Tâm sự: Đã có lần tôi phải nói dối quốc tịch của mình

Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nguyên cảm giác áy náy, thậm chí t.ội l.ỗi vì đã một lần chối bỏ nguồn cội. Nhưng tôi biết phải làm sao khi nhiều lần mạnh dạn góp ý nhưng vẫn “lực bất tòng tâm” trước cảnh oái ăm?

06:00 28/02/2019

Đó là chuyến đi vài năm trước, trong lần đi tham quan núi Phú Sĩ – địa danh nổi tiếng hàng đầu ở xứ sở hoa anh đào.

“Tụi này là vậy đấy!”

Tôi thường vác balô du lịch nước ngoài tự túc, nhưng có một số tour đi về trong ngày tại Tokyo rất thuận tiện để có thể tham quan nhiều địa danh với số tiền hợp lý. Và tôi chọn hình thức trên để tiết kiệm tối đa chi phí phát sinh.

Do là khách đặt tại chỗ nên hầu hết chúng tôi đều không quen nhau trước, và khách đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Mỹ, Hàn, Trung Quốc, Việt Nam…

Chuyến đi lẽ ra rất thú vị (vì quả thật các địa điểm tham quan đẹp như chốn tiên cảnh, hướng dẫn viên người Nhật rất lịch sự và nhiệt tình…) nếu không có những chuyện buồn liên quan đến câu chuyện tranh giành, văn hóa xếp hàng.

Tâm lý chung của mọi người đều thích ghi lại khoảnh khắc của mình ở những khung cảnh đẹp, ấn tượng nhất. Dẫu vậy, sự nôn nóng của một số vị khách Việt Nam khiến nhiều thành viên nước ngoài trong đoàn không nén được tiếng thở dài.

Một gốc đào trĩu trái, đẹp đến mê mẩn. Khoảng năm tốp khách đứng đợi đến lượt mình chụp hình (ở mỗi địa điểm đều có khách từ nhiều tour đến tham quan). Hai thiếu nữ Hàn vừa bước vào, tạo dáng chưa đầy 10 giây thì một nhóm khách Việt “ào ào” chen ngang, hồn nhiên tạo dáng. Đó cũng là nhóm khách trung niên khá ồn ào trên xe (điều tối kỵ nơi công cộng trong văn hóa Nhật Bản, thậm chí trên tàu điện hành khách cũng không được phép nói chuyện điện thoại) trong suốt hành trình, tranh giành đồ ăn trong bữa ăn trưa. Trước đó, khi tôi nhắc nhở nhóm khách trên thì nhận về nhiều tiếng lườm nguýt lẫn chửi thề. Nữ hướng dẫn viên người Nhật lúc đầu còn lịch sự nhắc “May I have your silence?” (tôi có thể xin chút yên tĩnh không?) nhưng sau đó cũng lắc đầu, cố giải thích về các địa danh với một âm lượng lớn hơn, mong át được tiếng ồn ào bên dưới.

Xếp hàng là một nếp văn hóa thân quen như hơi thở với người dân Nhật Bản – Ảnh: GUIDABLE

Lần này, tôi lại quyết định nhắc tiếp vì thấy họ đứng tạo dáng quá lâu, phớt lờ những ánh nhìn sửng sốt, bức xúc lẫn tiếng xầm xì từ những người xung quanh.

“Tụi này là vậy đấy, sao nhiều chuyện vậy?”, một thành viên nam đáp lời tôi, giọng đầy thách thức, trong ánh mắt dửng dưng của các thành viên khác. Khi tôi nói các hành động trên sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt thì họ bĩu môi, bỏ đi.

Lúc lên lại xe, hai bạn trẻ người Mỹ quay sang hỏi tôi phải người Việt không khi thấy tôi nói chuyện với nhóm khách kia. Không biết vì sự xấu hổ hay quá tức giận mà tôi đã trả lời ngắn gọn, lạnh tanh: “Xin lỗi, tôi không phải người Việt. Tôi có học chút tiếng Việt. Vậy thôi”.

Không phải là ngoại lệ

Những câu chuyện trên thực chất xuất hiện mỗi lúc một dày đặc, thể hiện rõ và dễ thấy nhất là thông qua tình trạng chen lấn giao thông trên đường.

Ngay cả ở trung tâm thể dục lớn mà tôi thường đến tập, tình trạng trên cũng xảy ra như cơm bữa dù đa phần thành viên đều là người trưởng thành, khá giả. Phiếu tập theo lớp sẽ được phát trước 30 phút, mọi người cần xếp hàng với những lớp “hot”. Dẫu vậy, tình trạng chen lấn lúc nhận phiếu lẫn lúc lấy dụng cụ chuẩn bị trước buổi tập vẫn thường xuyên xảy ra. Vì làm lĩnh vực dịch vụ và do tuổi đời cũng khá trẻ (đa phần trạc tuổi sinh viên) nên các nhân viên cũng bất lực, thậm chí cắn răng “chịu trận” khi tranh cãi hơn thua giữa khách nổ ra. Suy cho cùng, ý thức nơi công cộng là điều rất quan trọng nhưng cũng vô cùng khó để thay đổi, và không phụ thuộc vào địa vị xã hội hay tuổi tác…

Câu hỏi được đặt ra là, vì sao họ – một bộ phận không nhỏ người Việt – luôn hối hả, bon chen nhưng năng suất lao động theo nhiều khảo sát luôn bị đánh giá là rất thấp, thậm chí kém “đẳng cấp” đến mức bỏ xa nhiều quốc gia trong khu vực? Họ hấp tấp, vội vã để đi đâu về đâu, bận rộn làm gì hay chỉ đơn giản là muốn giành giật để có cái lợi ngắn hạn trước mắt? Liệu trên bàn họp với các đối tác nước ngoài, họ có giành giật phản biện, nêu ý kiến hay tranh giành các dự án về phía mình? Tony Vũ – một anh bạn người Mỹ gốc Việt hiện là quản lý tại một tập đoàn – từng hài hước nói với tôi: “Ước gì khi đi làm người Việt cũng có “tinh thần” tranh giành công việc mãnh liệt như vậy”.

“Caring – about people, about things, about life – is an act of maturity” (tạm dịch: Sự quan tâm đến những người khác, về mọi việc, về cuộc sống – là hành động của người trưởng thành), nhà văn nổi tiếng người Mỹ Tracy McMillan từng nói như vậy. Thế thì thôi tạm nghĩ rằng những cá nhân trên vẫn “chưa trưởng thành” (dù có người trên đầu chắc chắn đã hai thứ tóc, được học hành đầy đủ…).

Quay trở lại với câu tiêu đề. Áy náy, tội lỗi là vậy nhưng nếu bạn hỏi tôi có thay đổi câu trả lời nếu được quay lại thời gian? Tôi không dám khẳng định câu trả lời sẽ khác…

Nguồn: Tuổi Trẻ

Tags:
Tổng hợp 103 từ kanji N5 tiếng Nhật với cách học cực dễ nhớ

Tổng hợp 103 từ kanji N5 tiếng Nhật với cách học cực dễ nhớ

Việc học tiếng Nhật của bạn gặp nhiều khó khăn với chữ Kanji? Bạn cảm thấy học kanji thật là khó hiểu và khó nhớ? Đừng vội vàng lo lắng, AD sẽ chia sẻ ngay bí kíp bạn nhớ cực nhanh 103 từ Kanji N5 nhé.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất