Thách thức lớn nhất đối với kinh tế Nhật Bản thời kỳ Reiwa

Tạp chí “Tri thức thế giới” của Trung Quốc số ra mới đây có bài viết nhận định trong thời kỳ Reiwa (Lệnh Hòa), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể là cơ hội để kinh tế Nhật Bản tiếp tục ấm lên.

15:00 17/05/2019

Thách thức lớn nhất đối với kinh tế Nhật Bản thời kỳ Reiwa. Ảnh: AFP/TTXVN 

Tuy nhiên, nước này sẽ phải đối mặt với vật cản đường là tình trạng già hóa dân số.

* Kinh tế bình ổn nhưng không có dấu ấn trong thời kỳ Heisei

Thời kỳ Heisei (Bình Thành) qua đi là sự khởi đầu của thời kỳ Lệnh Hòa. Trong thời kỳ Bình Thành, nền kinh tế Nhật Bản về cơ bản ổn định. Thời kỳ Bình Thành bắt đầu từ năm 1989, khi đó Nhật Bản đang trong thời kỳ kinh tế bong bóng. 

Có học giả Nhật Bản cho rằng “thời kỳ bong bóng” bắt đầu từ năm 1987-1990, và nền kinh tế bong bóng đã nhanh chóng tan vỡ sau năm 1990. Những năm đầu của thời kỳ Bình Thành, nền kinh tế Nhật Bản đạt đỉnh sau đó suy giảm. 

Nhiều học giả cho rằng kinh tế Nhật Bản hậu thời kỳ bong bóng là “20 năm, thậm chí 30 năm mất mát”, song các tác giả bài viết trên (Đặng Mỹ Vi - Nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản, Viện khoa học xã hội Trung Quốc và Tiêu Kiện - Nghiên cứu viên Viện quản lý chiến lược quốc tế Trung Quốc) lại cho rằng, mặc dù kinh tế Nhật Bản chưa có thành tựu nổi bật, nhưng thời kỳ Bình Thành cũng tương đối ổn định.

Trước hết, thảm họa kép đã khiến nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái, nhưng về cơ bản, Nhật Bản đã khắc phục tương đối ổn định, các chỉ số kinh tế chủ yếu vẫn được duy trì.

Năm 2018, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đạt tổng cộng 548.600 tỷ yên, đứng thứ ba thế giới; lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua, tài sản hộ gia đình giảm nhưng vẫn đạt 183.000 tỷ yên, đứng đầu thế giới; dự trữ ngoại hối đạt 1.270 tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc; cuối năm 2017, tài sản ròng ở nước ngoài của Nhật Bản là 328.400 tỷ yên, đứng đầu thế giới trong 27 năm liên tiếp. 

Nhật Bản với nguồn tài nguyên khan hiếm, thị trường trong nước nhỏ lại liên tục trải qua hàng loạt các sự cố như sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng, khủng hoảng tài chính châu Á, khủng hoảng tài chính thế giới, động đất ở miền Đông Nhật Bản, thảm họa hạt nhân Fukushima, chính quyền thường xuyên thay đổi, các chỉ số kinh tế sụt giảm trong thời gian dài... nhưng vẫn duy trì ổn định nền kinh tế. 

Tuy nhiên, trong thời kỳ Bình Thành, do Nhật Bản phải đối phó với khó khăn của nền kinh tế cả ở trong và ngoài nước nên thực sự không có những thành tựu kinh tế nổi bật.

Thứ hai, mặc dù kinh tế Nhật Bản trong thời kỳ Bình Thành suy giảm sau khi đạt đỉnh, nhưng vài năm gần đây đã ấm trở lại. Mặc dù học thuyết Abenomics không thực chất, kém hiệu quả, gây nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận rằng sau khi Thủ tướng Abe quay trở lại nắm quyền, kinh tế Nhật Bản đã có sự tăng trưởng nhẹ. 

Từ cuối năm 2012 trở lại đây, GDP danh nghĩa, GDP thực tế, thu nhập quốc dân, tài sản quốc gia... đều tăng lên hàng năm, chỉ số tài sản quốc gia tăng. Ngoài ra, các chỉ số vi mô như tỷ suất lợi nhuận doanh nghiệp  cũng tiếp tục tăng từ 3,5% năm 2013 lên 5,9% năm 2018, trong đó quý II/2018 tăng tới 7,7%. 

Tuy nhiên, theo “Khảo sát dự báo môi trường kinh doanh lần thứ 60” được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố hồi tháng 3/2019, kỳ vọng kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2019 không được tốt, chỉ có những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp xương sống tin rằng tình hình kinh doanh có thể hồi phục trong khoảng từ tháng 7 - 9/2019. 

Xét về tổng thể, theo báo cáo kinh tế hàng tháng do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố, từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2019 là giai đoạn khởi sắc của thời kỳ Abe, đã lập được kỷ lục mới là 76 tháng liên tiếp so với 73 tháng từ tháng liên tiếp từ 2/2002 đến tháng 2/2008 của thời kỳ bùng bổ Izanami và trở thành thời kỳ khởi sắc dài nhất sau chiến tranh. 

Nền kinh tế Nhật Bản đã đưa ra câu trả lời thỏa đáng vào cuối thời kỳ Bình Thành, khiến thế giới càng trông đợi hiệu quả của thời kỳ Lệnh Hòa.

* Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hoặc cơ hội lớn cho thời kỳ Lệnh Hòa

Cùng với sự mở ra của thời kỳ Lệnh Hòa, trong khoảng gần 2 năm Nhật Bản sẽ có hàng loạt các hoạt động lớn và điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xu hướng ngắn hạn của nền kinh tế. Ngoài sự kiện kế vị ngai vàng, trung tuần tháng 4/2019 đã diễn ra vòng đàm phán thương mại Nhật-Mỹ lần thứ nhất; Thủ tướng Abe đến Washington gặp Tổng thống Trump để bàn về vấn đề Triều Tiên và thương mại Nhật-Mỹ; tiếp sau đó Tổng thống Trump sẽ đến thăm Nhật Bản; từ ngày 28 - 29/6/2019 hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ được tổ chức tại Osaka, Nhật Bản hy vọng sẽ tăng cường hợp tác với các nước thông qua hội nghị lần này; việc thuế tiêu thụ được nâng lên 10% từ tháng 10/2019 sẽ một lần nữa kiểm nghiệm hiệu quả thực chất của Học thuyết Abenomics; Thế vận hội Olympic Tokyo sẽ được khai mạc vào tháng 7/2020, Nhật Bản mong đợi thông qua sự kiện này để quảng bá ra thế giới tính hiệu quả của việc thúc đẩy “xã hội 5.0”.

Mặc dù các hoạt động chính trị, ngoại giao, kinh tế quan trọng trong hai năm tới sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển ngắn hạn của Nhật Bản, nhưng đối với thời kỳ Lệnh Hòa, sự hỗ trợ lớn nhất cho bước chuyển của nền kinh tế Nhật Bản là sự đổi mới khoa học công nghệ và vấn đề nan giải nhất là sự già hóa dân số nghiêm trọng. 

Cụ thể hơn, trong vài thập kỷ tới, cơ hội phát triển lớn nhất của Nhật Bản là nhờ vào cách mạng công nghiệp 4.0 để dẫn dắt khoa học công nghệ thế giới phát triển, thực hiện “xã hội 5.0”. Vấn đề khó khăn lớn nhất cản trở sự phát triển là không chỉ là sự gia tăng mức độ già hóa dân số, mà phần nhiều do sự gián đoạn lực lượng kế cận.

Cuối thời kỳ Bình Thành, Nhật Bản rất coi trọng các cơ hội đổi mới khoa học kỹ thuật do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Khác với Trung Quốc, Đức tập trung vào ngành sản xuất tiên tiến, Mỹ coi trọng ngành thông tin và khôi phục ngành sản xuất, Nhật Bản sử dụng định hướng chiến lược biến nhược điểm thành cơ hội, áp dụng cách làm theo hướng vấn đề, lấy hàng loạt các vấn đề xã hội làm bước đột phá, coi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội, thông qua đẩy mạnh đổi mới khoa học kỹ thuật để tạo nên hình thái xã hội mới sau hình thái xã hội săn bắt, xã hội nông nghiệp, xã hội công nghiệp, và đưa mô hình hình thái mới ra thế giới để thu được lợi ích kinh tế. 

Nhật Bản đã tích cực triển khai các lĩnh vực khoa học công nghệ chủ yếu liên quan đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như Internet, thông tin liên lạc. Tháng 6/2013, Nhật Bản đã công bố “Tuyên bố quốc gia sáng tạo nhất thế giới về công nghệ thông tin”, định ra nền tảng cơ sở cho sự phát triển, thiết lập “Chiến lược tổng hợp hệ thống vạn vật kết nối-IoT”, định ra mục tiêu cụ thể ở các cấp độ hệ thống, cấp độ nền tảng, cấp độ đầu cuối và cấp độ phục vụ. 

Sự ra đời của Luật cơ bản thúc đẩy sử dụng dữ liệu công-tư năm 2016 và việc thành lập Ủy ban nghiên cứu kiến thiết tương lai của thời đại mới IoT năm 2017 đã cung cấp môi trường thể chế, dữ liệu phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của Internet. 

Trong lĩnh vực robot và trí tuệ nhân tạo, tháng 6/2014, Nhật Bản đã đưa ra bản sửa đổi “Chiến lược tái sinh nền kinh tế”, cạnh tranh trở thành người đi đầu trong cuộc cách mạng robot. Tháng 9/2014, Ủy ban thực hiện cách mạng robot được thành lập; năm 2015 đưa ra chiến lược robot mới. 

Năm 2016, trong giai đoạn 5 năm Kế hoạch cơ bản khoa học và công nghệ (2016 – 2020), lần đầu tiên đề cập đến xã hội siêu thông minh (xã hội 5.0), đã chỉ ra trí tuệ nhân tạo là cốt lõi của việc thực hiện xã hội siêu thông minh. 

Tháng 4/2016, Nhật Bản đã thành lập Hội đồng chiến lược khoa học kỹ thuật trí tuệ nhân tạo với nòng cốt là Bộ nội vụ, Bộ văn hóa giáo dục thể thao và Bộ công nghiệp kinh tế, thực hiện chức năng là tổng chỉ huy các hoạt động liên quan đến nghiên cứu; năm 2017 được coi là năm đầu tiên của trí tuệ nhân tạo tại Nhật Bản. 

Tháng 3/2017, Hội đồng chiến lược khoa học kỹ thuật trí tuệ nhân tạo đã đưa ra chiến lược khoa học kỹ thuật trí tuệ nhân tạo, đưa ra lộ trình chiến lược cụ thể, đó là sử dụng hiệu quả trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực liên quan vào năm 2020. Từ năm 2020 đến năm 2025, 2030, Nhật Bản sẽ áp dụng trong các lĩnh vực cá biệt, thực hiện ứng dụng đồng bộ trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy các ngành mới. 

Từ sau năm 2030, Nhật Bản sẽ kết hợp các lĩnh vực khác nhau trong sử dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng xã hội mới. Ngoài ra, vật liệu tiên tiến và công nghệ nano luôn đứng đầu thế giới. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự đổi mới công nghệ trong lĩnh vực vật liệu cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của những lĩnh vực quan trọng khác. 

Tháng 7/2018, Hội đồng đổi mới khoa học kỹ thuật tổng hợp – cơ quan quyết sách đổi mới khoa học kỹ thuật cao nhất của Nhật Bản đã ban hành Kế hoạch thúc đẩy đổi mới chiến lược giai đoạn 2 (SIP), bao gồm 12 lĩnh vực đầu tư chủ yếu như không gian mạng, phát triển vật liệu, công nghệ lượng tử quang học và thúc đẩy cuộc cách mạng vật chất của hệ thống phát triển vật liệu tổng hợp; nghiên cứu phát triển cũng tập trung vào kỹ thuật cơ sở và ứng dụng nghịch đảo MI (vật liệu tích hợp) như kỹ thuật phân tích vấn đề nghịch đảo, kỹ thuật cán 3D hợp kim chịu nhiệt (hợp kim niken, hợp kim nhôm...), kỹ thuật đánh giá và tạo vật liệu composite siêu chịu nhiệt...

 * Không có người kế nhiệm vẫn là một khó khăn lớn nhất

Mặc dù chiến lược khoa học kỹ thuật của Nhật Bản đã tương đối hoàn thành, nhưng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 liệu có trở thành cơ hội quan trọng hay không thì còn phải đối mặt với vấn đề rất khó khăn hiện nay của Nhật Bản đó là thách thức của sự già hóa dân số. 

So với tỷ lệ sinh giảm, tình trạng già hóa dân số dường như không ảnh hưởng tiêu cực tới sức sáng tạo khoa học kỹ thuật của Nhật Bản, bởi già hóa dân số là một trong những biểu hiện của xã hội tiến bộ. Tuổi thọ người dân Nhật Bản tăng càng cao càng thể hiện thể chất và đời sống của người dân tăng cao và tính ưu việt của điều kiện khám chữa bệnh. 

Hơn nữa, tuổi thọ tăng cao không hoàn toàn làm giảm sức sáng tạo khoa học kỹ thuật, thậm chí những kiến thức và kinh nghiệm đã được tích lũy còn có ích đối với việc sản sinh ra sức sáng tạo. Ngoài ra, để sử dụng nguồn lực người cao tuổi hiệu quả, Nhật Bản cũng phải nâng cấp kỹ thuật các ngành liên quan như truyền thông, chăm sóc y tế. 

Tuy nhiên, tỷ lệ sinh giảm có nghĩa dân số giảm, điều này có nghĩa lực lượng lao động sẽ giảm, sự thiếu hụt lực lượng hậu bị sáng tạo khoa học kỹ thuật. Tỷ lệ sinh của Nhật Bản giảm từ 0,85% năm 2010 xuống 0,78% năm 2016. Theo tính toán, vào năm 2053, dân số Nhật Bản sẽ giảm 100 triệu người và đến năm 2065 chỉ còn 88,08 triệu người. 

Cùng với đó, số lượng người trong độ tuổi lao động đã giảm hàng năm kể từ năm 1995, năm 2017 là 75,96 triệu người, dự kiến đến năm 2065 sẽ giảm xuống 45,29 triệu người. Từ đó cho thấy mặc dù cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội quan trọng cho nền kinh tế, song Nhật Bản có thể khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của việc già hóa dân số để nắm bắt cơ hội, thì vẫn còn là một dấu chấm hỏi.

Tóm lại, những vấn đề quan trọng của cuộc cách mạng khoa học công nghiệp 4.0 của Nhật Bản đã từng bước hoàn hành vào cuối thời kỳ Bình Thành, thời kỳ Lệnh Hòa sẽ kiểm nghiệm kết quả theo từng giai đoạn cụ thể và gần nhất là Thế vận hội Olympic Tokyo năm 2020. 

Nhật Bản đã nhiều lần nhấn mạnh thông qua thế vận hội Olympic Tokyo để cho thế giới thấy được sự hiện đại hóa mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo và sức mạnh công nghệ truyền thông của mình. Nhật Bản liệu có khả năng trở thành người tiên phong trong cách mạng khoa học công nghiệp 4.0, kinh tế đất nước liệu có phát triển tốt hay không, có thể thấy được thông qua kết quả thể hiện tại thế vận hội Olympic Tokyo.

TTXVN

Tags:
Không hút thuốc trở thành lợi thế khi xin việc tại Nhật

Không hút thuốc trở thành lợi thế khi xin việc tại Nhật

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật thích tuyển dụng các nhân viên không hút thuốc, vì lý do sức khỏe và tăng hiệu quả làm việc vì cắt giảm được thời gian nghỉ giải lao hút thuốc.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất