Tại sao giới nhà giàu Mỹ đổ xô sang châu Âu mua sắm hàng xa xỉ?
Lạm phát tăng cao cũng không thể ngăn sự thèm muốn của người Mỹ với hàng xa xỉ. Họ thường mua sắm ở Paris, Milan để được giảm thuế.
16:27 26/12/2022
Nhớ lại mùa hè năm nay, rất nhiều người Mỹ giàu có đã đổ xô đến các trung tâm mua sắm ở châu Âu và Vương quốc Anh để tận dụng sự mất giá của đồng euro, bảng Anh so với đồng đô la Mỹ. Họ chi tiêu mạnh tay vào hàng hóa xa xỉ và bất động sản. Giờ đây, khi những ngày lễ cuối năm đang đến, nhu cầu mua sắm tăng vọt, những người Mỹ giàu có lại một lần nữa tận dụng tỷ giá hối đoái của đồng đô la.
Theo báo cáo của The Wall Street Journal, mức chi tiêu của khách du lịch Mỹ ở châu Âu đã tăng hơn 40% trong tuần diễn ra Black Friday (thứ sáu đen tối) so với cùng kỳ năm 2019. Theo dữ liệu từ công ty thanh toán Planet, lượng tiền mặt được chi tiêu cũng tăng lên, với số tiền giao dịch trung bình tăng từ 527 USD (500 euro) năm 2019 lên 1.313 USD (1.200 euro) năm 2022.
Những người giàu có ở Mỹ ưa thích việc bay đến châu Âu mua sắm vì một vài lý do. Đồng đô la và đồng euro thực tế có giá trị ngang nhau nhưng phần lớn các sản phẩm cao cấp đều được chế tạo ở châu Âu nên hàng bán ra sẽ rẻ hơn ở Mỹ. Theo một báo cáo được công bố bởi Bank of America, nếu mua quần áo và phụ kiện xa xỉ ở Mỹ, người tiêu dùng sẽ phải chi trả trung bình thêm 38% so với ở châu Âu. Ngoài ra, châu Âu hiện đang cung cấp một số dịch vụ mua sắm miễn thuế cho khách du lịch Mỹ, giúp họ tiết kiệm thêm khi mua hàng. Vì Vương quốc Anh đã loại bỏ hoạt động mua sắm miễn thuế cho du khách quốc tế sau sự kiện Brexit vào tháng 1 năm 2021 nên những người mua sắm thông thái đến từ Mỹ sẽ chọn Paris và Milan thay vì London. Giá ở châu Âu sau khi hoàn thuế có thể rẻ hơn tới 20% đối với các mặt hàng xa xỉ tương tự ở Mỹ.
Những yếu tố này kết hợp lại đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số người Mỹ mua sắm ở Châu Âu. Một báo cáo tháng 11 từ các nhà phân tích tại Bain & Co. ước tính rằng mức chi tiêu của người Mỹ cho hàng xa xỉ trong khu vực trong năm nay sẽ cao gấp 2,3 lần so với năm 2019. Người Mỹ cũng chiếm từ 32 đến 34% trên tổng số người chi tiêu cho hàng xa xỉ toàn cầu trong năm nay, năm 2019 con số này là 22%.
Chi phí năng lượng, nhiên liệu, các khoản vay mượn và chi phí sinh hoạt tăng cao cũng không thể ngăn được sự thèm muốn hàng hóa xa xỉ của người Mỹ. Những ngôi nhà sang trọng của châu Âu rất hoan nghênh nhu cầu này vì khách hàng ở Trung Quốc vẫn đang im hơi lặng tiếng sau đại dịch. Việc bán hàng cho người châu Âu địa phương còn khó khăn hơn vì tình trạng lạm phát tăng vọt và niềm tin của người tiêu dùng đang giảm xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
“Khách hàng người Mỹ rất tích cực mua sắm đồ xa xỉ trong năm 2021. Sức mạnh này vẫn tiếp tục bùng nổ vào năm 2022 bất chấp bối cảnh kinh tế vĩ mô hết sức phức tạp”, Bank of America cho biết.
“Thị trường xa xỉ liên tục hoạt động mạnh mẽ trong suốt cả năm nay. Chúng tôi ghi nhận mức tăng trưởng tích cực cho khoảng 95% thương hiệu. Tất cả các danh mục hàng xa xỉ hiện đã phục hồi về mức của năm 2019 hoặc thậm chí tốt hơn. Các loại hàng xa xỉ cứng, da và quần áo được mua rất nhiều sau đại dịch”, Bain & Co. nhận xét.
Việc châu Âu có là thánh địa mua sắm lâu dài của người Mỹ hay không vẫn chưa thể khẳng định. Nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023 sắp tới. Ngoài ra, đồng đô la trong thời gian gần đây đang có dấu hiệu suy yếu so với đồng euro.
Nghệ sĩ Trí Quang: Cuộc đời nhiều đau thương, ly dị vợ vì không muốn mang tiếng lợi dụng
"Đến một lúc nào đó tôi sẽ sống cuộc đời một cư sĩ, không lập gia đình và tu tại gia. Đó sẽ là một đời sống hạnh phúc nhất của đời tôi", nghệ sĩ Trí Quang chia sẻ.