Tôi xót xa khi nhìn những sinh viên ‘lạc trôi’ vô định trong làng đại học Việt Nam
Họ bảo rằng muốn “học tàng tàng” đủ qua môn, muốn “sống ổn định”, ngại va chạm, không thích thách thức…
23:35 28/09/2017
Đọc bài viết “Giảng đường đại học khiến nhiều người trẻ xô dạt bất định” của tác giả HienBee và bài viết “Người Việt trẻ tự đốt đuốc mà đi” của tiến sĩ Vật lý Giáp Văn Dương, tôi chợt dâng lên một niềm xót xa cho những người trẻ đang đôi mươi và cho chính mình, một sinh viên năm thứ ba với rất nhiều những lo lắng bộn bề.
Tuổi trẻ mà những thanh niên đôi mươi như chúng tôi đang sống không là bức tranh đẹp mà tuổi mười bảy, mười tám đã từng hàng trăm lần ấp ủ và vẽ lên trong tim mình.
Ngày chúng tôi nhận giấy báo vào đại học là ngày của những chuyển biến vô cùng mạnh mẽ trong suy nghĩ, cảm nhận của mình. Thế hệ sinh viên của năm 2015 nhận được sự quan tâm rất lớn của cả xã hội bởi sự thay đổi hoàn toàn trong phương thức tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Chúng tôi mang theo niềm kiêu hãnh của mình vào giảng đường đại học, bằng tất cả nỗ lực, khát vọng và đam mê. Thế nhưng ngay từ năm đầu đại học, nhiều sinh viên trẻ với những khuôn mặt rạng rỡ ngày xưa “không còn tha thiết gì với học hành nữa”.
Nơi tôi sống thường được gọi là Làng đại học quốc gia, ban đầu nghe thật oai nhưng rồi tôi nhận ra rằng đây đúng là “làng” thật, một ngôi làng bao gồm nhiều đơn vị là trường đại học, xoay qua xoay lại đều thấy rõ từng trường.
Tối đến nghe tiếng sinh viên cụng ly “chang chang” với nhau mà thật nản, mùi đồ nướng thơm lựng, bia gì cũng có, món từ lạ đến quen xuất hiện đầy rẫy, những lời mời chào nhiệt tình và có cả nhạc dạo để phục vụ sinh viên.
Giảng đường đôi khi là ác mộng, những môn đại cương học miệt mài nhưng chẳng thấy có ý nghĩa mấy, không nhớ được bao nhiêu, chẳng đọng lại được gì. Giảng viên nói khô cổ, sinh viên thản nhiên ngủ gục.
Tiết học trên lớp tổ chức đồng thời với hội nhóm trên Facebook. Nắng hay mưa, buồn hay vui, thầy hay hay dở, các sinh viên vẫn vừa học vừa đăng status trên Facebook rồi tranh thủ bình luận, ngồi đếm like (lượt thích) và tủm tỉm cười.
Họ nhìn những sinh viên năng động, chăm chỉ với một con mắt thờ ơ và bảo rằng “không quan tâm”. Cứ mở miệng ra là họ than ngắn thở dài về tương lai xám xịt, tin tưởng rằng “thế nào cũng thất nghiệp” và buồn bã vì mình không phải con ông cháu cha. Thất nghiệp là nỗi sợ hãi nhưng họ cũng không muốn cố gắng bởi lo sẽ thất vọng, thế nên cứ mặc định thái độ sống từ từ, nhàn rỗi.
Ký túc xá là nơi tôi thấy hoài những cảnh hẹn hò ôm ấp nhau, từ tiền bối khóa trên đến bạn bè xung quanh mình, họ là fan của những nhóm nhạc Hàn Quốc, hay cà kê quán trà sữa, bánh tráng trộn, mì cay cấp độ…
Họ bảo rằng muốn “học tàng tàng” đủ qua môn, muốn “sống ổn định”, ngại va chạm, không thích thách thức, chẳng buồn phát biểu, lười luôn cả suy nghĩ thậm chí quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ đọc một quyển sách.
Mỗi người một cảnh, sinh viên từ bốn phương tứ hướng lên Sài Gòn tìm miền đất hứa không phải cũng chỉ mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn những thế hệ trước, để không phải khổ như cha mẹ mình và xa hơn là để đất nước phát triển giàu mạnh hơn?
Tôi mong mỏi tìm lại những người bạn của mình, những người trẻ đã từng muốn trở thành người lãnh đạo đất nước, những người từng khát khao muốn cầm súng canh giữ nơi hải đảo hay biên cương tổ quốc hay đơn giản hơn chỉ là những bạn ngày nào muốn sống chết để thực hiện ước mơ trở thành một giáo viên, một kỹ sư hay một ca sĩ, một diễn viên…
Tôi rất tâm đắc câu nói của Theodore Roosevelt, Tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ: “Chúng ta chỉ có một cuộc đời mà thôi. Đó là cuộc đời mà ta phải nỗ lực để đạt được những gì mình mong muốn, chứ không phải một cuộc đời an nhàn, bình lặng”. Thời trẻ trôi qua nhanh vô cùng, cuộc sống sẽ không còn thú vị nữa nếu những người trẻ cứ muốn sống trong vòng an toàn, mong chờ ổn định.
Nguồn: Theo Khánh Nguyên – Vnexpress
Bàn nhậu: người Nhật phần ai nấy trả, người Việt đùn đẩy
Thứ nhất, ứng xử trên bàn ăn: Khi ăn người Nhật thường ăn hết những miếng cuối cùng trong chén đĩa của mình, hàm ý cám ơn công sức của người chế biến. Ngoài ra, điều đó còn phản ánh đặc tính cố hữu của người Nhật là biết quý trọng đồ dùng, không tùy tiện phung phí đồ dùng.