài viết này nhé!

Có bao nhiêu loại thuế bạn phải nộp?

Ở đây, chúng ta sẽ nói đến các loại thuế mà một cá nhân sinh sống/làm việc ở Nhật có khả năng phải nộp nhất. Tức là các loại thuế liên quan nhất mà mỗi cá nhân đều phải trả đó

Thuế thu nhập tại Nhật

Thuế này được nộp hàng năm theo các cấp tỉnh, thành phố và cấp quốc gia. Đây còn gọi là thuế cư trú. Thuế cư trú là tên tắt của Thuế thị dân (cấp thành phố) hay Thuế huyện dân (cấp tỉnh). Số lượng thuế phải nộp dựa trên tổng thu nhập của cá nhân đó. Thuế thu nhập ở Nhật được chia làm 3 loại tương ứng với 3 loại lưu trú tại Nhật (lưu ý là không liên quan đến loại visa của bạn nhé).

Đối với cá nhân không lưu trú (non-resident)

Cá nhân không lưu trú là những người ở Nhật dưới 1 năm và không sống tại Nhật. Những đối tượng này chỉ phải nộp thuế cho những nguồn thu nhập đến từ Nhật. Những nguồn thu nhập ngoài nước Nhật không bị tính thuế. Mức thuế cho người không lưu trú là khoảng 20%.

Đối với cá nhân lưu trú không ở Nhật vĩnh viễn (non-permanent resident)

Đây là đối tượng đã sống ở Nhật trên 1 năm, dưới 5 năm trong vòng 10 năm và không có ý định ở Nhật vĩnh viễn. Những người lưu trú tạm thời này chịu thuế cho tất cả các nguồn thu nhập. Chỉ trừ những nguồn thu ở nước ngoài không gửi về Nhật mới không phải chịu thuế.

Đối với cá nhân lưu trú vĩnh viễn tại Nhật (permanent resident)  

Là những người đã sống ở Nhật trên 5 năm hoặc có ý định định cư vĩnh viễn tại Nhật. Đối tượng này phải nộp thuế thu nhập cho tất cả các nguồn thu nhập, kể cả trong nước hay nước ngoài.

*Lưu ý: Việt Nam là quốc gia đã kí hiệp định về thuế với Nhật nên người mang quốc tịch Việt Nam ở Nhật có thể được hưởng mức thuế thấp hơn.

Để hiểu hơn về Thuế thu nhập cá nhân, bao giờ phải nộp, cách tính thuế và cách nộp thuế này, mời các bạn đọc hướng dẫn cực kì chi tiết trong bài viết:

“Thuế thu nhập cá nhân – Sống ở Nhật thì buộc phải biết”

các loại thuế ở nhật

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Đây là loại thuế huyện dân. Bất cứ cá nhân nào có hoạt động kinh doanh mua bán đều phải nộp. Số thuế tính trên tổng thu nhập của cá nhân và loại hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Nếu bạn sang Nhật và muốn kinh doanh tại đây, bạn sẽ cần phải nộp loại thuế này. Ở Nhật chia ra rất nhiều loại thuế doanh nghiệp. Các công ty vừa và nhỏ sẽ phải nộp mức thuế thấp hơn. Ngoài ra, Nhật cũng đánh thuế doanh nghiệp dựa vào tổng doanh thu của cả doanh nghiệp, quy mô cũng như dựa vào chính sách của từng địa phương.

Thuế tài sản

Thuế địa phương này phải được trả hàng năm bởi những người sở hữu đất đai, nhà cửa hoặc các tài sản khấu hao khác.

Mức thuế dao động từ 1.4% đến 2.1% tính trên tổng giá trị của tài sản (đất đai, nhà ở…). Nếu đất đai được sử dụng cho mục đích định cư thì ⅓ giá trị sẽ được miễn thuế. Nếu tổng giá trị đất đai dưới 300,000 yên thì sẽ được miễn thuế này. Đất đai dưới 200 mét vuông cũng phải chịu mức thuế thấp hơn. Nếu bạn có nhà ở Nhật và trong khoảng phải nộp thuế (đại gia!) thì nhớ 1/1 hàng năm là ngày áp dụng thuế, còn tháng 4 đến tháng 6 là có hóa đơn thuế này nhé!

Bạn có thể trả thuế này qua ngân hàng, bưu điện hay các cửa hàng tiện lợi.

Thuế tiêu thụ

Thuế tiêu thụ được trả bởi người mua hàng khi mua hàng hóa hoặc sử dụng dịch vụ. Hiện mức thuế này là 8% nhưng có thể tăng lên 10% vào 10/2019.

Thuế tiêu thụ ở Nhật cũng tương tự thuế giá trị gia tăng (VAT) ở mình. Những loại tiêu thụ hàng hóa không chịu thuế này là hàng xuất khẩu và một số dịch vụ dành cho người không lưu trú tại Nhật.

Ngoài ra, để kích thích các vị khách du lịch tới Nhật mở hầu bao mua sắm, Nhật đã điều chỉnh một số loại hàng hóa được miễn thuế tiêu thụ cho người nước ngoài như sau:

  • Thức ăn, đồ uống, thuốc lá, thuốc/dược phẩm, hàng mỹ phẩm, quần áo, đồ gia dụng, túi xách
  • Mua sắm trên 5,000 yen và dưới 500,000 yen mỗi người mỗi ngày, tại một shop

Đối tượng miễn thuế tiêu thụ là người nước ngoài đến Nhật ở lại không quá 6 tháng. Hoặc những người có hộ chiếu ngoại giao (chức vụ to :D). Hoặc những người là người Nhật đã sống ở nước ngoài trên 2 năm.

Lưu ý là những hàng hóa được miễn thuế phải được đóng gói/dán nhãn miễn thuế và không được mở ra sử dụng. Bạn cũng sẽ phải nộp một bản chứng nhận là sẽ đem số hàng hóa đã mua ra khỏi Nhật trong vòng 30 ngày.

thuế doanh nghiệp

Thuế phương tiện đi lại

Người sở hữu xe ô tô, xe tải hay xe buýt phải trả thuế ô tô. Trường hợp sở hữu xe khách thì sẽ tính thuế dựa trên dung tích xi lanh của xe. Người sở hữu xe mô tô gắn máy thì trả thuế phương tiện xe cơ giới ở địa phương. Xe phân khối nhỏ (dung tích dưới 660cc) thì được giảm thuế rất nhiều đó.

Bạn cũng phải trả thuế cho tỉnh khi mua lại xe. Thuế phương tiện ở Nhật phải trả vào tháng 4 hàng năm. Mua xe vào tháng giữa năm thì bạn sẽ phải trả thuế theo tháng. Thuế này được chính phủ thu và sử dụng để nâng cấp, bảo trì hệ thống cầu đường. Nhật Bản có chính sách giảm thuế này dành cho người khuyết tật.

Hóa đơn thuế phương tiện sẽ được bưu điện gửi và bạn có thể trả qua ngân hàng, cửa hàng tiện lợi hay qua Internet.

Thuế đồ uống có cồn, thuốc lá, xăng

Khi mua đồ uống có cồn bạn sẽ phải trả thuế rượu quốc gia. Ở Nhật có cả thuế thuốc lá theo các cấp địa phương, tỉnh/thành phố và cấp quốc gia. Đương nhiên bạn sẽ trả thuế này khi mua thuốc lá. Tương tự với thuế xăng/gas. Bạn sẽ được biết số thuế phải trả khi mua những món này tại cửa hàng cung cấp.

Tin buồn cho các bạn thích đồ uống có cồn là thuế dành cho loại đồ uống này rất cao. Tùy vào loại đồ uống có cồn mà các mức thuế cũng khác nhau.

Lưu ý khác về các loại thuế ở Nhật

1. Dù bạn đến từ quốc gia nào, bạn đều phải đóng thuế theo quy định của nhà nước Nhật Bản.

2. Thuế thu nhập là thuế dựa vào thu nhập cá nhân của bạn và thu của từng năm. Tuy nhiên, thuế THỊ DÂN (resident tax) lại là thuế dựa trên thu nhập của năm trước. Tức năm 2018 thì bạn sẽ phải nộp thuế thị dân của năm 2017.

Như vậy, nếu bạn mới sang Nhật năm đầu tiên thì năm đó bạn không phải nộp thuế thị dân. Bởi phần thu nhập của năm trước là 0. Tuy nhiên, sang năm thứ 2, bạn sẽ phải đóng thuế thu nhập của năm đầu tiên đến Nhật đó. Hãy nhớ đóng thuế này nhé.

3. Vài điều về thuế thị dân:

Thuế thị dân sẽ được gửi tới bạn vào tháng 6 hàng năm. Nếu bạn là nhân viên công ty chính thức thì công ty đã trừ khoản này hàng tháng. Bạn không cần lo phải tự nộp. Nhưng nếu bạn là sinh viên làm thêm hay nhân viên không chính thức, bạn sẽ phải tự mình đến combini hay bưu điện, ngân hàng để nộp.

Thuế thị dân có thể nộp 1 lần cả cục hoặc nộp 4 lần (tương ứng với 5 bản hóa đơn gửi về cho bạn. Trong đó 1 tờ là tổng tiền nộp, 4 tờ còn lại là số tiền qua mỗi kì. Bạn có thể nộp từng kì và mang từng tờ đi nộp).

4. Nếu quá hạn mà bạn chưa nộp thuế, bạn sẽ nhận được thư nhắc nhở. Sau đó không nhắc nữa mà là giấy cảnh cáo kèm tiền phạt nộp muộn. Cảnh cáo rồi mà vẫn cố tình không nộp thì họ sẽ điều tra tài sản của bạn và tịch thu tài sản để trưng thu cho tiền thuế. Hoặc tự trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của  bạn.

5. Đừng nghĩ trốn thuế là thoát. Kể cả bạn trốn thuế trót lọt thì tên của bạn cũng sẽ được lưu vào sổ đen. Và khi bạn xin gia hạn visa thì họ sẽ hát “We’re never ever getting back together” cho bạn nghe. Ấy tức là bye bye nhé đừng mơ ở lại nước Nhật, đừng mơ được đến Nhật lần nữa.

trốn thuế

6. Pro tip cho các bạn học và làm việc tại Nhật: hãy biết chi tiêu hợp lý và để dành tiền nộp thuế. Có thể bạn không rành về thuế nhưng hãy nhớ là luôn có các khoản thuế bạn cần nộp. Vì thế đừng để tình trạng kiếm một đống tiêu một núi và lúc cần nộp thuế thì lại không có.

Kết

Đến đây, hy vọng các bạn đã có thêm kiến thức về các loại thuế tại Nhật Bản. Nếu các bạn còn thắc mắc gì về chủ đề này, hãy comment phía dưới nhé. Morning Japan sẽ giải đáp giúp bạn.

Đừng quên share bài viết này cho những bạn “gà mờ” về thuế tại Nhật! Hãy để bạn bè cùng đọc bài này và dành thời gian đi ngắm hoa anh đào mùa xuân cùng nhau thay vì lo lắng về tiền thuế nhé!

Theo: nguoivietonhat.com

Tags:
Tác giả bộ truyện tranh ‘Nhóc Maruko’ qua đời ở tuổi 53

Tác giả bộ truyện tranh ‘Nhóc Maruko’ qua đời ở tuổi 53

Văn phòng đại diện của Momoko Sakura xác nhận tác giả loạt truyện tranh nổi tiếng “Chibi Maruko-chan” đã qua đời hôm 15/8.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất