Tại sao Nhật Bản lại trở thành một đất nước “không dành cho phụ nữ”?!
Trong bảng xếp hạng quốc tế về bình đẳng giới năm 2018, Nhật Bản đã có thể cải thiện một chút vị thế của mình, lên thứ 110 thế giới, so với vị trí 114 của năm 2017.
08:00 14/01/2019
Thế nhưng, đất nước mặt trời mọc vẫn có vị trí thấp nhất trong số nhóm 7 quốc gia phát triển nhất G7, và đứng thứ 16/20 quốc gia hàng đầu thế giới, chỉ trên mỗi Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kì và Ả Rập Xê Út.
Vậy thì tại sao một cường quốc về kinh tế với nhịp sống làm việc là hiểu biết của người dân thuộc mức cao nhất nhì thế giới lại được nhận xét là “một quốc gia kém phát triển về bình đẳng giới”? Sự tham gia của phụ nữ trong 2 lĩnh vực chính trị và kinh tế của Nhật Bản chỉ khiêm nhường đứng lần lượt ở vị trí 125 và 117 trên toàn thế giới, trong khi tình trạng chỉ tích cực hơn một chút trong 2 lĩnh vực giáo dục (thứ 65) và sức khỏe ( thứ 41).
Chưa dừng lại ở đó, một loạt các vụ bê bối nổi lên vào năm ngoái liên quan đến việc phân biệt giới tính và những bất công dành cho phái nữ cũng khiến cho nhiều người thất vọng hơn. Ngay cả trong lĩnh vực giáo dục, một sự phân biệt đối xử nghiêm trọng đã xảy ra, một cách lặng lẽ, bởi một loạt các trường đại học y khoa hàng đầu của đất nước, trong các kì thi tuyển sinh vào. Các thí sinh nữ đã bị hạ điểm hoặc gặp phải các bài thi phỏng vấn khó khăn hơn, một động thái nhằm giảm bớt tỉ lệ các sinh viên nữ được nhận vào trường, cũng như số lượng các bác sĩ nữ được đào tạo trong tương lai. Một cuộc khảo sát của Bộ Giáo dục về vụ bê bối cho thấy trong gần 80% trên tổng số 81 các trường đại học được hỏi, tỉ lệ thành công của nam giới so với phụ nữ trong các kì thi tuyển sinh đầu vào cao hơn nhiều lần trong suốt 6 năm qua.
Trường đại học Juntendo, một trong những ngôi trường thừa nhận bê bối hạ điểm các thí sinh nữ trong kì thi tuyển sinh vừa qua, giải thích cho hành động của mình khi tăng điểm các ứng viên nam vì nữ giới có xu hướng thể hiện các kĩ năng giao tiếp tốt hơn trong các cuộc phỏng vấn, lại khiến cho dư luận thất vọng hơn nữa. Kĩ năng giao tiếp tốt sẽ giúp các bác sĩ hoàn thiện mình hơn, và việc phái nữ bị từ chối trong kì thi tuyển sinh chỉ vì kĩ năng của họ cao hơn là một điều không thể chấp nhận được.
Thế nhưng, có một thực tế khác lại chỉ ra rằng, sự việc sẽ không còn là một bê bối nữa, nếu như các trường đại học tuyên bố công khai về việc ưu tiên tuyển dụng nhiều sinh viên nam hơn so với phái nữ trong kì thi tuyển sinh, tức là chính thức hợp thức hóa việc ưu tiên và phân biệt giới tính này trước công chúng. Một số ý kiến khác còn cho rằng phân biệt đối xử với các phụ nữ trong kì thi tuyển sinh là không thể tránh khỏi vì các cơ sở ý tế có quá nhiều bác sĩ nữ sẽ không thể tiếp tục hoạt động vì có quá nhiều người nghỉ việc giữa chừng hay bỏ hẳn việc để kết hôn và sinh con. Những lý thuyết này càng khiến cho thực tế cuộc sống của phụ nữ tại Nhật Bản ngày càng trở nên tối tăm và tuyệt vọng.
Việc phân biệt giới tính trong các trường đại học y tại Nhật Bản cũng đã dẫn đến một thực tế khác, có quá nhiều bác sĩ Nhật Bản trở nên căng thẳng và trầm uất do việc thiếu nhân lực trong ngành y tế, với con số lên tới 65%, theo một cuộc khảo sát gần đây, trong đó có cả ý kiến của các bác sĩ nữ. Những người làm việc trong ngành y tế, nói rằng họ hiểu được lí do cho hành động của các trường đại học, khi có sự phân biệt đối xử như vậy, vì nếu như có ai đó nghỉ việc, những nhân viên còn lại sẽ phải chịu gánh nặng công việc lớn hơn nhiều.
Cũng có các báo cáo chỉ ra rằng, chỉ có các ứng viên nữ thi vào các trường y mới bị hỏi một câu hỏi mang tính động chạm trong lúc phỏng vấn, đó là: “Bạn sẽ làm gì khi muốn kết hôn hoặc có con?” Nếu như những câu hỏi tương tự được đặt ra trong các cuộc phỏng vấn công việc ngày nay, đó có thể được coi như là một hành động quấy rối, và người tuyển dụng ắt hẳn sẽ phải chịu nhiều chỉ trích. Thế nhưng, trong cuộc phỏng vấn tuyển sinh, nó đáng buồn thay lại là một hành động được nhiều người im lặng chấp nhận. Một cô gái đã viết trên một trang web chia sẻ rằng cô ấy đã có thể vượt qua kì thi tuyển sinh bằng cách trả lời rằng: “Tôi sẽ không kết hôn. Tôi sẽ cống hiến hết sức lực của mình với tư cách là một người bác sĩ”. Từ lúc nào mà phụ nữ không thể trở thành bác sĩ hay làm bất cứ công việc nào mà họ muốn chỉ vì họ muốn được kết hôn và có gia đình?
Theo Đại học Sophia, có ngày càng ít các nữ sinh tốt nghiệp trung học ở Nhật Bản quyết định theo học đại học hơn, so với con số của các học sinh nam, trong khi điều ngược lại đang xảy ra ở hầu hết các nước phát triển khác.
Theo báo cáo của chính phủ năm 2018 về bình đẳng giới, mặc dù tỉ lệ phụ nữ vào các trường đại học đang tăng lên ở Nhật Bản, con số này lại tăng nhanh hơn nhiều tại các quốc gia khác. Mặc dù số lượng nữ giới vào các trường trung học hay dạy nghề cao hơn nam giới, nhưng tỉ lệ phụ nữ theo học tại các trường đại học lại thấp hơn khoảng 6,8%. Khoảng cách giới tính lại càng trở nên lớn hơn với bậc giáo dục sau đại học: phụ nữ chiếm khoảng 31% trong tổng số các sinh viên tốt nghiệp đại học và tiếp tục theo học thạc sĩ và 33,4% trong các khóa học tiến sĩ.
Phân biệt đối xử giữa 2 giới tính, với việc phụ nữ gặp nhiều khó khăn và bất lợi trong công việc và cuộc sống đã trở thành một vấn nạn không phải chỉ mới xảy ra tại Nhật Bản. Những nhà lãnh đạo của quốc gia nên nhận ra một điều rằng, có ngày càng nhiều các bà mẹ vừa đi làm vừa quản lý gia đình chia sẻ rằng họ không hề muốn con cái mình sau này sẽ lớn lên và làm việc cho đất nước, khi mà chúng có khả năng phải nhận những sự đối xử đầy phân biệt tương tự mà họ đã phải chịu đựng trong suốt hàng chục năm nay. Nếu chính phủ và xã hội Nhật Bản không thực sự có ý định thay đổi để giúp phụ nữ có được sự cân bằng hơn so với đàn ông, dẫu Nhật Bản có lớn mạnh và phát triển đến thế nào đi chăng nữa, đất nước này vẫn chỉ mãi là một quốc gia bất công và kém phát triển dành cho phụ nữ!
Nguồn: Japan Times
Tại sao phải khổ sở kiếm tiền? Đây chính là câu trả lời chuẩn xác, đáng ngẫm nhất!
Tại sao chúng ta phải khổ sở kiếm tiền? Có thể câu trả lời dưới đây sẽ chạm đến tâm tư, suy nghĩ của hầu hết tất cả mọi người.